• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vui - Buồn chuyện "khoe" thành tích học tập

Giáo dục 12/07/2020 06:47

(Tổ Quốc) - Thời điểm cuối năm học, câu chuyện về những tấm giấy khen lại nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mấy hôm nay, bức ảnh cậu học sinh lẻ loi không giấy khen giữa cả lớp giơ giấy khen hay hình ảnh cậu học trò lần đầu tiên nhận được giấy khen check-in khắp nơi khiến mạng xã hội dậy sóng.

Theo kế hoạch thời gian năm học Bộ GDĐT công bố, thời gian kết thúc năm học trước 15/7/2020 nhưng nhiều trường đã tổng kết năm học, trao tặng giấy khen và phần thưởng cho học sinh. Từ đó, những câu chuyện xung quanh tờ giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi... lại là chủ đề được nhiều người quan tâm như những bức ảnh khiến mạng xã hội dậy sóng với những lời khen - chê. 

Không khó để thấy trong bức ảnh đầu tiên là hình ảnh được chụp ở một lớp học cấp tiểu học. Trong bức ảnh này, nếu 100% các em đều được tặng giấy khen thì không có gì đáng nói bởi những năm gần đây, việc các học sinh tiểu học cuối năm học được giấy khen không phải việc hiếm thấy. Từng xuất hiện những bảng điểm toàn 9, 10 của các học sinh tiểu học chuẩn bị thi vào lớp 6 một trường chuyên ở Hà Nội.

Chưa bàn đến nguồn gốc của bức ảnh hay mục đích của người chia sẻ bức ảnh này nhưng điều khiến mọi người suy nghĩ là bệnh thành tích tiếp tục ảnh hưởng tới hình ảnh của giáo dục Việt Nam.

Chính căn bệnh này khiến nhiều học sinh phải chịu những áp lực không đáng có trong quá trình học tập suốt chặng đường giáo dục phổ thông. Những em này vô tình bị đẩy vào vòng xoáy thành tích của ngành giáo dục, đối với học sinh tiểu học, chắc chắn những việc như thế này sẽ để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong cuộc đời học hành của các em.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh tích cực như nhiều người đang chia sẻ thì việc em không nhận được giấy khen chứng tỏ việc học hành của em là thực chất, đó chính là động lực để em vươn lên đạt được những kết quả tốt đẹp chứ không chạy theo những giá trị ảo, những tấm bằng khen, giấy khen mà nhiều khi không phải bằng chính thực lực của bản thân.

Nếu em làm được điều đó trong chặng đường học tập của mình cũng chính là thực hiện được lời dạy thứ 5 của Bác Hồ: "Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Đây là đức tính quý báu của một con người mà tôi tin rằng, người này sẽ trở thành người có ích và có trách nhiệm đối với xã hội.

Chính cậu bé trong bức ảnh cho chúng ta thấy rõ một điều, bệnh thành tích, dối trá vẫn tồn tại trong cuộc sống này. Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những mặt tiêu cực nhưng nếu nhận diện rõ ràng, khắc chế được nó thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Vui - Buồn chuyện "khoe" thành tích học tập  - Ảnh 1.

Nam sinh lớp 12 "khoe" giấy khen học sinh tiên tiến với bất kỳ người nào em gặp (ảnh: VTC news)

Không giống như bức ảnh đầu, những hình ảnh về nam sinh lớp 12 lần đầu tiên được nhận giấy khen học sinh tiên tiến ở cấp THPT mang đi "khoe" khắp nơi, với bất kỳ ai em gặp trên đường lại mang đến cái nhìn khác về thành tích trong ngành giáo dục.

Những hình ảnh về nam sinh này sau đó cũng được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trong khi nhiều người cho rằng, việc đạt được học sinh khá giỏi là quá dễ dàng, không có gì đặc biệt thì với nam sinh này, đó lại là niềm tự hào sau chặng đường cuối cùng của những năm học trung học.

Cùng là khoe thành tích, nhưng có những cách khoe khiến người ta thấy ấm lòng, vui vẻ nhưng cũng có những cách khoe khiến chúng ta thêm nặng lòng về những hình ảnh phi giáo dục, không đáng có trong nền giáo dục Việt Nam.

Trong cả 2 trường hợp, những bức ảnh thể hiện những thái cực khác nhau về cách nhìn nhận về thành tích của các học sinh thời nay. Thế nhưng cả 2 lại thể hiện được 1 điều rằng, giá trị thực chất thật đáng trân quý. Chúng ta có thể buồn vì bệnh thành tích len lỏi và chế ngự đâu đó trong nền giáo dục hiện đại này. Nhưng chúng ta phải vui vì có những học sinh quý trọng thành quả học tập của mình.

Người lớn cũng nên vui vì nhờ những hình ảnh này mà biết rằng nền giáo dục của chúng ta có những "điểm mờ" để mà từ đó khắc phục.

3 năm trở lại đây có nhiều sự việc đáng buồn xảy ra trong ngành giáo dục, có những điều không thể nào nghĩ rằng sẽ xảy ra trong một ngành liên quan trực tiếp tới việc hình thành nhân cách con người, vậy mà có lúc vẫn xảy ra.

Những phiên tòa với những bản án là cái kết dành cho những con người vì tiền, vì thành tích mà bán rẻ lương tâm nghề nghiệp, đạo đức người thầy của mình.

Nhưng cũng từ những sự thanh lọc như thế, các phụ huynh và học sinh lại tiếp thêm hy vọng giáo dục sẽ là môi trường rèn giũa những đứa trẻ trở thành những con người có ích cho xã hội hiện tại và tương lai sau này.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ