(Cinet) - Sáng 19/8, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra “Ngày hội truyền thống Cơ Tu” của đồng bào Cơ Tu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Ngày hội, đồng bào đã biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ ca ngợi đất nước, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu; cùng các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian; trình diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ… tạo không khí vui tươi, không gian giao lưu với du khách.
Đặc biệt, du khách được tự mình trải nghiệm điệu múa “Tung tung ya yá” độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Điệu múa Tung tung ya yá (còn gọi là vũ điệu dâng trời”) là một trong những nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người Cơ Tu. Người Cơ Tu có rất nhiều điệu múa nhưng đồng bào thích nhất là điệu múa "Tung tung ya yá". Đây là điệu dân vũ hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của đàn ông, thanh niên với đàn bà và thiếu nữ Cơ Tu. Trong không gian bao la của "Làng", vòng tròn nam nữ thanh niên di chuyển nhịp nhàng sinh động, cùng với âm thanh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài tan vào vũ trụ như một lời cầu nguyện người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh và tổ tiên. Họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối sẽ ban cho họ cái ăn và Giàng cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng…
Em Nguyễn Hoài Giang (đồng bào dân tộc Cơ Tu) chia sẻ, về với “Ngôi nhà chung” em rất vui và tự hào khi được giới thiệu điệu múa “Tung tung ya yá” của dân tộc mình đến du khách Thủ đô. Vũ điệu "Tung tung ya yá" đã gắn bó với cộng đồng, xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... - Hoài Giang cho biết.
Chị Minh Trang (du khách đến từ Quận Đống Đa) chia sẻ: Tôi rất vui và hào hứng khi được trải nghiệm điệu múa “Tung tung ya yá” của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Các nghệ nhân rất tận tình trong việc chỉ dạy cho tôi từng động tác một, thật sự rất đặc biệt tôi sẽ luôn ghi nhớ. Hy vọng, sẽ có nhiều chương trình biểu diễn dành cho đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” để chúng tôi được trải nghiệm, giao lưu và học hỏi.
Đến với Làng dân tộc Cơ Tu, du khách còn được giới thiệu về huyện A Lưới và các hoạt động của dân tộc Cơ Tu qua 30 bức ảnh được trưng bày; giới thiệu không gian sản vật đặc trưng của đồng bào; chế tác nhạc cụ, đan lát mà nổi bật nhất là nghề dệt Zèng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền; họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.
Chị Ngô Thị Nhất (đồng bào dân tộc Tà Ôi) cho biết: Tôi học dệt Zèng từ 10 tuổi. Nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng, bởi khi có con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Con gái lớn đến tuổi lấy chồng, cô dâu còn phải dệt được tấm zèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, đó còn là thước đo vẻ đẹp của những cô gái... Vì vậy, dệt Zèng đã trở thành nghề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc.
Dưới đây là một số hình ảnh của Ngày hội:
Điệu múa “Tung tung ya yá” độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu |
Du khách hào hứng tham gia vào điệu múa. |
Biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ. |
Giới thiệu không gian sản vật đặc trưng của đồng bào. |
dệt Zèng |