• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vụn art- nơi vẽ được ước mơ của những người khuyết tật

Văn hoá 14/04/2023 19:48

(Tổ Quốc) - Nói về "ngôi nhà" của những người khuyết tật hiện nay không thể không nhắc tới Hợp tác xã Vụn art (Vạn Phúc, Hà Đông). Nơi đây, không chỉ giúp đỡ người khuyết tật có công ăn việc làm mà còn đang tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề đúng nghĩa như câu nói "trao cần câu hơn trao con cá".

Nằm trong làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội), không ít người bị thu hút bởi một "căn phòng" nhỏ, tường bằng kính làm nổi bật những bức tranh dân gian bằng vải sinh động, đầy màu sắc được treo ngay ngắn. Đó là nơi những người khuyết tật ngày ngày sáng tạo, tỉ mỉ cắt, dán, ghép lụa vụn tạo thành những sản phẩm độc đáo của Hợp tác xã Vụn art – ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 1.

Anh Lê Việt Cường - người sáng lập Hợp tác xã Vụn art

Là người sáng lập Vụn art, anh Lê Việt Cường cho biết: "Tôi cũng là người có những khiếm khuyết về cơ thể, tôi bị mắc bệnh bại liệt từ nhỏ nên việc đi lại khó khăn chính là rào cản rất lớn để tôi có thể hòa nhập với cộng đồng. Chính vì thế, tôi hiểu được sự khó khăn của cộng đồng người khuyết tật trong quá trình tìm kiếm việc làm để có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của bản thân mình. Từ đó, tôi đã nung nấu ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật.

Trước Vụn art, tôi đã thành lập mô hình đầu tiên dành cho người khuyết tật là đào tạo, dạy nghề làm thú nhồi bông. Và khi họa sĩ Nguyễn Văn Trường đến thăm cơ sở của tôi, nhìn thấy những mảnh vải vụn anh đã ghép thành bức tranh và nói với tôi hãy phát triển nghề này để mở rộng mô hình, tạo thêm nhiều việc làm hơn cho những người yếu thế, đặc biệt đối tượng khuyết tật về trí tuệ. Được sự khuyến khích và ủng hộ của chính quyền cũng như những người thân xung quanh, đến năm 2017 tôi đã quyết định sáng lập nên Hợp tác xã Vụn art, làm tranh bằng vải vụn. Công việc này phù hợp với sức khỏe của lao động khuyết tật, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại làng lụa Vạn Phúc".

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 2.

Những người lao động khuyết tật tại Vụn art

Khi được hỏi về ý nghĩa của tên Vụn art, anh Lê Việt Cường cho biết: "Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, một mảnh ghép và tôi là chất keo để gắn kết những mảnh ghép tỏa sáng. Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, chúng tôi đã trở thành một mảnh vải lớn và trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình".

Không phải là một người theo đuổi ngành mỹ thuật, với anh Cường, bản thân chỉ là cầu nối kết nối tất cả những tấm lòng tốt trong xã hội với mong muốn dạy nghề được cho người khuyết tật. "Để có thể tạo ra nguồn lực phù hợp, tôi đã tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí, những năm đầu tiên là giai đoạn vô cùng khó khăn. Vì đào tạo một người bình thường nhiều khi cũng đã khó nhưng để dạy nghề cho những người có thể trạng đặc biệt lại càng khó hơn. Nhưng may mắn với tôi, khi có sự hỗ trợ chuyên môn của các họa sĩ như: họa sĩ Đặng Thị Khuê, họa sĩ Nguyễn Văn Trường… Họ là những người cố vấn về văn hóa, nghệ thuật, trực tiếp đào tạo các học viên".

"Chúng tôi đã cùng nhau đã tìm tòi, chia từng công đoạn làm tranh để dạy cho từng người một. Từng công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn tùy theo năng lực và nhận thức của từng người. Và đến nay, trải qua 6 năm, chúng tôi đã tạo việc làm, mang đến cơ hội hòa nhập cho hơn 32 lao động" – anh Lê Việt Cường cho biết thêm.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 3.

Sản phẩm được thực hiện bằng phương pháp thủ công (cắt, ghép, dán...)

Không chỉ nhằm mục đích tạo ra việc làm phù hợp với sức khỏe của những người lao động khuyết tật mà Vụn art còn tận dụng vải vụn để tạo ra các sản phẩm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tránh lãng phí tài nguyên xã hội. Được thực hiện bằng phương pháp thủ công (cắt, ghép, dán...), qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khuyết tật, những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ đi, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới tạo nên những sản phẩm "Tranh ghép vải" rực rỡ sắc màu, sống động và giàu tính dân gian nhưng vương vấn hơi thở của cuộc sống đương đại.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 4.

Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khuyết tật

Theo anh Cường chia sẻ, để tạo ra một bức tranh ghép vải phải trải qua nhiều công đoạn. Các công đoạn này chủ yếu được làm thủ công. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô.

Những sản phẩm ở nơi đây là những bức tranh vải, túi vải thời trang, bưu thiếp... đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian với họa tiết của dòng tranh Đông Hồ hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc... Tuy nhiên, việc tìm đầu ra là bài toán rất khó khăn đối với anh Cường và các cộng sự. Nhưng với sự năng động nhạy bén, anh tích cực quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm tranh, đến các công ty du lịch, cơ quan, doanh nghiệp liên hệ giới thiệu sản phẩm làm quà tặng.

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 5.

Túi vải thời trang

"Bên cạnh tạo ra các sản phẩm, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Qua đó, sẽ giúp cho mọi người hiểu hơn về những người khuyết tật, cách sử dụng các sản phẩm tái chế và hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Đặc biệt, với những lợi nhuận chúng tôi thu được sẽ trích ra một phần để gây quỹ cho chính người khuyết tật, và tiếp tục đào tạo nghề để mở rộng mô hình hơn nữa" – anh Cường chia sẻ.

Là người làm việc tại đây từ những ngày đầu tiên, bà Hoàng Thị Hậu bày tỏ: "Tôi thấy cảm thấy biết ơn và tự hào về việc làm ý nghĩa của Cường, khi đã tạo ra việc làm cho những người khuyết tật, giúp cộng đồng người khuyết tật có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi trở thành người lao động của Vụn Art, tôi vừa có thu nhập, vừa tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống hơn".

Ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn tại làng Vạn Phúc - Ảnh 6.

Bức tranh dân gian Đám cưới chuột

Trải qua nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, đến nay Hợp tác xã Vụn art đã đạt được những kết quả nhất định, khi sản phẩm được đông đảo du khách biết đến và đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường. Đáng chú ý, vào năm 2019, sản phẩm của Vụn Art được thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu Quốc gia.

Với ý nghĩa, không một mảnh vải nào thừa, không một "mảnh vụn" nào của cuộc đời lại vô ích, Hợp tác xã Vụn art đã thực sự trở thành nơi gieo mầm ước mơ và kết nối những người không may mắn lại với nhau./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ