• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Vùng Mê thảo” của Lê Thế Anh đến với công chúng TP Hồ Chí Minh

Văn hoá 15/11/2018 14:14

Sau thành công tại triển lãm ở Hà Nội năm 2017, “Vùng Mê thảo” tiếp tục đến với công chúng thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ triển lãm Nhóm Hiện thực đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố HCM từ 14/11 – 20/11.

Mọi người hay nói "khi họa sỹ dừng bút, bức tranh tự nó có đời sống riêng mình". Bộ tranh Vùng Mê thảo (Chất liệu: sơn dầu. Kích thước: 80 x 130cm. Sáng tác: 2017) của họa sỹ Lê Thế Anh nằm trong trường hợp như thế. Tên tranh "Vùng Mê thảo" mượn từ chữ "Mê Thảo" trong truyện ngắn Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. "Thảo" là cỏ - không gì mềm như cỏ, nhưng cũng mạnh mẽ như cỏ. Phải chăng đó cũng là tố chất, vẻ đẹp của phụ nữ... Là sự bí ẩn mà người khác phái ko dễ gì lý giải nổi, dẫn đến sự mê hoặc muôn đời.

“Vùng Mê thảo” của Lê Thế Anh đến với công chúng TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

"Vùng Mê thảo" của Lê Thế Anh

Bộ tác phẩm được họa sỹ sáng tác theo xu hướng nghệ thuật đối thoại (còn gọi là nghệ thuật tiếp đoạt) với hình ảnh ba cô gái đứng trong không gian của ba bức tranh dân gian cổ. Bức Vùng Mê thảo 1 diễn tả một cô gái tuổi 16 đang đứng nhìn buồn xa xăm, đằng sau là bức tranh dân gian Ngựa bạch. Vẻ hiền lành, tư lự của cô bé rất phù hợp với hình ảnh con ngựa trắng (ngựa bạch), trong khi cô gái bán nude ở bức Vùng Mê thảo 3 thì đứng trong không gian với chú ngựa đỏ, tượng trưng cho khí chất mạnh mẽ, tự tin, thậm chí hoang dã. Sự "nổi loạn" này lại bổ sung cho tính cách nhu mì của cô gái áo dài đỏ trong Vùng Mê thảo 2 với không gian bức tranh cổ đời Lê Trung Hưng, TK 18 "Sự học của đời người". Sự đài các, đoan trang của cô gái, quả thật rất hợp với không khí "cầm, kỳ, thi, họa" trong bức tranh dân gian.

Ba nhân vật tượng trưng cho ba tính cách, ba trạng thái của người phụ nữ. Người thì non nớt, ngơ ngác trước cuộc sống; người thì mạnh mẽ, cá tính, biết được thế mạnh vẻ đẹp của nhan sắc mình; người thì đầy ưu tư về hạnh phúc, về sự may rủi, rằng "... thân em như hạt mưa sa", dù chỉ ít phút nữa thôi, cô gái sẽ về nhà chồng. Cả ba cô gái đều có một điểm chung là nhìn xuống hoặc nhìn nghiêng. Điều này cho thấy, dù mạnh mẽ hay nệ thuộc, người phụ nữ vẫn rất yếu mềm, cần được yêu thương và che chở.

Với khả năng làm chủ chất liệu sơn dầu chuyên sâu, họa sỹ Lê Thế Anh đã diễn tả thành công ý đồ nghệ thuật cùng nội tâm nhân vật sâu sắc... khiến Vùng Mê thảo vừa có không gian đậm chất cổ điển nhưng vẫn giữ được giá trị tinh hoa dân tộc.

Có một điều khá thú vị về bộ tranh Vùng Mê thảo là sau khi được trưng bầy tại triển lãm nhóm Hiện thực 2017 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bức tranh trong bộ Mê thảo đã được gả duyên đến các nhà sưu tập... nhưng sau đó họa sỹ thấy rằng, việc tách lẻ các bức tranh khiến ý tưởng tổng thể của bộ tranh bị phá vỡ, điều này thôi thúc anh có ý định muốn mua lại các tác phẩm của mình hòng mong Vùng Mê thảo trở về thống nhất trọn bộ. Thật may mắn, nhiệt tâm của họa sỹ đã được các nhà sưu tập ủng hộ và sẵn lòng nhượng lại để Vùng Mê thảo 1, 2, 3 được đứng cạnh nhau. Đây không chỉ là hành trình đoàn tụ của bộ tranh mà còn là hành trình trải nghiệm về tính nhân văn, tình yêu nghệ thuật của họa sỹ và nhà sưu tập. Họa sỹ Lê Thế Anh cho rằng "đó không hẳn là sự trao đổi một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà là sự trao gửi "thiên lương" của những "tấm lòng trong thiên hạ" (chữ dùng của Nguyễn Tuân)./.


Thế Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ