• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vườn quốc gia Cát Tiên có thể trở thành di sản thế giới?

08/11/2012 21:27

(Cinet) – Là một trong tám khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã được Unesco công nhận. Hiện đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để đệ trình Unesco công nhân Di sản nhưng liệu Vườn quốc gia Cát tiên có thể trở thành Di sản thiên nhiên thế giới trước sự xâm hại của thiên nhiên và con người trong thời gian qua?

(Cinet) – Là một trong tám khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã được Unesco công nhận. Hiện đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để đệ trình Unesco công nhân Di sản nhưng liệu Vườn quốc gia Cát tiên có thể trở thành Di sản thiên nhiên thế giới trước sự xâm hại của thiên nhiên và con người trong thời gian qua?

Vườn quốc gia Cát Tiên với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thúVườn quốc gia Cát Tiên với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú

Với tổng diện tích gần 72.000 ha và hệ thực vật phong phú gần 1.700 loài trong đó có những loại quý hiếm như gỗ trắc, cẩm lai..và hơn 700 loài thú, chim quý hiếm trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm có trong danh sách Đỏ như: Tê giác, chim công, trĩ, đà điểu.. Ngoài ra,  Vườn quốc gia Cát Tiên còn có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót với tổng số lượng các thể khoảng 120 con sinh sống. Theo đánh giá của giới chuyên môn đây là quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam.

Hệ thực vật và cảnh quan tại Cát Tiên



Ngày 18 tháng 6 năm 2011, Tổ chức Unesco thế giới đã chính thức công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng thời đổi tên thành Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Một số loài chim quý tại Cát Tiên



Tiếp sau đó ngày 17 tháng 9 vừa qua tại Đồng Nai các chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng nhằm thẩm định hồ sơ, trên cơ sở đó đệ trình Unesco công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Để thẩm định hồ sơ về Vườn Quốc gia Cát Tiên, các chuyên gia sẽ trực tiếp khảo sát tại Vườn và làm việc với người dân, chính quyền khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia trong thời gian từ ngày 17 – 26 tháng 9. Các chuyên gia của tổ chức này cũng sẽ trực tiếp phỏng vấn, gặp gỡ người dân và chính quyền địa phương của 3 tỉnh liên quan là Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước để làm rõ tính nổi bật, đặc hữu của khu vực này, cũng như công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Và vào ngày 24 tháng 9, Đoàn chuyên gia đã trực tiếp vào rừng Cát Tiên, làm việc với các trạm kiểm lâm, gặp gỡ người dân trước đã sống trong khu vực rừng quốc gia ( giờ đã di cư ra ngoài) làm việc với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Tiên. Sau đợt khảo sát này, vào tháng 12/2012, Đoàn chuyên gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế sẽ thảo luận về tình trạng của Vườn quốc gia Cát Tiên và tháng 01 tháng 2013, tổ chức này sẽ nộp hồ sơ đề nghị công nhận di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam lên Ủy ban di sản thiên nhiên thế giới và Ủy ban này xem xét hồ sơ vào tháng 6 năm 2013.

Từ trên xuống: Bò tót, Tê giác 1 sừng, Hổ Cát Tiên - những động vật quý hiếm sống tại vườn quốc gia..



Không chỉ có một hệ động thực vật vô cùng phong phú, Vườn quốc gia Cát Tiên vốn còn là nơi cư trú của 11 dân tộc, nơi có không gian văn hóa, di sản Ốc Eo. Bởi vậy đây chính là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích – một mô hình phát triển hài hòa giữa con người với thiên nhiên dựa trên nền tảng sự đa dạng sinh học kết hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Chính bởi hội tụ nhiều giá trị vượt trội như vậy nên Vườn Quốc gia Cát Tiên mới được lựa chọn để lập hồ sơ đệ trình Unesco công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Thế nhưng liệu Unesco có công nhận khi có nhiều mối nguy hại đã và đang đe dọa hệ sinh thái này?

Nằm ở tam giác ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước, dòng sông Đông Nai chảy qua Vườn quốc gia Cát Tiên có tiềm năng lớn về thủy điện chính là mối đe dọa lớn nhất tới hệ sinh thái của vườn. Trong những năm gần đây, việc phát triển nhiều công trình thủy điện trên sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể này. Việc khiến dư luận bức xúc nhất là dự án xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Theo dự án này thì thủy điện Đồng Nai sẽ có tổng công suất 241MW và tổng sản lượng điện cung cấp hàng năm khoảng 929 triệu kWh/năm. Thế nhưng, để xây dựng được hai thủy điện thì có hơn 372 hécta rừng sẽ bị mất, trong đó có gần 137 hécta thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và gần 144 hécta thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Sự hy sinh này liệu có đáng và có cần thiết?

Có một số ý kiến cho rằng việc xây dựng thủy điện không làm ảnh hưởng gì đến môi trường cũng như cảnh quan của Vườn quốc gia song trong cuộc họp Chính phủ gần đây đoàn đại biểu quốc hôi tỉnh Đồng Nai đã khẳng định: “dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, thủy văn sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên, và việc xem xét, công nhận di sản thiên nhiên thế giới của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ngoài ra sẽ gây nên việc ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu; tác động đến văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư bản địa”.

Trên trang web http://www.cattiennationalpark.vn, lãnh đạo vườn Cát Tiên cũng cho đăng tải thông tin: “Ý kiến của vườn quốc gia Cát Tiên về việc xây dựng hai đập thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A trên sông Đồng Nai”. Thông báo đã viết: “Việc xây dựng thuỷ điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, chế độ ngập nước của hệ thống sông Đồng Nai và các bàu đầm, đặc biệt là khu Bàu Sấu (đã được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Thông qua đó, sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh và môi trường sống của các loài động thực vật. Bên cạnh đó, việc xây dựng thuỷ điện sẽ làm mất diện tích đất rừng. Do vậy, chúng tôi khẳng định là việc xây dựng thuỷ điện sẽ ảnh hưởng có hại đến tài nguyên và môi trường rừng”

Không chỉ có ý kiến của các chuyên gia hay các nhà bảo vệ động, thực vật. Ngày 29 tháng 10 mới đây trên trang web Change.org ( địa chỉ: http://www.change.org/petitions/vietnam-goverment-and-congress-saving-cat-tien-national-parj-by-stopping-2-hydropowers-dong-nai-6-6a) đã có 4.120 chữ ký phản đối dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hoạt động này do Nhóm yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên gồm nhiều trí thức trong và ngoài nước khởi xướng nhằm lên tiếng nhằm tìm giải pháp bảo vệ Cát Tiên.

Hình ảnh bò tót bị sát hại và tê giác 1 sừng cuối cùng của Việt Nam



Nhưng vườn quốc gia Cát Tiên còn có những mối đe dọa khác ngoài dự án thủy điện Đồng Nai. Còn nhớ vào tháng 4 năm 2010, dư luận trong và ngoài nước dạy sóng trước sự việc con tê giác Java 1 sừng duy nhất còn sống tại Cát Tiên đã bị  bắn chết để lấy sừng. Báo chí trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin về sự việc đáng tiếc này và những nhà bảo vệ động vật vô cùng phẫn nộ. Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF và Quỹ bảo vệ tê giác quốc tế IRF đã thông báo: Tê giác 1 sừng Java của Việt Nam đã tuyệt chủng. Chưa hết trung tuần tháng 10 mới đây, sự việc cá thể bò tót bị 17 người dân ở thôn Phước Sơn ( xã Phước Cát 2 – huyện Cát Tiên) giết hại và xẻ thịt mang đi bày bán công khai giữa chợ với giá rẻ hơn  thịt lợn khiến công chúng không khỏi bức xúc. Mà không chỉ có thế, vọọc, cu li, chim  và một số động vật quý hiếm của vườn quốc gia đã bị các đối tượng săn bắn giết hại không ít trong những năm vừa qua.

Thịt bò tót và một số động vật bị săn bắn tại Cát Tiên được Kiểm Lâm bắt được..



Trong khi các tổ chức quốc tế rất hỗ trợ để chúng ta bảo tồn hệ sinh thái, động thực vật tại vườn quốc gia thì chính một số cá nhân, tổ chức của ta lại đang hủy hoại tài sản quốc gia mình. Năm 2010, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam 500.000 USD để phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ các loài động thực vật tại Cát Tiên. Quỹ bảo vệ môi trường thế giới của Pháp và cơ quan phát triển Pháp cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam ngay 580.000 EUR sau khi thông tin về đàn bò tót tại Vườn QG Cát Tiên được công bố. Không chỉ những con số tài chính cụ thể, các đoàn chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới đã sang và hỗ trợ chúng ta trong công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái đặc biệt của vườn..

Các cán bộ khoa học đang ghép lại bộ xương của tê giác Java 1 sừng.



Không lâu nữa, vườn quốc gia Cát Tiên sẽ được tổ chức Unesco thế giới xem xét, đánh giá có đủ tiêu chí để trở thành Di sản thiên nhiên thế giới hay không? Nhưng xét cho cùng, cái quan trọng nhất không phải là danh hiệu, bởi danh hiệu cũng sẽ chỉ là hư danh nếu chúng ta không biết gìn giữ những giá trị thật, giá trị cốt lõi. Mà trong trường hợp này đó là việc bảo tồn một hệ sinh thái, động thực vật phong phú, quý hiếm, bảo tồn một môi trường xanh, lá phổi của quốc gia.

Nguyễn Hương

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ