• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Vương Tâm: Nhà thơ nối dài những cung đường

05/07/2017 08:56

(Tổ Quốc) - Cái chất liệu sống của từng địa danh, vùng đất hay lịch sử, con người… được lọc qua bộ lọc của anh, biến hình thành những dòng chữ tràn đầy sức sống mà không bị mất đi cái gốc vốn có. Tất cả những điều đặc biệt này đã nối dài thêm, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh, sinh động về một nhà thơ đáng ngưỡng mộ, người đã dành trọn tình yêu cho quê hương, đất nước mình.

Quen nhà thơ Vương Tâm đã lâu, ngót nghét chục năm gì đó, cũng độ đầu hè khi được giao việc để tìm hiểu và viết bài về anh thế nhưng lúc đó chỉ biết anh là nhà thơ đã “già” chuyên sáng tác về đề tài tình yêu và từng là Trưởng ban báo Hà Nội mới Cuối tuần. Gọi là ‘anh’ cho trẻ, đúng với tinh thần thơ của anh chứ thực ra, thi sĩ xứ Đoài nay cũng đã ngót nghét 70 (nhà thơ tên thật là Vương Duy Tâm, sinh năm 1946, quê ở Thạch Thất- Hà Tây), quen miệng mà gọi như thế và ‘anh’ cũng vui vẻ đáp lời như đó là một sự hiển nhiên xã giao dành cho mình.

Thế rồi công việc và ngoài công việc, cứ qua lại với nhau rồi được biết thêm nhiều điều thú vị về anh. 

Nhà thơ Vương Tâm

Đầu tiên là phải kể về con đường đến với nghề văn và nghề báo của anh mà nhiều người tới giờ vẫn còn ngạc nhiên bởi từ công việc của một nhà Nha khí tượng Thủy văn, anh lại bén duyên với văn chương và báo chí để rồi cuối con đường sự nghiệp của mình là dừng chân tại báo Hà Nội mới cuối tuần. Nhìn bề ngoài dường như chuyên môn của 2 công việc này không liên quan gì tới nhau nhưng biết anh rồi, tôi ngờ rằng cái sự mơ mộng thả hồn với mây gió, thời tiết khí hậu là cái sợi dây mong manh gắn chặt 2 con đường này với nhau trong anh.

Và rồi chuyện sáng tác. Cứ đều đều mỗi năm anh lại tặng cho những đứa con tinh thần mới, lúc thì là tập thơ, lúc là bút ký, rồi tiểu thuyết… dường như không năm nào là không được nhận sách mới. Nếu nói về ‘đường sách’ của anh, đến năm tôi quen anh (2007), anh đã có tất thảy khoảng 20 đầu sách, trong đó phân nửa là thơ thì kể từ đó tới nay cứ mỗi năm anh lại ra một tập sách mới, mà không biết có phải do nghỉ hưu nên anh có nhiều thời gian hơn để viết và chuyên tâm vào những đứa con tinh thần của mình chăng?!

Rồi tiếp đến là chuyện xê dịch của anh, việc khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nói không ngoa, nhẽ ra anh phải cầm tinh con ngựa mới chuẩn bởi tháng có 30 ngày thì đến 20 ngày là anh không có mặt ở nhà. Gọi cho anh lúc nào cũng một câu trả lời rằng anh đang ở chỗ này chỗ nọ. Cấm có phải là ở nhà. Anh bảo mình có đam mê với những chuyến đi. Với người trẻ có lẽ là khám phá nhưng với anh, có lẽ đó là liều thuốc để giúp tâm hồn luôn tươi mới.

Dường như mọi cung đường, mọi vùng đất ở trên dải chữ S từ cực Bắc tới cực Nam Tổ quốc đều có dấu chân anh. Nay đây mai đó, có lần vừa thấy anh thông báo bị tai nạn phải ở nhà dưỡng thương ở chân, thế mà chưa kịp đến thăm đã lại thấy anh trên đường. Và hơn thế nữa là cái sự dài ra theo những cung đường anh qua là những câu chuyện về những con người mà anh đã gặp. Điều đó khiến anh khác hẳn với những người thích xê dịch khác.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là thấy anh xuất hiện nhiều ở ngoài Hà Nội thế mà trong cuốn ký sự mới phát hành đầu năm nay của anh lại thấy anh là một người hiểu sâu sắc về thành phố này. Tập ký Cây đa Bác Hồ với muôn nẻo đường xuân anh ghi lại từng “chân tơ kẽ tóc” Hà Nội, cả những thói quen thị thành vốn phải là người nghiên cứu nhiều về Hà Nội mới rõ như thế thì trong các bài viết của anh hiển thị rõ mồn một.

Đó là một Hà Nội với những hình ảnh đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Ngoài những địa danh gắn liền với hồn cốt của Thủ đô như Cột cờ Hà Nội, tháp Rùa Hồ Gươm, còn là một Ga Hàng Cỏ gắn liền với cuộc đời của những con người sinh ra và trưởng thành trong tiếng còi tàu Ga Hà Nội mà trong ký ức của họ, đó là một tòa biệt thự thật lớn, nguy nga tráng lệ. Là hoài niệm của nghề làm quạt của họ Đào ở số 4 phố Hàng Quạt, Hoàn Kiếm qua hình ảnh cô đào hát xưa; những con phố vừa quen thuộc, vừa là lạ của một “Hà Nội ba sáu phố phường” như Hàng Khay, Y Miếu.

Nói đến Hà Nội không thể bỏ qua văn hóa chợ. Những khu chợ nổi tiếng Hà Nội cũng đi vào những bài viết của anh. Đó là một Chợ Đồng Xuân với những nét đẹp văn hóa không phải ở sự buôn bán tấp nập mà là những đêm hát xẩm, bằng tiếng hát để gợi nhớ về Hà Nội một thời đã xa với những tiếng leng keng tầu điện nổi tiếng trong ký ức nhiều người; hay đó là một Chợ Trời sầm uất và nóng bỏng những câu chuyện thường ngày trong thương trường, nơi nổi tiếng có thể bán mua mọi thứ trên đời.

Thế rồi xong phần ‘lõi’, anh lại điểm thêm những vùng ven, vùng đệm như các làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng; nghề làm nón làng Chuông; nghề giày da Phú Yên; khảm trai làng Ngọ; làng nghề kim khí Phùng Xá… với những câu chuyện lịch sử về nghề, về người làm nghề, những đổi thay và thực tại. Hay trong nhiều bài viết về những phát hiện của anh về nghề thủ công mới như phố Vác của làng Canh Hoạch trước nổi tiếng với nghề làm quạt giấy, do những thay đổi của thời cuộc, giờ lại nổi tiếng với nghề làm lồng chim hay làng tượng Dự Dụ… những vệ tinh như Ba Vì, Sơn Tây, Thanh Oai, Sóc Sơn, Ninh Hiệp… cũng được anh đưa vào để làm dày thêm cuốn ký cũng như phác thảo một hình ảnh sắc nét về Thủ đô.

Đọc cả tập ký, bài viết khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ là bài nhận định và nêu hiện trạng về phố cổ Hà Nội, cách mà người ta đối xử với những căn nhà cổ, là hồn cốt của Hà Nội và bài toán về con người đang sinh sống nơi đây, làm thế nào để dung hòa giữa những lợi ích, kinh tế với bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa phố cổ Hà Nội… Đây cũng là một trong chùm bài đã mang lại giải Nhất cuộc thi phóng sự, bút ký (tháng 11/2010), do báo Người Hà Nội trao, nhân Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (chùm ba bài: Mộng Hoa Ban trên đường Bắc Sơn; Xác nhà hay hồn phố và Ga Hàng Cỏ trăm năm thương nhớ) cho nhà thơ Vương Tâm.

Hai tập ký mới ra mắt độc giả năm 2017

Còn ở tập ký sự thứ 2 mới phát hành tháng 6/2017 này, kéo dài thêm danh sách những con đường anh đã đi, mới thực sự khiến độc giả ngạc nhiên bởi cứ ngỡ 63 tỉnh thành ở trên dải đất hình chữ S này anh đã đi hết vậy mà đọc rồi thấy anh còn nhiều nơi để đi lắm. Nếu làm một cuộc dạo chơi sơ sơ tới các địa danh trong các bài viết của anh thì độc giả đã có hòm hòm thông tin ‘dắt lưng’ để xách ba lô lên đường khám phá. Tập ký “Mắt Chăm và chùm nho” khiến người đọc thèm thuồng được chạm ngay đến những nét đẹp của mỗi vùng đất anh từng qua. Từ mũi Sa Vĩ đến mũi Cà Mau. Từ vùng núi, trung du, đồng bằng đến miền biển, đảo, thậm chí cả những nơi có dấu chân của người Việt như Biển Hồ tận đất Campuchia.

Đọc những bài anh viết chợt nghĩ, người dân bản địa nói về địa danh của mình có thể còn không hay bằng anh, bởi với sự đam mê khám phá, tìm hiểu đến cội rễ của mỗi vùng đất khiến anh có cái nhìn khác biệt. Để phát hiện ra những điểm khác biệt, lạ lẫm của từng vùng đất, địa danh anh đến, tôi đồ rằng anh đã phải mất nhiều công tìm hiểu. Dưới ngòi bút của anh, những nơi đó hiển hiện lên với vẻ tươi mới, như nói đến đường Thống Nhất, TP.HCM, anh chọn điểm dừng chân là chùa Nghệ Sĩ- ngôi chùa có nghĩa trang nghệ sĩ duy nhất trên thế giới; hay cả đất Nam Định là một dàn kèn dậy sóng biển khơi; là “Làng ca sĩ” dưới chân Lang Biang của mảnh đất Đà Lạt khi có 5.000 dân thì có đến 300 người là ca sĩ; rồi một Ninh Thuận với nho, với gốm Bàu Trúc, với “Nắng như rang- Gió như phang”và là ánh mắt Chăm ám ảnh của một nền văn hóa Chăm-pa rực rỡ thuở nào…

Những bài viết của anh đều ngồn ngộn tư liệu. Cái chất liệu sống của từng địa danh, vùng đất hay lịch sử, con người… được lọc qua bộ lọc của anh, biến hình thành những dòng chữ tràn đầy sức sống mà không bị mất đi cái gốc vốn có. Tất cả những điều đặc biệt này đã nối dài thêm, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh, sinh động về một nhà thơ đáng ngưỡng mộ, người đã dành trọn tình yêu cho quê hương, đất nước mình.

 

 

Diệp Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ