(Cinet)- Trong số 5 Nhà hát công lập đang hoạt động tại Hà Nội, chỉ có duy nhất Nhà hát Múa rối Thăng Long tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động.
Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long (Ảnh: tuoitrethudo.vn) |
Hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức đã xới xáo lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo lộ trình xã hội hóa của sân khấu Hà Nội, đến năm 2020 tất cả các Nhà hát công lập đều phải tự chủ hoạt động 100%. Chặng đường này chỉ còn 4 năm nữa, thế nhưng hầu hết các đơn vị Nhà hát Hà Nội vẫn đang “đủng đỉnh”, coi đây là cuộc “dạo chơi” không hơn không kém.
Tại khu vực phía Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh, một loạt các mô hình sân khấu kịch xã hội hóa đã được xây dựng trong 20 năm qua, như: sân khấu Idecaf, sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Công ty TNHH Nụ Cười Mới...
Tại Hà Nội, hiện nay mới chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long tiến hành xã hội hóa hiệu quả, tự chủ trong hoạt động. Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tiến hành khoảng 30% - 50%. Còn lại các nhà hát khác thỉnh thoảng cũng tìm kiếm được các nguồn tài trợ để dựng vở, làm chương trình, chứ chưa xây dựng được một đề án cụ thể. Họ vẫn trông chờ vào ngân sách Nhà nước là chủ yếu.
Theo đại diện Nhà hát Kịch Hà Nội, đơn vị này cũng đã triển khai một số tác phẩm xã hội hóa khá thành công. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận hoạt động này mới chỉ mang tính ngẫu hứng, thiếu tính chiến lược. Hình thức xã hội hóa mà các đơn vị sân khấu tại Hà Nội áp dụng hiện nay là tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty để “xin” tài trợ, tuy nhiên “được chăng hay chớ”.
Nhiều nghệ sỹ cũng than thở cách làm này là mang tính cá nhân, không lâu dài, khiến các nghệ sỹ gặp không ít khó khăn, vất vả.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: Đối với các đơn vị sân khấu Thủ đô, nhất là sân khấu truyền thống thì việc xã hội hóa không có nghĩa là bị bỏ rơi, phải “tự bơi”. Nhà nước vẫn quản lý, vẫn đặt hàng tác phẩm và có đấu thầu.
Đồng quan điểm trên, NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội mạnh dạn góp ý: “Đã đến lúc sân khấu Hà Nội không thể sống mãi bằng ngân sách nhà nước. Nhưng Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương (bảo tồn vốn cổ, quan tâm đến việc truyền nghề của các nghệ nhân, nghệ sĩ cao tuổi cho thế hệ trẻ)... Ngoài ra, Nhà nước cũng không nên để các đơn vị nghệ thuật sống lay lắt, sống trên giấy tờ”.
Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, để xã hội hóa hiệu quả và thành công, các nhà hát cần căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, xây dựng đề án và đưa ra những giải pháp cụ thể. Ông cũng đưa ra đề xuất nên thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, với mục đích huy động nguồn vốn từ khán giả để đầu tư cho tác phẩm.
Ông cũng lấy ví dụ Nhà hát Cải lương Việt Nam. Sau một thời gian dài kêu gọi đầu tư từ các nhà tài trợ và công chúng. Năm 2015, Nhà hát đã “trả ơn” khán giả bằng vở diễn khá “nặng ký” thuộc thể loại lịch sử như “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế” đủ để thõa mãn giấc mơ hiện đại hóa cải lương. Cả hai vở diễn ấy đều “cháy vé”. Cuối năm 2015, Nhà hát này tiếp tục ra mắt vở “Vua Phật”, tặng 2.000 vé cho khán giả.
T.Dung (Tổng hợp: hanoimoi; daidoanket)