• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích là cần thiết

13/08/2018 16:16

Trong khi hàng chục, hàng trăm công trình kiến trúc cổ được xếp hạng đang lâm vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, mòn mỏi đợi tôn tạo, thì có nhiều di tích lại biến mất hoàn toàn sau khi tu bổ. 

Trong khi hàng chục, hàng trăm công trình kiến trúc cổ được xếp hạng đang lâm vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, mòn mỏi đợi tôn tạo, thì có nhiều di tích lại biến mất hoàn toàn sau khi tu bổ. 



Ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa Bộ VHTTDL, đã chia sẻ với Báo SGGP xung quanh những nút thắt trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.



PHÓNG VIÊN: Phân cấp quản lý di tích về các địa phương đã được coi là một trong những bước tiến quan trọng giúp quản lý, bảo vệ di tích. Song phần lớn những người được giao phụ trách quản lý di tích đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu. Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến liên tiếp xảy ra các vụ di tích bị xâm hại nghiêm trọng thời gian qua?



Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH: Đúng là nhiều địa phương hiếm có cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý di sản. Để khắc phục, Cục Di sản cũng như Phòng Quản lý di sản ở các tỉnh, thành thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương trực tiếp trông nom di tích. Nhưng đáng tiếc những vụ việc xâm hại di tích xảy ra gần đây lại không phải do năng lực cán bộ yếu mà do họ cố tình phớt lờ, không thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích, di sản. Việc xây dựng công trình trên núi Cái Hạ (Tràng An - Ninh Bình), xây dựng tam quan chùa Bổ Đà (Bắc Ninh)… cũng là một ví dụ cho việc hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng không tuân thủ những quy định bảo vệ di sản. 



Theo tôi, việc phân cấp quản lý di tích về địa phương là một bước cần thiết. Vấn đề hiện nay cần giải quyết triệt để là phải nghiêm túc xem xét việc thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích ở các địa phương. 



Nhiều văn bản của cơ quan quản lý ra đời nhằm quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, di sản. Tuy nhiên, những vụ xâm hại di tích, di sản vẫn tiếp tục xảy ra khiến dư luận thắc mắc, liệu các quy định này có thiết thực với đời sống và gần gũi với nguyện vọng nhân dân?



Quy trình xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích, di sản, đều tuân thủ luật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đều lấy ý kiến của nhân dân, chuyên gia và bộ ngành liên quan, đảm bảo đúng các trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo tôi, những năm gần đây, vi phạm trong lĩnh vực này đã hạn chế nhiều, chứng tỏ văn bản phát huy hiệu quả và phù hợp với đời sống thực tế. Gần đây nhất, trong hội nghị của UNESCO có đánh giá hệ thống văn bản thực thi văn bản pháp luật của Việt Nam trong việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa là rất hiệu quả và phù hợp.



Một số ý kiến cho rằng, hiện có hàng ngàn di tích như đình, đền, làng đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của Nhà nước chắc sẽ rất khó khăn, nhưng người dân tự làm thì dễ vướng đến pháp lý? 



Trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa từng có điều nào ngăn cấm, thậm chí còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. 



Trong lĩnh vực di sản, ngành di sản văn hóa thay mặt nhân dân và chính quyền phát hiện ra những di sản còn nằm trong dân, từ đó đề xuất biện pháp để bảo vệ. Hiện tại vẫn còn nhiều di sản như thế. Nếu đó là những di sản có giá trị, nhân dân và chính quyền địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa để trước hết là bảo vệ, sau đó là huy động các nguồn lực của xã hội, của Nhà nước để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị này. 



Từ trước đến nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định về mặt kỹ thuật để phục vụ cho việc làm sao bảo vệ tốt nhất di sản đã có, chứ không có quy định nào gây cản trở việc xã hội hóa cũng như nguyện vọng, mong muốn của người dân trong việc tu bổ, bảo vệ di tích. Nếu hiểu rõ quy định này, chính quyền địa phương và người dân sẽ có động lực hơn trong việc xã hội hóa hoạt động tu bổ, bảo vệ di tích. Với những sửa chữa nhỏ, chống xuống cấp di tích, không cần phải lập phương án, hồ sơ xin phép mà chỉ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ những sửa chữa lớn mang tính chất tổng thể, trọng yếu mới cần lập dự án, báo cáo kỹ thuật…

Đình Lương Xá (Hà Nội) gần đây bị thay mới bằng bê tông cốt thép khiến dư luận bức xúc

Phần lớn các di tích cổ đều làm bằng gỗ, qua thời gian đều đã xuống cấp. Nhu cầu thay thế nguyên liệu, vật liệu cho phù hợp với cuộc sống hiện tại, phù hợp với nguồn đóng góp của nhân dân là có thật. Việc này sẽ được giải quyết như thế nào?

Chỉ một bộ phận rất nhỏ cho rằng thay thế vật liệu gốc bằng vật liệu mới sẽ giúp công trình to, đẹp, tốt và rẻ hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tính toán của các cơ quan chức năng, nếu thực hiện việc tu bổ di tích theo truyền thống, giữ gìn những cấu kiện, hiện vật vốn có của di tích thì chắc chắn nguồn đầu tư tu bổ của di tích ấy ít hơn là sử dụng vật liệu mới. Theo đúng nguyên tắc tu bổ là hỏng đâu sửa đó, gia cố gia cường thì sẽ không có chuyện kinh phí vượt trội. Chỉ trong trường hợp thay mới toàn bộ di tích mới có thể phát sinh nhiều hơn.



Có chuyên gia cho rằng “có tiền để tu bổ thì di tích biến mất nhanh hơn”. Câu chuyện xã hội hóa trong lĩnh vực này nên giải quyết như thế nào, thưa ông?



Xã hội hóa là chủ trương, mục tiêu của nhiều lĩnh vực. Mọi di sản văn hóa có được đến ngày nay cũng là nhờ dân, do dân mà có, vì thế để các di sản này tiếp tục “sống” thì công tác xã hội hóa vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện tượng tu bổ theo phương thức xã hội hóa làm biến dạng di tích cũng đã được phát hiện và đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nay. Để hạn chế việc này, Luật Di sản ra đời và được sửa đổi 2 lần, cùng đó là nhiều nghị định, thông tư được ban hành để hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu các nguồn vốn xã hội dành cho tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện đúng theo các quy định này thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa hiện tượng biến dạng di tích.



Phải chăng hiện nay có xu hướng các địa phương không muốn làm hồ sơ công nhận xếp hạng di tích để việc sửa chữa, tu bổ, tôn tạo đỡ vướng thủ tục rườm rà?



Tôi không nghĩ như vậy, chỉ có một số trường hợp hãn hữu như làng cổ Đường Lâm, vịnh Nha Trang… Song, gần đây có một xu xướng cũng đáng lưu ý là hiện tượng nhiều công trình, di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo làm mới khang trang rồi thì địa phương mới làm hồ sơ để xin xếp hạng. Khi tiếp nhận hồ sơ để đưa ra hội đồng, phải nghiên cứu, xét đầy đủ các tiêu chí. Nếu xây mới, làm biến dạng di tích gốc thì không thể xếp hạng.



Theo SGGP

NỔI BẬT TRANG CHỦ