Sáng 3/2/2015, UBND.TPHCM và công ty Đại Quang Minh đã tiến hành lễ động thổ Dự án Xây dựng Cầu Thủ Thiêm nối quận 2 với khu trung tâm quận 1, TPHCM.
Sáng 3/2/2015, UBND.TPHCM và công ty Đại Quang Minh đã tiến hành lễ động thổ Dự án Xây dựng Cầu Thủ Thiêm nối quận 2 với khu trung tâm quận 1, TPHCM.
Cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn, Quận 1 chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng vượt qua sông Sài Gòn và kết nối với Đại lộ Vòng cung (Tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2...do Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh làm chủ đầu tư; được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo chủ đầu tư, dự án cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 06 làn xe (04 làn xe ô tô và 02 làn xe tổng hợp), với tổng chiều dài là 1.465m trong đó phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và đêm.
Dự án xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư là 4.260 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và tư vấn là 2.283,0 tỷ đồng; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải tỏa là 308,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng và dự phòng thay đổi mức lương là 491 tỷ đồng. Chi phí dự phòng trượt giá và lãi vay là 1.177,5 tỷ đồng.
Để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng Dự án cầu Thủ Thiêm 2, UBND.TPHCM đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh 13,6 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thực hiện dự án khác theo cơ chế thực hiện đồng thời với dự án BT. Với cơ chế này, tổng vốn đầu tư của Dự án cầu Thủ Thiêm 2 chỉ còn là 3.082,5 tỷ đồng, giảm được phần chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay là 1.177,5 tỷ đồng.
Theo dự kiến, cầu Thủ Thiêm 2 được hoàn thành và đưa vào khai thác vào lễ 30/4 năm 2018 (38 tháng). Trong trường hợp Tổng Công ty Ba Son bàn giao mặt bằng sớm hơn thì thời gian hoàn thành có thể nhanh hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của chính quyền TPHCM trong việc tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên ông Thăng lưu ý: “TPHCM cùng chủ đầu tư nên rà soát lại tiến độ. Với tiến độ tới 30/4 năm 2018 mới hoàn thành dự án là quá chậm. Tôi cho rằng dự án này làm chậm nhất là khoảng 30 tháng, còn nếu làm nhanh thì phải 24 tháng, vì các điều kiện của các nhà thầu Việt Nam bây giờ thừa sức để thi công với tiến độ như vậy. Vì nếu làm nhanh chi phí sẽ giảm đi rất nhiều, nhất là chi phí lãi vay và các chi phí khác”.
Bộ trưởng Thăng cũng đề nghị chủ đầu tư và tư vấn thiết kế xem lại khẩu độ thông thuyền cho phù hợp với các loại tàu trên sông Sài Gòn. Bởi nếu làm cao quá sẽ dẫn tới lãng phí; ngoài ra các đơn vị cần phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm để triển khai kịp tiến độ.
Giang Thanh
(Nguồn: Vietnamnet)