Xây dựng các sản phẩm du lịch có thương hiệu trên nền tảng văn hóa Huế
(Tổ Quốc) - Đó mà một trong nhiều giải pháp được Sở Du lịch thành phố Huế đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 vừa tổ chức vào chiều ngày 3/1, với mục tiêu đón 4,8-5 triệu lượt khách trong năm mà Huế sẽ đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia.
Du lịch Huế đạt nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại hội nghị, Sở Du lịch thành phố Huế cho biết, năm 2024, đơn vị đã tổ chức nhiều sự kiện, chương trình, lễ hội nhằm kích cầu du lịch, tạo sự quan tâm chú ý của cộng đồng địa phương, du khách cũng như các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm tạo điểm nhấn giới thiệu, quảng bá du lịch Huế và thu hút khách du lịch đến Huế. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Huế tại các sự kiện được đẩy mạnh. Quan hệ hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Huế với các địa phương trong khu vực và quốc tế không ngừng được củng cố, phát triển…
Trong năm 2024, ngành du lịch đón được gần 3,9 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2023; trong đó có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với năm 2023, có gần 2,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 25% so với năm 2023. Tỷ trọng khách du lịch quốc tế chiếm gần 36% trong tổng lượt khách du lịch đến tỉnh. Thị trường khách du lịch chủ yếu đến từ các thị trường: ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc. Doanh thu từ du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2023; các chỉ tiêu về du lịch đạt kế hoạch năm 2024 đề ra.
Năm vừa qua, ngành du lịch Huế cũng đón nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng trong và ngoài nước như: Thành phố Du lịch sạch ASEAN; Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN 2024 dành cho Du lịch trải nghiệm Văn hóa - Nghệ thuật - Ẩm thực, thực dưỡng chay; Địa điểm tổ chức MICE ASEAN 2024 - Hạng mục Địa điểm tổ chức sự kiện; Giải thưởng Travelers' Choice Best of the Best Destinations (Huế ở vị trí thứ 8 trong số 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới 2024) do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor tổ chức. Cùng với đó là hàng loạt giải thưởng quốc tế dành cho một số khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn nội đô và sân golf.
Một số điểm nhấn của ngành du lịch Huế trong năm qua là đã xây dựng thành công đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025. Cùng thành phố Huế nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Phối hợp với một số đơn vị đưa vào hoạt động một số sản phẩm du lịch mới như: Chuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng “Hành trình kết nối di sản miền Trung”, Chương trình Bản giao hưởng Cố đô/ Huế Symphony; Sân Golf Golden Sands Vinh Thanh – Vinh Xuân...
Năm 2025, triển vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ là động lực cho ngành du lịch nói chung và du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng. Đặc biệt năm 2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương và nhiều sự kiện lớn được tổ chức như: Năm Du lịch Quốc Gia, kỷ niệm 50 năm giải phóng Thừa Thiên Huế… sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch cũng như cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh Huế.
Phấn đấu thu hút 5 triệu lượt khách
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế cho hay, năm 2025 ngành du lịch Huế tập trung các giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục thu hút khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên Huế; phát triển sản phẩm mới có tính đặc trưng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…
Mục tiêu, trong năm 2025, ngành du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút khoảng 4,8-5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 38-40% tổng lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800-11.200 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách. Kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao.
Để thực hiện được các mục tiêu kể trên, ngành du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể; Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy Văn hóa Huế làm nền tảng; Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Triển khai những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động; Đẩy mạnh công tác hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau triển khai đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch...
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành du lịch đã đạt được, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế cho hay, năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với Huế với khối lượng công việc rất lớn và cũng đầy khó khăn.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, đề nghị ngành du lịch cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đã đề ra để triển khai thực hiện; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ngành du lịch nhằm đạt được những kết quả tốt nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố Huế trong năm tới.
Dịp này UBND thành phố Huế, Sở Du lịch cũng đã tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương.