Bài toán làm thế nào để phát triển hài hòa giữa quản lý và "mở cửa" các dịch vụ về đêm dành cho khách du lịch không phải không có cách giải. Phó Giáo sư (PGS) Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch đã đưa ra những đề xuất xác đáng về câu chuyện này.
Đánh mất nhiều cơ hội…
Các nước phát triển như Anh, Australia,... đã thu về hàng tỷ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch. Việt Nam cũng đã xuất hiện manh nha kinh tế ban đêm nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược bài bản do vướng nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý, thời gian hành chính, thu hút nhà đầu tư… Dưới góc độ chuyên môn, xin ông chia sẻ về hiện trạng và hướng phát triển nền kinh tế ban đêm ở Việt Nam?
PGS Phạm Trung Lương: Kinh tế ban đêm là một phần không thể thiếu của lĩnh vực dịch vụ du lịch. Tại các điểm du lịch, du khách không chỉ mong muốn trải nghiệm các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa, mà buổi tối cũng là lúc nhu cầu thư giãn, giải trí tăng cao, đặc biệt là khách quốc tế. Nếu tổ chức tốt, có thể cung cấp tốt các dịch vụ về ban đêm, Việt Nam sẽ có những khoản thu đáng kể trong hoạt động du lịch.
Hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều hình thức như mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực... Việc phát triển kinh tế ban đêm đang gặp một số vấn đề do vướng mắc về quy định pháp luật, gần đây nhất là Nghị định 54 của Chính phủ quy định chặt chẽ về kinh doanh karaoke, vũ trường, tránh việc lợi dụng hoạt động kinh doanh ban đêm để làm việc trái pháp luật như sử dụng ma túy,...
Tuy nhiên, nếu đánh đồng tất cả các hoạt động dịch vụ về đêm giống như dịch vụ trái pháp luật này, nước ta sẽ mất đi những cơ hội để có được nguồn thu lớn từ kinh tế ban đêm. Do vậy, cần giải quyết được mâu thuẫn này mới phát triển được kinh tế ban đêm một cách lành mạnh, từ đó đáp ứng được nhu cầu của du khách, tăng khả năng lưu trú và chi tiêu. Như vậy kinh tế du lịch mới có hiệu quả.
Đồng thời, cũng cần đảm bảo quản lý được để tránh các hoạt động phi pháp. Đây là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý chứ không nên dùng những quy định hành chính để áp đặt theo kiểu không quản lý được thì cấm. Điều này là rất không ổn, khiến nền kinh tế ban đêm không thể phát triển ở Việt Nam, dẫn đến bài toán đau đầu về việc khách du lịch đến Việt Nam lưu trú ngắn, chi tiêu ít.
Manh mún, nhỏ lẻ… càng khó quản lý
Ở Colombia, các quán bar được quản lý theo cách quy hoạch riêng thành một dãy phố. Khi khách du lịch mua vé vào sẽ bị kiểm tra để tránh việc mang ma túy, vũ khí... vào trong bar. Nếu ở Việt Nam cũng quản lý theo kiểu quy hoạch một khu hoạt động ban đêm, có cơ chế hoạt động giống một số nước trên thế giới, ông thấy thế nào?
PGS Phạm Trung Lương: Để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới. Hiện tại, một số cơ sở có dịch vụ về đêm đang xen lẫn với khu dân cư, nên dù có quản lý tốt đến mấy cũng ít nhiều có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Và việc các cơ sở cung cấp dịch vụ ban đêm đang rất nhỏ lẻ như hiện nay cũng khó để quản lý tốt được.
Thực tế, ngay như Đà Nẵng được gọi là thủ phủ du lịch miền Trung, nhưng du khách phản ánh không biết chơi gì, tiêu gì vào ban đêm. Ông có đề xuất gì để Đà Nẵng cũng như các thành phố du lịch lớn của Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm?
PGS Phạm Trung Lương: Tôi cũng đã có đề xuất trong rất nhiều quy hoạch và ý tưởng phát triển, ngay kể cả Đà Nẵng về việc quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý.
Về mặt quản lý cũng có nhiều cách, một trong số đó là yêu cầu gửi đồ, chỉ đi người không vào khu vực dịch vụ về đêm. Việc quản lý ở cả một tổ hợp vui chơi giải trí, mua sắm... về đêm sẽ thuận lợi hơn. Khách du lịch sẽ có chỗ đến tập trung và sự đông đúc tập trung đó sẽ tạo sự hứng khởi cho họ trong việc tham gia các dịch vụ về đêm. Đồng thời, mô hình tổ hợp dịch vụ như vậy tách biệt với khu dân cư, không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Quan trọng nhất là sẽ quản lý được các hoạt động dịch vụ ban đêm theo đúng nghĩa lành mạnh.
Việc xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm là cách tiếp cận bền vững, lâu dài cho sự phát triển kinh tế ban đêm. Tôi cho rằng các doanh nghiệp lớn sẽ sẵn sàng đầu tư vào các tổ hợp này.
Vâng xin cảm ơn ông!