(Tổ Quốc) - Sáng 20/12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến các sở VHTT, VHTTDL và các địa phương trên cả nước. Thứ trưởng Hồ An Phong chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
- 19.12.2024 Văn hóa ẩm thực và sự di chuyển tại Việt Nam trong phát triển công nghiệp văn hóa
- 01.12.2024 Hà Nội khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa
- 21.11.2024 Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa
- 19.11.2024 Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTG ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Thời thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa ở tầm cao mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam được đề cập qua nhiều văn kiện của Đảng. Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Việc ban hành Chiến lược này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, qua 8 năm triển khai Chiến lược, công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, phải tranh thủ thời cơ để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, đòi hỏi các ngành CNVH Việt Nam cũng phải có tầm cao hơn, khẳng định được nhận thức, vị trí của các ngành CNVH đồng thời thúc đẩy các ngành CNVH ở tầm cao mới.
"Từ nhận thức đó, Bộ VHTTDL đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30 về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, đồng thời Thủ tướng giao Bộ VHTTDL phối hợp các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và hoàn thành trong năm nay. Tuy thời gian gấp rút nhưng Chiến lược phải tạo sự chuyển biến cho CNVH, trên cơ sở sự phát triển nhận thức, đáp ứng các yêu cầu ở tầm cao mới, thể hiện sự nỗ lực vươn mình vào kỷ nguyên mới"- Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ.
Theo Thứ trưởng, Dự thảo Chiến lược gồm 2 điều, 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cho ý kiến sâu sắc để sao cho Chiến lược khi ban hành phải nâng cao nhận thức xã hội, thể hiện được tầm nhìn mới về CNVH, nâng cao vị thế các ngành CNVH Việt Nam trong đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tạo cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển CNVH. Chúng ta cần những chủ trương chính sách có tính dẫn dắt, kiến tạo nhằm tạo ra những động lực mới để các doanh nghiệp của xã hội làm CNVH.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành CNVH đóng góp 7% GDP; đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động, trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển theo một số định hướng: Chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; gắn với hội nhập quốc tế, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền.
Góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa chất lượng cao và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hình thành các doanh nghiệp lớn, tạo ra hệ sinh thái liên kết mang tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp, đồng bộ giữa sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng. Từng bước xây dựng các trung tâm phân phối sản phẩm công nghiệp văn hóa tại thị trường trong nước và đẩy mạnh tham gia thị trường quốc tế.
Theo các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi nhất để giữ vai trò trung tâm kết nối.
Cần sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện CNVH
Phát biểu tại Hội thảo, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, CNVH ở Việt Nam còn thiếu tính biểu tượng, tập trung và cơ chế.
Theo TS Ngô Phương Lan, nói đến CNVH ở Hàn Quốc, người ta chỉ dùng một chữ Hallyu (làn sóng Hàn Quốc còn gọi là Hàn lưu). Còn với Nhật Bản có anime là phim hoạt hình, mangga là truyện tranh, với điện ảnh Mỹ là Hollywood, sân khấu Mỹ là broadway. Để đạt được biểu tượng này, các nước đã có mấy chục năm để hình thành, xây dựng, và chúng ta cũng cần tìm ra biểu tượng cho CNVH.
Về yếu tố tập trung, theo TS Ngô Phương Lan, chúng ta chưa chọn được trọng điểm để thực hiện. Ví dụ như nguồn nhân lực, nếu đầu tư cho nhân lực cũng phải là nhân lực đỉnh cao chứ không phải là đầu tư dàn trải. "Hàn Quốc người ta có công nghệ ngôi sao, khi đó người ta đầu tư học tập từ bé. Xây dựng thần tượng dựa trên bản sắc văn hóa và phẩm chất văn hóa"- TS Ngô Phương Lan chia sẻ.
Yếu tố thứ ba là cơ chế. Theo TS Ngô Phương Lan, cần xây dựng rõ cơ chế hợp tác công tư. TS Ngô Phương Lan cho rằng, nếu không có hợp tác công tư không thể làm công nghiệp văn hóa.
Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, Dự thảo Chiến lược cần lựa chọn khu vực phát triển CNVH sát với thực tiễn thực hiện ở các địa phương. Đồng thời cần định hình trung tâm dữ liệu để phát triển CNVH có bước đi vững vàng hơn.
Với Thủ đô Hà Nội và TP HCM là đầu tầu thực hiện CNVH, hai thành phố là động lực để các địa phương trên cả nước tìm được mô hình phát triển. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, Hà Nội cần có báo cáo đóng góp của các ngành CNVH Thủ đô vào % GDP, để thúc đẩy được con số của cả nước.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định, bước đi trọng điểm căn cơ trong xây dựng Chiến lược là phải có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan...
Đồng quan điểm về sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện Chiến lược, TS Tom Flemming- Hội đồng Anh cho rằng, hiện nay là thời điểm Việt Nam cần nắm bắt để có sự chuyển mình trong phát triển CNVH.
Theo TS Tom Flemming, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, giữa khu vực công và tư thực sự chưa đồng bộ. Sự tham gia của các tổ chức cơ sở, nhất là các tổ chức chịu tác động của hệ thống chính sách còn mang tính hình thức.
"Các quy định pháp lý liên quan đến việc huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là lĩnh vực được ưu tiên khi sự phát triển văn hóa vẫn gặp phải những rào cản, điểm nghẽn đáng kể cả từ nhận thức xã hội và các quy định pháp lý không theo kịp với hoàn cảnh đang thay đổi"- TS Tom Flemming nhận định.
TS Tom Flemming cũng khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu và căn cứ vào dữ liệu thu thập được sẽ giúp việc đánh giá sự phát triển của các ngành CNVH theo thời gian và giúp xây dựng, đánh giá chất lượng phát triển của các ngành này.
Bên cạnh đó, cần định vị, quảng bá Việt Nam và các ngành CNVH Việt Nam trên thị trường thế giới một cách mạnh mẽ hơn. Tạo ra khung pháp lý, cơ chế để khuyến khích và thu hút nhiều hơn về đầu tư tư nhân cũng như bảo đảm vai trò tham gia của khu vực tài chính. Điều này có thể thực hiện qua các Quỹ đầu tư.
Ngoài ra, theo TS Tom Flemming, cần thúc đẩy việc thu hút FDI, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể cộng tác với doanh nghiệp trong nước để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định, các ý kiến tại Hội thảo được góp ý trên cơ sở thực tiễn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, những người trực tiếp làm CNVH. Nhiều ý kiến hay từ thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để xây dựng Chiến lược, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của CNVH trong thời gian tới.
Đánh giá cao những ý kiến góp ý tại Hội thảo, Thứ trưởng cho rằng, nhiều ý kiến hay, gợi mở nhiều vấn đề cho Ban soạn thảo dự thảo Chiến lược, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc của những người trực tiếp thực hiện CNVH. Thứ trưởng cho rằng, hoạch định chính sách là dựa vào những tiếng nói như vậy, chúng ta phải lắng nghe nhiều hơn để tháo gỡ khó khăn.
Vấn đề thứ 2 là lựa chọn lĩnh vực trọng tâm trong CNVH. Hoạch định chính sách phải lựa chọn, không ôm đồm, để tạo sự đột phá. Các đại biểu đồng tình chọn 5 lĩnh vực trọng tâm cơ bản để thúc đẩy CNVH trong giai đoạn tiếp theo, nhưng không có ngành nào đơn lẻ. Chúng ta nhận diện 1 số ngành trung tâm để thúc đẩy nhưng các ngành có tính đan xen, liên kết và tương hỗ rất mạnh. Chúng ta phải cập nhật, thể hiện rõ trong Chiến lược, phải thể hiện rõ tầm nhìn trong xây dựng chính sách. "Có chiến lược, có chủ trương, kiên trì từng bước tạo ra cơ chế để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trong phát triển CNVH"- Thứ trưởng yêu cầu.
Thứ trưởng cũng cho rằng, cần có sự nghiên cứu, hiến kế thêm từ các chuyên gia, các địa phương, những người làm CNVH để tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động CNVH.
Sau Hội thảo ngày hôm nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng giao Cục Bản quyền tác giả hoàn thiện dự thảo và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia liên quan góp ý trước khi trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.