• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển du lịch thác Bản Giốc

Du lịch 11/04/2018 15:06

(Tổ Quốc) -Sáng 11/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc về công tác chuẩn bị Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc triển khai hiệp định Thẩm định.

Tham dự buổi làm việc còn có đơn vị đại diện Bộ VHTTDL: Tổng cục Du lịch, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tài chính.

Tại buổi làm việc,  Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Trần Hoàng đã báo cáo, sau khi Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hiệp định về tự do đi lại của tàu thuyền ở cửa sông Bắc Luân được chính thức ký kết giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc (2015), Chính phủ Việt Nam đã giao cho tỉnh Cao Bằng xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc triển khai hiệp định Thẩm định dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Bộ VHTTDL. Tỉnh Cao Bằng đã chủ động thuê chuyên gia, tư vấn để xây dựng Dự thảo Đề cương trước khi gửi xin ý kiến Bộ VHTTDL.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn 

Hiện thác Bản Giốc có điện tích 400 ha, phân định mỗi quốc gia Việt Nam và Trung Quốc 200 ha. Theo khuôn khổ Hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2015, hai quốc gia thống nhất các biện pháp hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới và khai thác tài nguyên du lịch. Hai bên nhất trí tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn nước, môi trường, luồng đi lại trên sông, suối biên giới, phòng chống cháy rừng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và kết nối giao thông, quản lý lao động khu vực biên giới, phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới. 

Đại diện Tổng cục Du lịch và các Vụ đều thống nhất đưa ra ý kiến cần có cơ chế đặc thù tại khu vực khai thác du lịch chung giữa hai nước nhằm khai thác du lịch hiệu quả, như: giảm thuế đối với các hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho khách du lịch hai nước Việt Nam, Trung Quốc và cả khách du lịch nước thứ ba…

Bên cạnh đó, các vấn đề khác như: dịch vụ lưu trú, bán vé, bảo vệ cảnh quan… cũng được đưa ra thảo luận tại buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhất trí với quan điểm xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển du lịch thác Bản Giốc đã được ký kết tại Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc giữa Việt Nam và Trung Quốc trong diện tích 400 ha. Tuy nhiên, diện tích còn lại của Khu du lịch thác Bản Giốc tại Việt Nam với khoảng 800 ha thì thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt của khu du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực. Nếu có thể, nghiên cứu xem xét, căn cứ vào thực tiễn ưu tiên thêm cho Cao Bằng hơn so với địa phương khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc xây dựng Đề án phải hướng đến mục đích phát triển chung của Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực đặc thù liên quan đến hai nước, nhằm khai thác du lịch chung hiệu quả về kinh tế, xã hội đồng thời tăng cường hợp tác, hoà bình, ổn định và tình đoàn kết giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch phối hợp với tỉnh Cao Bằng để tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ