(Cinet) - Điện ảnh Việt Nam đang bước những bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và mang đến cho công chúng các sản phẩm văn hóa đa dạng,góp phần quảng bá hình ảnh đất nước,con người Việt Nam.
Thị trường Điện ảnh
Từ những đứa con đầu lòng của điện ảnh Cách mạng Việt Nam là những bộ phim tài liệu vô giá như: Trận Mậu Hóa, Chiến dịch Cao Bắc Lạng, Chiến thắng Đông Kinh, chiến thắng Tây Bắc, chiến thắng Điện Biên Phủ rồi đến các kiệt tác như “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”, “Con chim vành khuyên”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng mười” và gần đây như “Áo lụa Hà Đông” , “Sống trong sợ hãi”, “Những đứa con của làng”, “Sống cùng lịch sử”, “Mùi cỏ cháy”, “Đừng đốt”, “Cuộc đời của Yến”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em chưa 18”… điện ảnh Việt Nam ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ tựa như dòng sông chảy mãi, lớp sóng sau xô lớp sóng trước, tạo nên một thị trường điện ảnh ngày một mở rộng, đồng thời ngày càng phát lộ những đặc điểm của một nền công nghiệp điện ảnh trong tương lai.
Điện ảnh Việt Nam ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ |
Nếu trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tập trung ca ngợi những phẩm chất cao quý thời chiến, đề cao tính chuẩn mực đạo đức của dân tộc, sự thủy chung son sắt, đức hy sinh, thì sau 30/4/1975, khi điện ảnh hai miền Nam – Bắc hòa làm một, chủ đề tình yêu lao động và xây dựng đất nước trở thành tâm điểm của điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam cũng có diện mạo mới với các tác phẩm biểu dương con người mới và các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc, chống lại cách sống lệch lạc. Khi đất nước bước vào công cuộc đối mới năm 1986, Điện ảnh cũng tạo được dấu ấn với các tác phẩm thành công với những tìm tòi mới mẻ trong phong cách thể hiện những góc khuất trong tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Điện ảnh Việt Nam đã và đang phát triển ổn định từng bước tiếp cận và hội nhập với điện ảnh Đông Nam Á, và thế giới, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước và con người Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, văn minh, hiện đại.
Như vậy có thể thấy rằng, điện ảnh luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Đảng và nhà nước ta cũng luôn đánh giá cao vai trò của điện ảnh, không chỉ là món ăn tinh thần của nhân dân mà còn là “mũi nhọn” trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quốc gia. Điều này thể hiện rõ nét qua việc Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ hành lang pháp lý đầy đủ, chắc chắn này hoạt động điện ảnh trên các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim, đối ngoại, các hoạt động quảng bá đất nước, con người và hình ảnh Việt Nam trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu liên hoan phim Việt Nam và liên hoan phim quốc tế ASEAN đã tạo ra dấu ấn đậm nét. Các phim Việt Nam đạt giải tại Liên hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương như phim tài liệu “Chốn quê”, “Trúng số”, và những bộ phim của các đạo diễn độc lập được mời tham dự liên hoan phim Cannes hay Venis như "Culi không bao giờ khóc”, "Vị"; hay Hai bộ phim được chiếu giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2017 là "Đảo của dân ngụ cư" (The Way Station) của đạo diễn Hồng Ánh và "Vợ ba" (The Third Wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Bên cạnh đó, các phim do nhà nước đặt hàng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Số lượng phim sản xuất trong nước tăng mạnh từ năm 2015. Từ chỗ trung bình 20 – 25phim/ năm lên 40 phim/năm. Đạt chỉ tiêu số lượng phim của năm 2020 trong chiến lược phát triển điện ảnh. Số lượng phòng chiếu phim tăng nhanh, đến cuối năm 2017 là 750 phòng vượt chỉ tiêu trong chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020.
Mặt khác, chúng ta có một thị trường điện ảnh phát triển nóng, với doanh thu tăng trưởng trung bình 20% trên năm, điều mà trước đây chỉ là giấc mơ. Doanh thu của điện ảnh năm 2015 là 2400 tỷ, 2016 là 2800 tỷ, 2017 là 3250 tỷ. Như vậy, tác phẩm điện ảnh vừa là món ăn tinh thần, vừa trở thành hàng hóa đặc biệt, có phạm vi tác động đến xã hội rộng rãi.
Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh tư nhân
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" gây tiếng vang lớn sau khi công chiếu trên toàn quốc. Nguồn: tienphong.vn |
Cuối năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép thành lập hãng phim tư nhân. Theo đó, đến cuối năm 2017 đã có hơn 450 hãng phim tư nhân. Các hoạt động sản xuất, phổ biến phim ở trong và ngoài nước được xã hội hóa mạnh mẽ. Đặc biệt Cục Điện ảnh đã mạnh dạn đề xuất cơ chế đặt hàng làm phim mới. Nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn và sản xuất phim. Kết quả là sự ra đời bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bộ phim đã thành công rực rỡ khi vừa đạt chất lượng cao về chất lượng nghệ thuật, đạt giải bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; đồng thời trở thành một trong những phim ăn khách với hiệu quả kinh tế, xã hội cao, doanh thu kỷ lục với 78 tỷ đồng (hơn 3,5 triệu USD) chỉ sau một tháng công chiếu, tổng doanh thu gấp 10 lần kinh phí nhà nước đạt hàng, mặt khác góp phần thu hút du khách đến với Phú Yên.
Trong những năm gần đây, có thể thấy rõ điện ảnh Việt Nam phát triển thiên theo hướng công nghiệp điện ảnh. Các bộ phim sản xuất ra chủ yếu là của các hãng phim tư nhân, khi sản xuất phải có đầu ra, phải tính đến khán giả để tiếp tục tái đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật không chú trọng đến đầu ra mà tập trung đi sâu vào nội dung, chất lượng, cùng những tìm tòi mới trong phong cách thể hiện. Hàng loạt các phim tham dự tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đã khẳng định rõ xu hướng này như “Em chưa 18”, “Cô hầu gái”, “Cha cõng con”...
Trong năm 2017, số lượng phim do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam là 38 phim, ít hơn so với 2015 là 42 phim và 2016 là 41 phim. Tuy nhiên, việc các công ty sản xuất phim tư nhân đã tích cực đầu tư vốn để sản xuất phim, tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài, hạn chế tối da các tác phẩm yếu kém, hoặc hài nhảm như nhiều năm trước… không những cho thấy hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động điện ảnh mà còn khẳng định được vai trò của các cơ quan quan lý nhà nước trong việc nỗ lực xây dựng và định hướng thẩm mỹ trong quá trình thẩm định và cấp phép phổ biến phim.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý điện ảnh với các đơn vị tư nhân đã làm tốt công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế thông qua các triển lãm, hội chợ, các ngày phim Việt Nam, quảng bá du lịch qua điện ảnh. Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh tư nhân đã mang lại diện mạo mới cho điện ảnh Việt Nam.
Quảng bá điện ảnh
Các thành tựu của điện ảnh Việt Nam, các giải thưởng trong những năm qua đã góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, trong đó nổi bật là các sự kiện điện ảnh lớn trong nước như: Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.
Liên hoan phim Việt Nam đã trở thành ngày hội điện ảnh lớn nhất của các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh và khán giả. Nguồn ảnh: vov.vn |
Liên hoan phim Việt Nam được tổ chức thành công 20 kỳ trở thành ngày hội điện ảnh lớn nhất của các nghệ sĩ, những người làm điện ảnh và khán giả. Liên hoan đã biểu dương và giới thiệu tới công chúng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có giá trị nghệ thuật cao, đồng thời là dịp các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển bền vững điện ảnh Việt Nam.
Hai kỳ liên hoan gần nhất đạt những thành công nổi bât, nhờ chất lượng phim được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Cục Điện ảnh đã sáng lập và phối hợp với quỹ Asean tổ chức thành công và để lại dấu ấn sâu đậm tại Giải thưởng phim ASEAN. Bà Ngô Lan Phương, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh: Với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và nhân văn", Liên hoan phim Việt Nam lần này là dịp để giới thiệu nền điện ảnh Việt Nam, cơ hội để tôn vinh nghệ sĩ điện ảnh, người hoạt động điện ảnh cả nước đã và đang cống hiến, xây dựng, phát triển mạnh mẽ nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.”
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã được tổ chức đến lần thứ IV, năm 2016 đã khẳng định thương hiệu của một liên hoan phim quốc tế của Việt Nam. Sau 4 lần tổ chức, quy mô tổ chức ngày càng được mở rộng, sự chú trọng các phim dự thi trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sang toàn thế giới, chất lượng và sự chuyên nghiệp được nâng tầm với các bộ phim nghệ thuật đỉnh cao, các tác phẩm điện ảnh mới. Các chuyên gia điện ảnh Quốc tế quy tụ, chất lượng chuyên môn và hiệu quả của các trại sáng tác, chợ dự án phim Haniff luôn có sự đổi mới sáng tạo và vẫn phù hợp với điện ảnh Việt Nam và được bạn bè thế giới đón nhận.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình giới thiệu điện ảnh tại nước ngoài thông qua các tuần phim điện ảnh đã góp phần quảng bá du lịch, nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam ra quốc tế, ấn tượng nhất là chuỗi hoạt động tại liên hoan phim quốc tế Cannes lần đầu tiên tổ chức gian hàng Việt Nam, đêm Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, bối cảnh quay phim, đồng thời ký kết thỏa thuận với Cục điện ảnh Việt Nam với Trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp.
Dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải pháp tháo gỡ, nhưng rõ ràng, có thể thấy bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt Nam là sự phát triển. Bỏ đi sự phân biệt giữa điện ảnh tư nhân, điện ảnh nhà nước, chúng ta hướng đến xây dựng nền điện ảnh Việt Nam không ngừng tiến bước./.
Gia Linh