• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch - văn hóa - khoa học

Thời sự 17/10/2024 17:06

(Tổ Quốc) - Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ đưa Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.

Đồ án "Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045" đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, Kỳ họp thứ 19 thông qua.

Theo Nghị quyết số 330 của HĐND tỉnh Lâm Đồng, đồ án kế thừa, tiếp tục triển khai thực hiện các định hướng cơ bản, các nội dungcủa "Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2024 (Quy hoạch chung 704) vẫn còn phù hợp.

HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, điều chỉnh quy hoạch lần này để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của Đà Lạt cũng như giải quyết những vấn đề hạn chế, bất cập ách tắc về giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ đặc biệt là vùng lõi của thành phố. Dự báo năm 2035, dân số Đà Lạt khoảng 1,1 triệu người và đạt 1,9 triệu người vào năm 2045.

Không gian đô thị Đà Lạt được mở rộng về 4 phía - Ảnh 1.

Không gian đô thị Đà Lạt được mở rộng về phía Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.

Đồ án cũng nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị phát triển du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Phát triển đô thị đồng thời phát triển theo hướng bền vững.

Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 mét trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 336.067 ha.

Về tính chất, Đà Lạt là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa, dịch vụ và đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng,... Là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, giải trí cấp vùng và quốc gia. Trở thành đô thị phát triển du lịch cấp quốc gia và là đô thị có đặc trưng về di sản.

Trong các động lực phát triển, thành phố được xác định phát triển du lịch sinh thái cảnh quan rừng, du lịch hỗn hợp, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Định hướng phát triển không gian TP. Đà Lạt và vùng phụ cận với 2 vùng Bắc - Nam. Phát triển theo mô hình đa trung tâm với 2 đô thị trung tâm và 3 đô thị vệ tinh. Hai đô thị trung tâm được kết nối trực tiếp bởi hai trục giao thông theo hướng Bắc Nam. Các đô thị vệ tinh và vùng chức năng được kết nối với các đô thị trung tâm dựa theo các đặc trưng về tự nhiên, khí hậu, địa hình, tính chất đô thị cũng như các tiềm năng, lợi thế từ đặc điểm cảnh quan của mỗi khu vực để hình thành các vùng phát triển chuyên biệt.

Không gian đô thị Đà Lạt được mở rộng về 4 phía - Ảnh 2.

Các đô thị vệ tinh sẽ được phát triển thành những trung tâm kinh tế, dịch vụ quan trọng, giảm tải áp lực cho Đà Lạt.

Định hướng năm 2045, vùng phía Bắc, đô thị trung tâm gồm TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương (định hướng sáp nhập vào Đà Lạt năm 2030), là đô thị có vai trò lịch sử, bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan, là trung tâm, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng. Vùng đô thị phía Nam gồm 4 đô thị Đức Trọng, D'Ran, Thạnh Mỹ, Nam Ban, thu hút sự phát triển và giảm áp lực cho vùng đô thị trung tâm phía Bắc. Trong đó, Đức Trọng là đô thị hạt nhân, tương lai trở thành trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh; có vai trò là đầu mối giao thương quốc tế của vùng, quốc gia và 3 đô thị vệ tinh.

Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào Đà Lạt, tổ chức không gian đô thị thành phố hình thành 3 phân vùng phát triển gồm: Vùng lõi, Vùng đệm sinh thái và Vùng bảo tồn sinh thái, với 9 phân khu phát triển không gian chức năng. Các phân khu này sẽ có định hướng phát triển không gian riêng. Dự báo dân số ở 9 phân khu đến năm 2035 khoảng 403 nghìn người, và đạt 607 nghìn người vào năm 2045.

Về các phân vùng phát triển, vùng phát triển du lịch sẽ khai thác các khu vực có cảnh quan rừng, mặt nướcvà địa hình, khí hậu của khu vực để phát triển các khu du lịch chất lượng cao, manghình ảnh tự nhiên đặc trưng của khu vực.

Định hướng các trục không gian chủ đạo của TP. Đà Lạt và vùng phụ cận dựa trên cơ sở kế thừa Quy hoạch chung 704 và bổ sung các trục không gian mới và điều chỉnh một số trục không gian. Cụ thể, kế thừa các trục không gian chính là Trục di sản Đông - Tây; trục Mimosa - Prenn; tuyến nối từ trục di sản lên hồ Đankia và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Bổ sung các trục không gian mới là Trục Trường Sơn Đông; trục vành đai đô thị thành phố Đà Lạt mở rộng; trục CT.25 (cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương) và CT.27 (cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương); trục QL27 (điểm đầu giáp ranh tỉnh Đắk Lắk ở cầu Krông Nô, huyện Đam Rông và điểm cuối giáp ranh tỉnh Ninh Thuận ở huyện Đơn Dương); trục QL.27C (điểm đầu giáp ranh tỉnh Khánh Hòa ở xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và điểm cuối tại Km 239+500 của QL.20, TP Đà Lạt); trục đường vành đai đô thị Đức Trọng - Thạnh Mỹ; trục ven sông Đa Nhim.

Riêng trục không gian gồm trục vành đai nối các đô thị và trục vành đai Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm không còn phù hợp với định hướng phát triển.

Để thực hiện Nghị quyết, HĐND tỉnh Lâm Đồng giao UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định của pháp luật./.

TP. Đà Lạt là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng; hiện có diện tích gần 40.000 ha với 12 phường và 4 xã; dân số (năm 2023) là gần 260.000 người.

Đức Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ