• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KHƠI DẬY HỆ GIÁ TRỊ - CHUẨN MỰC CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI - Bài 2: Xây dựng Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển, hội nhập

Văn hoá 02/04/2023 07:45

(Tổ Quốc) - Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia. Để hội nhập, tiếp thu được tinh hoa của nhân loại, mỗi quốc gia, cộng đồng hoặc cá nhân cần phải trang bị nền tảng tinh thần, đó chính là nền tảng văn hóa, chuẩn mực cần thiết để hội nhập mà không bị hòa tan. Đó sẽ là một nền tảng làm cơ sở để tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Cần thiết xây dựng hệ giá trị mới

Trong quá trình hội nhập, cần thiết phải nhìn nhận vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người trong bối cảnh mới, rồi từ đó mới phát triển kinh tế. Sự phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa quá nhanh, con người chỉ chú trọng đến mưu sinh, làm giàu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về văn hóa. Nếu thiếu hệ giá trị, chuẩn mực của con người thì khi hội nhập chỉ tiếp thu được cái xấu, cái thô, những điều không phù hợp với văn hóa đất nước.

Xây dựng Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển, hội nhập - Ảnh 1.

Trong quá trình hội nhập, cần thiết phải nhìn nhận vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người trong bối cảnh mới (ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP. HCM: Hiện nay, các khu công nghiệp phát triển mạnh, thu hút lực lượng lớn lao động tập trung, khi di cư đến đây, người lao động chỉ tập trung việc học nghề để làm việc, có thu nhập gửi về cho gia đình, họ không quan tâm đến giá trị, chuẩn mực văn hóa và nghiên cứu, tìm hiểu giá trị văn hóa địa phương, nhiều hệ lụy xảy ra ở các khu nhà trọ công nhân, khu công nghiệp. Khi nhập cư đến một vùng đất nào đó, người Việt luôn tôn trọng giá trị văn hóa của địa phương, học hỏi văn hóa của địa phương để bổ sung vào kho tàng văn hóa của mình. Việc này đã trở thành thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian người Việt "Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc". Chính nét văn hóa này mới thể hiện được các giá trị văn hóa tương đồng và khác biệt. Cũng là người Việt nhưng sinh sống ở các địa phương, môi trường địa lý tự nhiên khác nhau sẽ có những giá trị văn hóa tương đồng và khác biệt. Chỉ khi xác định được giá trị khát quát chung và những giá trị mang bản sắc địa phương mới có thể phát triển hài hòa, bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Việc phát triển kinh tế là cần thiết, mang lại sự ổn định cuộc sống, mức sống cho người dân. Nhưng song song với đó là sự chuẩn bị về hệ giá trị, chuẩn mực của con người.

Theo PGS.TS Đặng Thị Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), thực trạng đời sống đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện đáng báo động. Đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, sự vô cảm, manh động, coi thường tính mạng con người; đạo đức gia đình, đạo đức học đường, đều có vấn đề. Hiện tượng cổ súy cho lối sống hưởng thụ, buông thả, xem thường các giá trị truyền thống khá phổ biến, tội phạm ngày càng trẻ hóa... đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cấp, các ngành về việc giáo dục đạo đức, lối sống và sự cần thiết phải sớm hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Các bậc thang giá trị có phần bị đảo lộn, tinh thần đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tiến bộ và cái lạc hậu ít được đề cao. Chính vì vậy mà cái xấu, cái ác có nơi, có lúc lộng hành. Mặt khác, ngày nay, con người có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhờ khoa học và công nghệ hiện đại, song dường như con người ngày càng bị "sa mạc hóa" tâm hồn, quan hệ giữa người với người ngày càng lỏng lẻo, con người trở nên ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm trước những hiện tượng đời sống xung quanh.

"Trong bối cảnh như vậy, phát huy những giá trị truyền thống đã từng làm nên sức mạnh của dân tộc là hết sức cần thiết, đồng thời cần bổ sung thêm những giá trị hiện đại nhằm xây dựng, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trong hội nhập quốc tế"- PGS.TS Đặng Thị Lan nhận định.

Xây dựng Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển, hội nhập - Ảnh 2.

Hệ giá trị cộng đồng/dân tộc/vùng miền gồm: Tôn trọng- hòa đồng- đoàn kết- hợp tác (ảnh minh họa)

Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

PGS.TS Lâm Nhân cho rằng, hệ giá trị con người hiện nay cần được xác định ở các cấp độ cá nhân, vùng miền, dân tộc và quốc gia.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã định hướng rất rõ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Đó là những giá trị truyền thống đã được xác định kết hợp với những giá trị mới hình thành trong quá trình phát triển đất nước, đổi mới và hội nhập: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Dựa trên những hệ giá trị này, có thể đề xuất xây dựng hệ giá trị chuẩn mực ở các cấp độ cá nhân, cộng đồng/dân tộc/vùng miền và cấp độ quốc gia. Trong đó có: 5 giá trị cho cá nhân, 4 giá trị cho cộng đồng/dân tộc/vùng miền và 3 giá trị cho hệ giá trị quốc gia.

Theo đó, hệ chuẩn mực con người cấp độ cá nhân gồm: Kỷ luật- trung thực- trách nhiệm- sáng tạo- nghĩa tình.

Hệ giá trị cộng đồng/dân tộc/vùng miền: Tôn trọng- hòa đồng- đoàn kết- hợp tác.

Hệ giá trị chuẩn mực con người cấp độ quốc gia gồm những giá trị chung nhất mà ai ai cũng phải thấm nhuần đó là: yêu nước - kỷ cương - tự cường.

Như vậy, hệ chuẩn mực của con người Việt Nam cần đúc kết các giá trị của cá nhân, giá trị của cộng đồng/dân tộc/vùng miền và giá trị của quốc gia. Những đề xuất với 5 giá trị cá nhân (kỷ luật, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo, nghĩa tình); 4 giá trị cộng đồng (tôn trọng - hòa đồng - đoàn kết - hợp tác); 3 giá trị quốc gia (yêu nước - kỷ cương - tự cường) đã đóng góp một phần để cùng nhau xây dựng được những chuẩn mực văn hóa mang tính khái quát nhất, dễ hiểu, dễ nhớ và đi vào lòng người nhất. Bên cạnh đó, cần xác định những giá trị, mang bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, vùng miền để tôn trọng, học hỏi trong bối cảnh hội nhập, đa văn hóa như hiện nay- PGS.TS Lâm Nhân nhận định.

Xây dựng Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển, hội nhập - Ảnh 3.

Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống và phải sớm hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh mới (ảnh minh họa)

PGS.TS Đặng Thị Lan, cho rằng, trên cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hóa, đặc biệt, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rất rõ định hướng về các chuẩn mực con người Việt Nam trong quá trình hội nhập: "Phải chăng, hệ giá trị con người Việt Nam mà chúng ta xây dựng, phát huy có sự kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, hội nhập".

Bộ VHTTDL đã đề xuất 2 phương án hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam: phương án 1 gồm 5 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực. Phương án 2 gồm 7 giá trị: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.

PGS.TS Đặng Thị Lan đồng thuận với phương án thứ 2 vì các giá trị yêu nước, đoàn kết, nhân ái thuộc về những giá trị truyền thống. Đây cũng là ba giá trị điển hình tạo nên sức mạnh Việt Nam từ trong lịch sử đến hiện tại và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Còn bốn giá trị tiếp theo: Trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực là những giá trị hiện đại, cũng là những điểm cần hoàn thiện của con người Việt Nam hiện nay.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ