(Tổ Quốc) - PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Giá trị văn hóa- yếu tố cấu thành bản sắc tộc người
Theo PGS.TS Phạm Văn Dương, giá trị văn hóa là nguồn tài nguyên, nguồn lực vô cùng quan trọng của mỗi quốc gia, địa phương và mỗi tộc người trong quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật chúng ta không dễ dàng nhận diện được một cách toàn diện hệ thống các giá trị văn hóa của một dân tộc, một quốc gia. Vì thế, ở nhiều địa phương thường gặp không ít khó khăn trong xác định quy hoạch, phát triển gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với các câu hỏi thường gặp như: Cái gì là giá trị? Cái gì phải bảo tồn? Phát huy cái gì?...
Trong chiến lược phát triển văn hóa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra vấn đề phương pháp, cách tiếp cận và một số quan điểm khoa học trong nghiên cứu nhận diện hệ giá trị của văn hóa hiện nay. Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam gồm các giá trị do chính con người thuộc cộng đồng 54 dân tộc sáng tạo ra trong quá khứ và hiện tại (có tính lịch sử). Chuẩn mực (thường là về đạo đức: core values, code of ethics) là những giá trị mà con người hướng tới trong hiện tại và tương lai. Giá trị văn hóa con người Việt Nam theo thời gian kết tinh thành hệ thống các giá trị văn hóa, trong đó không chỉ biểu hiện ở khía cạnh vật chất là những di sản văn hóa đến từ quá khứ, mà còn là các sinh hoạt văn hóa mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, là một bộ phận hữu cơ của đời sống các cộng đồng dân cư trong mỗi làng bản, mỗi gia đình. Giá trị văn hóa con người Việt Nam là yếu tố cấu thành bản sắc tộc người bao gồm: tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, nghệ thuật, luật pháp, tập quán, sinh hoạt... là sự thể hiện bản chất năng lực con người với tính cách là thành viên của cộng đồng xã hội.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam ở đây được hiểu là bao gồm toàn bộ các giá trị vật thể và phi vật thể cốt lõi, được kết tinh từ các mối quan hệ xã hội của con người, mỗi tộc người được hình thành do quá trình cư trú, hoạt động của họ tác động vào thế giới tự nhiên cụ thể mà tạo ra, nhằm thỏa mãn các nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Trên ý nghĩa đó, chúng ta có thể nhận thấy các giá trị văn hóa con người của 54 tộc người Việt Nam gồm: các loại hình văn hóa gắn với tập quán cư trú, kiến trúc nhà ở, làng bản gắn với môi trường, các tri thức dân gian về môi trường và tài nguyên; các luật tục quy định các nếp sống của cộng đồng; dân ca, dân vũ; hoạt động kinh tế của mỗi tộc người, của các cộng đồng tộc người với những mức độ khác nhau trong quá trình nông thôn hóa, đô thị hóa... Các yếu tố của các loại hình văn hóa trên biểu hiện rất đa dạng, phong phú, giàu bản sắc và là tài sản, là nguồn vốn hữu hình và vô hình của cộng đồng, dân tộc và địa phương, đây chính là nguồn tài nguyên cho phát triển.
Nhận diện giá trị văn hóa con người Việt Nam hiện nay là công việc khó khăn, phức tạp. Thực tế công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị văn hóa ở Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa con người Việt Nam nói riêng cho thấy thời gian qua chúng ta đã có các phương pháp khoa học để nhận diện giá trị. Tuy nhiên, những nghiên cứu nhận diện thường chỉ hiệu quả với các công trình, di sản văn hóa đã bảo tồn "tĩnh", độc lập, ít liên đới đến đời sống đương đại như: các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật.. còn với các di sản văn hóa "sống" liên quan đến bản sắc, bản tính, phẩm chất con người thì việc nhận diện chưa thật sự được nhìn nhận đầy đủ và còn nhiều tranh luận. Đối với văn hóa con người Việt Nam, cần có quan điểm nhìn nhận giá trị theo hướng tích hợp của văn hóa.
Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại hiện hữu với đặc trưng di sản truyền thống và cuộc sống đương đại đan xen, tiếp nối và đang tiếp diễn, chúng ta có thể xác định nhận diện các nhóm giá trị:
- Giá trị tự thân của văn hóa tộc người: Đó là các giá trị kiến trúc, nghệ thuật nhà cửa, làng bản, các công trình thủy lợi, công trình phòng thủ...
- Giá trị lịch sử: Giá trị về niên đại thể hiện sự hiếm có của di sản văn hóa còn lại qua thời gian, thể hiện sự tiêu biểu của hiện vật với một giai đoạn lịch sử, công trình hay không gian là chứng tích cho những sự kiện lịch sử...
- Giá trị kế thừa, tiếp biến trong đời sống đương đại: Nếu nhìn về thời gian, coi là gốc của di sản thì giá trị này chưa hình thành, mà được hình thành dần cho đến ngày hôm nay. Nó bao gồm giá trị cảnh quan sinh thái như: địa chất, địa mạo, cây xanh, mặt nước, địa hình... Các yếu tố này có sự biến đổi theo thời gian bởi sự tác động của con người trong quá trình sinh tồn.
- Giá trị dấu ấn nơi chốn tạo bản sắc, tính biểu tượng cho khu vực: Nó không hẳn là giá trị lịch sử bởi có thể được tái hiện, tái tạo hoặc phục dựng phần vỏ để giữ phần hồn. Một chiếc cổng vào bản được xây mới, không đặt ở vị trí cũ vẫn mang giá trị dấu ấn nơi chốn, tạo bản sắc cho mỗi thôn bản của mỗi cộng đồng tộc người vì nó đã chuyển hóa thành giá trị biểu tượng về tính riêng của làng bản dân tộc trong đời sống đương đại.
- Giá trị tạo lập môi trường sống, sinh thái, sinh thái nhân văn: Giá trị này có tính động rất cao. Hệ thống sông, suối, hồ nước bao quanh làng bản truyền thống có vai trò tạo lập cân bằng hệ sinh thái nước, bảo đảm canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, tạo sự đa dạng sinh học.
- Giá trị văn hóa xã hội đương đại: Đã có sự chuyển biến của các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại như các công trình kiến trúc nhà truyền thống đã được hoán cải một số kết cấu kiến trúc, được xây dựng bằng các vật liệu mới, được lắp đặt các thiết bị công nghệ tiện nghi, phục vụ nhu cầu của người dân trong đời sống đương đại. Vì vậy, nhận diện giá trị của chúng cho mục tiêu bảo tồn và phát triển cũng phải đặt trong câu hỏi, liệu chúng có giá trị gì trong đời sống đương đại, chúng có khả năng tiếp nhận, dung nạp thêm các chức năng mới, phù hợp với cuộc sống đương đại hay không.
- Giá trị tích hợp, phát triển: Không phải là phép cộng của hệ giá trị thứ nhất và thứ hai như phân tích ở trên. Giá trị văn hóa con người Việt Nam khi tích hợp lại sẽ được nhân lên gấp bội, vì vậy, rất cần nhìn nhận một cách đầy đủ, hệ thống. Nếu giá trị tự thân của văn hóa và di sản dễ dàng nhận diện và có thể bảo tồn, thì giá trị văn hóa con người như tập quán, phong tục, dân ca, dân vũ... đương đại lại có khả năng phát huy phục vụ mục tiêu phát triển gắn với bảo tồn, đây sẽ là thế mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
"Nhận diện các giá trị văn hóa tộc người sẽ giúp cho cộng đồng tích hợp đầy đủ, toàn diện của bức tranh văn hóa ở mỗi tộc người, là cơ sở để thực hiện cùng lúc hai mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nếu tách di sản văn hóa ra khỏi các giá trị của đời sống đương đại thì khó có thể thực hiện mục tiêu bảo tồn văn hóa tộc người thành công"- PGS.TS. Phạm Văn Dương nhận định.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh đương đại
Bối cảnh đương đại là xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ do sự phát triển vượt bậc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Trong đó phải kể đến sức mạnh của công nghệ thông tin với internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo... Những yếu tố công nghệ này dường như đã xóa nhòa một phần ranh giới quốc gia, ranh giới văn hóa. Mỗi công dân từ các quốc gia tham gia vào hệ thống kết nối này sẽ trở thành một phần của hệ thống. Từ đó tiếp cận, hội nhập, ảnh hưởng, thẩm thấu hệ giá trị chung của hệ thống đó, hình thành nên hệ giá trị công dân toàn cầu. Vấn đề bản sắc quốc gia, dân tộc, vùng miền có thể sẽ mờ nhạt đi.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những thách thức về an ninh, văn hóa chưa từng có đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và với mỗi cá nhân. Đó là sự lệ thuộc vào công nghệ, bị nô dịch và dẫn dắt bởi công nghệ. Từ đó tạo lập các cộng đồng ảo, giá trị ảo nhưng hậu quả đối với an ninh và văn hóa của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân lại là hiện hữu.
Xây dựng những giá trị chung mang bản sắc quốc gia Con người vừa là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng văn hóa nhưng cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, văn hóa con người Việt Nam là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định nhất trong tất cả các nguồn lực để phát triển đất nước Việt Nam phồn thịnh. Văn hóa con người Việt Nam từ trước đến nay đã được nhận diện và khái quát thành hệ giá trị con người Việt Nam với những đặc tính ưu việt là: yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, khéo léo, dễ thích ứng trong lao động và hội nhập... Tuy nhiên, những giá trị trên mang tính phổ quát nhiều hơn, vì vậy chúng ta có thể nhận thấy ở mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy vậy, hệ giá trị chung, phổ quát mang bản sắc quốc gia vẫn rất cần thiết nhận diện, làm rõ những đặc điểm Việt Nam. Từ đó cụ thể hóa nó trong cuộc sống bằng những yêu cầu về chuẩn mực hành vi của mỗi công dân với trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng hình ảnh văn hóa con người Việt Nam.
Để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trước hết cần nhận thức, nhận diện đầy đủ về nó. Từ trước đến nay chúng ta thường nhấn mạnh đề cao những giá trị chung, phổ quát mà chưa nhận diện, nhận thức đúng, đầy đủ về những giá trị riêng. Giá trị riêng của con người Việt Nam mang bản sắc tộc người, địa phương và vùng miền. Những giá trị riêng này đã giúp cho mỗi cộng đồng tộc người thể hiện, khẳng định bản tính của riêng họ. Bản tính đó được tạo lập từ nhiều thế hệ, được tôi luyện bởi quá trình sinh tồn, tương tác với tự nhiên và với con người, giữa các tộc người với nhau. Từ đó tạo lập những nét văn hóa riêng, khác biệt nhưng không dị biệt hay mâu thuẫn. Ví dụ, giá trị văn hóa con người của dân tộc Mông là nghị lực kiên cường, thích ứng hòa thuận với môi trường khắc nghiệt của cao nguyên đá khô cằn. Người Mông có câu "sống trên đá chết vùi trên đá" vì vậy họ không bỏ cuộc mưu sinh vất vả, bỏ miền đất mình sinh sống, gắn bó. Hay văn hóa con người miền Trung là nghị lực vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, gắn bó với quê hương, tạo lập những giá trị riêng về tình quê hương gắn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển... Trong nguồn lực văn hóa thì nguồn lực con người phải được nhận diện là quan trọng nhất, quyết định nhất. Nguồn lực văn hóa con người chính là hàm lượng văn hóa trong hành vi của mỗi con người. Biểu hiện là những phẩm chất, thái độ, tính cách, ý thức trách nhiệm... Như đã đề cập ở trên, những phẩm chất của con người
Việt Nam ngoài những yếu tố mang tính phổ quát như chịu khó, khéo léo, dễ thích ứng... thì cần chú trọng nhận diện những giá trị riêng của văn hóa con người Việt Nam mang nét địa phương, vùng miền và tộc người. Từ đó, xây dựng nên hệ giá trị văn hóa con người mang tính địa phương, vùng miền, tộc người trong tổng thể hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Kết lại, theo PGS.TS. Phạm Văn Dương, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc và mọi nền văn hóa, sự phát triển hay diệt vong đều có nguồn gốc từ yếu tố con người. Con người là chủ thể sáng tạo, là trung tâm, là yếu tố quyết định các giá trị do chính con người tạo lập và cũng chính con người là tác nhân huỷ hoại những giá trị đó. Vì vậy, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng và Nhà nước phải trở thành nhân tố then chốt - quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải dựa trên nền tảng hệ giá trị chung của quốc gia; chắt lọc, kế thừa phát triển và ngày càng hoàn thiện từ các giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tạo dựng, thử thách và được khẳng định qua thời gian.
Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải là sự kết tinh, hòa quyện từ các giá trị văn hóa chung, phổ quát của dân tộc, nhân loại với các giá trị văn hóa riêng có của mỗi cộng đồng, tộc người, địa phương, để từ đó khai thác, phát huy thế mạnh của những nét riêng.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng "đề kháng, miễn dịch" trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải trở thành hệ giá trị công dân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới. Kiến tạo con người Việt Nam với những phẩm chất, năng lực và bản lĩnh... có thể đối mặt, đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới./.