• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng môi trường tốt hơn để phụ nữ làm kinh doanh

Kinh tế 25/03/2020 09:26

(Tổ Quốc) - Chỉ số Mastercard (Mastercard Index) đã đi sâu vào các yếu tố thúc đẩy sự khác biệt của nữ doanh nhân ở châu Á.

Theo bà Julienne Loh, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ đối tác Doanh nghiệp, khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mastercard, chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn cơ hội, nhưng không phải cơ hội nào cũng mở ra cho tất cả mọi người. Trong khi số lượng nữ doanh nhân trên thế giới ngày càng tăng lên, những phụ nữ khởi nghiệp vẫn đang vật lộn để tiếp cận đủ nguồn lực bao gồm kinh phí, hậu cần và kiến thức ngành. Theo Ngân hàng Thế giới, 45% nền kinh tế trên thế giới có luật pháp hạn chế sự tham gia và duy trì của phụ nữ trong lực lượng lao động. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của những nền kinh tế cởi mở hơn, và cộng đồng nữ doanh nhân sẽ lớn mạnh ở đâu?

Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) mới đây đã công bố dữ liệu để theo dõi tiến trình và thành tựu của nữ doanh nhân và chủ doanh nghiệp tại 58 nhóm cộng đồng trên khắp thế giới, đại diện cho 80% lực lượng lao động nữ toàn cầu. Để xếp hạng, các thị trường được đánh giá dựa trên nhiều chỉ số, bao gồm Kết quả thăng tiến của phụ nữ (như tỉ lệ tham gia lực lượng lao động), Tài sản tri thức & Tiếp cận tài chính (như tỉ lệ tham gia giáo dục đại học - cao đẳng, xu hướng cho vay hoặc tiết kiệm cho kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ), và Điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (như việc tạo điều kiện kinh doanh, chuẩn mực văn hóa và quản trị).

Chỉ số Mastercard cho thấy bất bình đẳng giới có liên quan đến sự thịnh vượng, tinh thần khởi nghiệp, xã hội và văn hóa, và chỉ số này được thể hiện khác nhau giữa các thị trường - mấu chốt là phải nắm bắt được sự khác biệt đó để thu hẹp khoảng cách bình đẳng giới một cách hiệu quả. Vì lẽ đó, thách thức đối với các doanh nghiệp, chính phủ và các bên đối tác là làm sao để phối hợp cùng nhau nhằm cân bằng những yếu tố trên, tạo ra môi trường thuận lợi giúp nữ doanh nhân phát triển, tạo đà thúc đẩy cho toàn bộ nền kinh tế.

Tiền không phải là tất cả

Nhìn từ góc độ khu vực, các kết quả cho thấy so với các khu vực khác trên thế giới, khu vực Trung Đông & châu Phi, tiếp đến là châu Á, có ít sự hỗ trợ cho nữ doanh nhân nhất. Tuy nhiên, 6 trong số top 20 quốc gia có điểm MIWE cao nhất lại ở châu Á, điều này cho thấy tồn tại những điều kiện đa dạng giữa các quốc gia. Đây sẽ là nền tảng cho một nghiên cứu tuyệt vời về những yếu tố thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở nữ giới, đồng thời cũng chỉ ra những yếu tố ít hoặc không có tác động.

Ví dụ, sống trong một nền kinh tế có thu nhập cao chắc chắn giúp khơi gợi, tạo động lực cho các nữ doanh nhân. Một phần ba các quốc gia châu Á trong top 20 là các quốc gia có thu nhập cao, trong đó đó Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. Những quốc gia này có nền giáo dục tốt hơn, nhiều tài sản tài chính hơn và nhìn chung, có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng doanh nghiệp hơn.

Thế nhưng, thu nhập chỉ là bề nổi của tảng băng. Mặc dù không phải là những quốc gia có thu nhập cao nhưng Thái Lan, Philippines và Việt Nam cũng có điểm số MIWE cao. Trong khi đó, những quốc gia thu nhập cao như Hàn Quốc (thứ 36) và Nhật Bản (thứ 46) lại không nằm trong danh sách top 20.

Phân biệt sự cần thiết với cơ hội

Chỉ số Mastercard còn cho thấy một phát hiện quan trọng khác, đó là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và mức thu nhập cao không phải là yếu tố tiên quyết cần thiết thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp. Nếu việc tham gia vào lực lượng lao động truyền thống có thể đáp ứng nhu cầu của nhân viên (với mức lương và điều kiện làm việc ổn định), có thể họ sẽ cảm thấy không cần phải mở doanh nghiệp, đặc biệt khi việc này liên quan đến một số rào cản ngoài tầm kiểm soát của họ, chẳng hạn như tiếp cận tín dụng.

Có nhiều lý do để phụ nữ khởi nghiệp. Một trong những động lực đó là cơ hội – họ có những ý tưởng để cải thiện ngành và tự tin vào khả năng tạo sức ảnh hưởng của mình. Một động lực khác là sự cần thiết – vì bất cứ lý do gì, việc sở hữu một doanh nghiệp có thể là điều thực tế về lâu dài, có lẽ bởi việc thiếu sự hỗ trợ cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động truyền thống, hoặc phụ nữ không được hưởng nền giáo dục thích hợp để tham gia lao động.

Mặc dù nhìn chung, MIWE cho thấy phần lớn phụ nữ khởi nghiệp là do nhận thấy được cơ hội hơn là sự cần thiết, nhưng nếu đi sâu hơn vào kết quả phân tích, ta sẽ thấy một số nền kinh tế có thu nhập thấp lại có tỉ lệ phụ nữ sở hữu doanh nghiệp cao nhất. Ví dụ, Việt Nam đứng thứ 20 về tỉ lệ chủ doanh nghiệp là nữ, trong khi đó, Singapore, quốc gia với nhiều điều kiện thuận lợi cho nữ doanh nhân phát triển (xếp thứ 8 thế giới), lại chỉ đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng này.

Giá trị xã hội có thể ươm mầm hoặc phá vỡ tinh thần khởi nghiệp ở nữ giới

Bất bình đẳng giới là một vấn đề toàn cầu và được thể hiện qua nhiều cách khác nhau - qua sự hạn chế trong tiếp cận giáo dục, ít sự lựa chọn tài chính hơn, ít cơ hội tham gia vào lực lượng lao động hơn, v.v... Đáng chú ý, phụ nữ sống ở những nơi có nhiều điều kiện và nguồn lực tốt, như nền giáo dục tiến bộ hay sự hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn có thể không muốn khởi nghiệp hay từ chối vị trí lãnh đạo nếu các chuẩn mực văn hóa và xã hội không khuyến khích họ làm việc, thể hiện tham vọng hay tiêm nhiễm nỗi sợ thất bại vào trong suy nghĩ.

Chẳng hạn, điểm số MIWE cho thấy Ấn Độ là một thị trường lý tưởng để khởi nghiệp, tạo ra một tỉ lệ lớn các doanh nhân đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ có 7 trên 100 chủ doanh nghiệp là nữ giới.

Vậy chúng ta cần giúp đỡ phụ nữ như thế nào? Chìa khóa để tạo tác động nằm ở nguồn lực tài chính, yếu tố có thể hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và có sự tự chủ hơn bất kể họ sống ở đâu. Cân nhắc quyền lợi của phụ nữ khi thiết kế các chính sách và giải pháp tài chính có thể góp phần cho sự phát triển lâu dài và toàn diện của nữ giới. Điều đó đồng nghĩa với việc đảm bảo phụ nữ, bất kể mức thu nhập hay cơ hội có được ra sao, đều có thể tiếp cận các nguồn tài chính như tài khoản ngân hàng, tín dụng và bảo hiểm. Chúng ta cũng có thể cung cấp đào tạo về cách sử dụng các nguồn tài chính này và giáo dục về lợi ích nhận được không chỉ là để duy trì sinh kế, mà còn để xây dựng cuộc sống.

Ánh Dương - Nhịp Sống Kinh Tế

NỔI BẬT TRANG CHỦ