(Tổ Quốc) - Trong những năm gần đây, khái niệm chuyển đổi số được nhắc tới rất nhiều cùng với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các quốc gia.
Tầm quan trọng của xây dựng cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Cùng với, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số. Vừa qua, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
Qua đó, cho thấy, một trong những nội dung quan trọng của quá trình chuyển đổi số là việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong cơ quan nhà nước, cơ sở dữ liệu gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương (chuyên ngành/lĩnh vực) và cơ sở dữ liệu khác.
Từ cơ sở dữ liệu được tổ chức thu thập, làm mới đáp ứng bộ tiêu chí "đúng - đủ - sống - sạch", cơ quan nhà nước mới khai thác, sử dụng hiệu quả, sáng tạo để cung cấp cho các dịch vụ, nền tảng số; phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và công tác chuyển đổi số của mình được tốt hơn. Thông qua cơ sở dữ liệu này, cũng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Vậy nên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác chuyển đổi số ở nước ta hiện nay là rất quan trọng và là nhiệm vụ cấp bách mà chúng ta cần phải thực hiện để hướng thực hiện hoàn mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Việt Nam thành quốc gia số.
FDS đặt trọng tâm xây dựng Nền tảng dữ liệu số
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung, giá trị của cơ sở dữ liệu nói riêng, thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS quan niệm việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được đặt mục tiêu cao hơn, xây dựng mở tầm vóc cao hơn như là một Nền tảng dữ liệu số.
Nền tảng dữ liệu số được coi là "xương sống" để phát triển và vận hành hiệu quả phần mềm nghiệp vụ, phần mềm quản lý điều hành. Để xây dựng được nền tảng dữ liệu số cho các cơ quan, đơn vị, chúng tôi khuyến nghị cần phải tạo dựng được từ điển về dữ liệu như: danh mục phân loại, thuật ngữ, đặc tả dữ liệu (metadata) và ngữ nghĩa dữ liệu (ontology). Tiếp đến, cơ sở dữ liệu gắn kết chặt chẽ để dữ liệu được khởi tạo, cập nhật và khai thác bởi các hệ thống như: phần mềm giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành, phần mềm báo cáo.
Với cách tiếp cận và giải pháp căn cơ, để triển khai nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các bộ ngành, FDS đã đầu tư xây dựng Nền tảng dữ liệu số Flex Data với nhiều đặc tính kỹ thuật ưu việt và bộ công cụ toàn diện trong công tác thu thập, xử lý, quản lý và khai thác dữ liệu.
Mô hình khái niệm logic – Nền tảng dữ liệu số Flex Data
Nền tảng dữ liệu số Flex Data là một thành phần của Nền tảng phát triển Chính phủ số Flex Digital - một trong những nền tảng số Make in Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Flex Digital được phát triển theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, kế thừa các thành tựu công nghệ mở trên thế giới, từ đó giúp đẩy nhanh việc hoàn thiện giải pháp và sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ số tại Việt Nam. Việc sử dụng nền tảng có 3 giá trị nổi bật là: Tiết kiệm chi phí đầu tư; Tích hợp dữ liệu và ứng dụng làm đơn giản, hiệu quả nếu dùng chung nền tảng.
Ưu điểm của nền tảng là tái sử dụng được các chuẩn công nghiệp phù hợp với xu thế phát triển công nghệ hiện có trên thế giới. Cách tiếp cận này cho phép chúng ta làm chủ về công nghệ, giảm được giá thành sản xuất và giúp hệ thống ứng dụng an toàn hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của Chính phủ số ở Việt Nam.
Đối với việc xây dựng CSDL, xây dựng nền tảng dữ liệu số, sử dụng Nền tảng dữ liệu số Flex Data, FDS đã xây dựng nhiều hệ thống thông tin chuyên ngành và cơ sở dữ liệu đạt hiệu quả cao. Điển hình như: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu Môi trường quốc gia quản lý hơn 130 đối tượng dữ liệu chủ (master-data); Hệ thống cơ sở dữ liệu Tích hợp Khoa học công nghệ (tích hợp 13 cơ sở dữ liệu thành phần của Bộ Khoa học và Công nghệ) để trở thành bộ dữ liệu liên kết (data-linked); Hệ thống dịch vụ công và cơ sở dữ liệu Quản lý vận tải đường bộ (hệ thống này đã giúp Trung tâm Công nghệ thông tin và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đạt giải Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2022); và nhiều hệ thống CSDL quan trọng khác.
Kinh nghiệm và giải pháp
Từ thực tiễn FDS triển khai xây dựng nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho các bộ ngành, để tận dụng tối đa vai trò của cơ sở dữ liệu trong công tác chuyển đổi số trong các cơ quan chính quyền, thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần quan tâm đến nội dung sau:
Một là, CSDL cần phải được thiết kế chuẩn mực theo phương pháp thiết kế, xây dựng dữ liệu chủ (master data).
Hai là, dữ liệu cũ được số hóa theo quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, được gán nhãn "dữ liệu thô" có thể tham khảo, cần quy định các luật kiểm tra, ràng buộc dữ liệu để phát hiện dữ liệu sai; từ đó đề xuất cán bộ, chuyên gia làm sạch dữ liệu, định danh và xác thực dữ liệu, gán nhãn "dữ liệu sạch" có thể phục vụ cho quá trình quản lý và điều hành.
Ba là, phát triển các phần mềm khởi tạo, cập nhật và khai thác dữ liệu liên tục, gắn liền với công tác quản lý và tác nghiệp chuyên ngành; công bố, chia sẻ dữ liệu theo quy định tới các cơ quan nhà nước khác và cộng đồng.