(Tổ Quốc) - "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Vốn là nơi tứ chiếng quần cư, Thăng Long - Hà Nội hội tụ bao tinh hoa từ khắp mọi miền đất nước. Cũng bởi vậy nên người Thăng Long - Hà Nội đã tập trung nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là nét thanh lịch.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc sinh thời nhắc đến nét thanh lịch của người Tràng An từng nhấn mạnh: Thanh có thể là thanh tú, thanh nhã, thanh cảnh, thanh cao…; lịch là lịch thiệp, lịch duyệt, lịch lãm và lịch sự. Thanh lịch chính là chỉ nếp sống, lối sống có văn hóa. Chất thanh lịch ấy biểu hiện trước hết ở sự nói năng. Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội không chỉ ở chỗ chuẩn xác, mẫu mực mà còn biết sử dụng ngôn ngữ lưu loát, hoạt bát, nhã nhặn và tế nhị. Trong ăn uống, người Hà Nội cũng nổi tiếng sành ăn và đã nâng việc nấu nướng trở thành nghệ thuật "ẩm thực".
Trong trang phục, người Hà Nội ưa chuộng sự gọn gàng, chỉnh tề và trang nhã. Đặc biệt nét thanh lịch của người Tràng An còn thể hiện trong cách làm ăn sản xuất. Cũng bởi thế mà ngạn ngữ xưa có câu: "Khéo tay hay nghề đất lề kẻ chợ".
Trong ký ức của biết bao người Hà Nội, nét thanh lịch của người Tràng An như một niềm tự hào để họ luôn nhắc nhớ. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc trong cuốn "Hà Nội của tôi" khi viết về phố Hàng Gai - nơi ông sinh ra và lớn lên có nhắc người mẹ của mình với niềm tự hào về nếp sống có văn hóa của người Hà Nội. Ông minh chứng: "Mẹ tôi biết chữ nho, bốc thuốc và mở cửa hàng bách hóa Bảo Hợp. Mỗi chủ nhật, thành lệ, các người ăn xin đến đều được cho tiền. Ở cửa nhà, mùa hè đều có một vại nước vối, để ai qua đường khát thì uống…".
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc khi nhắc về nếp nhà của người Hà Nội xưa cũng còn nhớ như in: "Ngày ấy sự đố kỵ ít, sự bao dung nhiều nên trong gia đình, sự giáo dục luôn hướng về cái thiện. Gặp người hàng xóm nghèo thì cha mẹ người giàu hơn luôn dạy con cháu giữ ý tứ để không tạo nên sự mặc cảm của hàng xóm và lại luôn nhắc đến câu "đói cho sạch, rách cho thơm" để bảo ban con cái nhà mình. Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc "trên kính dưới nhường". Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên".
Nhìn một cách bao quát, nét thanh lịch cũng chính là lối sống, nếp sống có văn hóa của đất Kinh kỳ. Nếp sống đó không chỉ thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong sinh hoạt đời thường cũng như cách ứng xử mà còn được phản ánh khá rõ nét trong những tục lệ, điều ước, hương ước… Trải qua thời gian, nét thanh lịch đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Hà Nội và cả những người từng sống và gắn bó với Hà Nội, trở thành một nếp sống đẹp, rất riêng của người Hà Nội.
Hà Nội hôm nay đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng cánh cửa đón bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giữ sao cho nét thanh lịch không bị phôi phai đó cũng là điều không ít người trăn trở. PGS. TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: "Cái làm cho Hà Nội đẹp và cường tráng hơn trong mắt bạn bè chính là ở chiều sâu văn hóa, ở vóc dáng của một thành phố văn minh, yên bình và thân thiện". Chiều sâu văn hóa ấy phải chăng chính là cốt cách con người, là nét thanh lịch đã hội tụ và kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử...
Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây Đảng bộ và chính quyền thành phố rất quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa trong các phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"... ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc triển khai các giải pháp bước đầu ghi nhận những kết quả với nhiều mô hình, sáng kiến hay. Đặc biệt, việc ban hành và triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố đã có những tín hiệu tích cực, từng bước đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.
Tuy nhiên, việc tạo dựng nếp sống văn minh thanh lịch vẫn còn chuyển biến chậm chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Theo TS. Bùi Văn Tuấn - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội thời gian tới Hà Nội cần "Tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô".
Tại Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ (2020 - 2025), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng.
Có thể nói, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Tạo ra một lối sống đô thị mà ở đó có sự quyện hòa giữa nét thanh lịch cổ truyền với văn minh thanh lịch hiện đại, thích ứng với thời kỳ hội nhập đó không phải là chuyện dễ dàng có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Để làm được điều đó trước hết cần phải tạo ra những chuyển biến về nhận thức của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, việc phát huy sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở sao cho thực chất và hiệu quả cũng là hết sức cần thiết. Thêm nữa, cần củng cố giá trị của gia đình, giữ vững và đề cao chuẩn mực của xã hội, chú trọng vai trò của hệ thống giáo dục đặc biệt là việc xây dựng các tiêu chí đặc trưng về người Hà Nội văn minh, thanh lịch./.