• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng

Văn hoá 02/03/2023 09:30

Xây dựng, phát triển hệ chuẩn mực con người là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của thời đại. Thực hiên di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam. Bài viết nghiên cứu làm rõ quá trình nhận thức của Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội XIII về hệ giá trị chuẩn mực con người và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.


Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng - Ảnh 1.

Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại - Ảnh: dangcongsan.vn

Cùng với quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng vấn đề xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XIII (2021) và một số nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến xây dựng con người, phát triển văn hóa, giáo dục.

1. Quan điểm của Đảng về hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Nhận thức về xây dựng và phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam là một quá trình gắn với đổi mới tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng với đường lối phát triển kinh tế - xã hội, Đảng đề ra những chủ trương, đường lối đúng về xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực từ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường.

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) khẳng định: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa, nhằm vận dụng tốt chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, động viên tính năng động, sáng tạo và khả năng vô tận của nhân dân lao động…”(1).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xác định mô hình của con người Việt Nam trong giai đoạn mới với năm đức tính: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Đảng ta coi xây dựng, phát triển toàn diện con người là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”(2). Đồng thời, Đảng ta xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (năm 2014) trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, tiếp tục xác định mục tiêu hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Tuy chưa sắp xếp thành hệ giá trị chuẩn, nhưng Hội nghị Trung ương 9, khóa XI đã xác định những giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mà chúng ta hướng tới đó là: Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, có thế giới quan khoa học, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, Đại hội XII của Đảng đã xác định phải “đúc kết và xây dựng… hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(3), trên các vấn đề cốt lõi: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Những phẩm chất đó là sự kế thừa giá trị truyền thống con người Việt Nam và bước đầu bổ sung, định hình và phát triển một số giá trị chuẩn mực theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Đảng ta đã nêu ra bảy đặc tính cơ bản của con người Việt Nam hiện nay là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Căn cứ từ những đặc tính chung đó, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng thành những tiêu chí phẩm chất, năng lực của con người phù hợp.

Đại hội XIII của Đảng đề ra các quan điểm, chủ trương mới về phát huy sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội khẳng định: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực”(4), “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội… đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(5). Như vậy, cần phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi; giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam. Như vậy Đại hội đặt ra yêu cầu xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”(6).

2. Giải pháp tiếp tục xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng

Với hơn 35 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách định hướng cho quá trình xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Để tiếp tục xây dựng, phát triển giá trị chuẩn mực con người Việt Nam theo quan điểm của Đảng, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Coi đây là nhiệm vụ phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân để huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; gắn mục tiêu xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.

Từng bước xây dựng và phát triển năng lực tự giáo dục giá trị chuẩn mực của mỗi người Việt Nam. Vấn đề quan trọng là phải làm cho mỗi người Việt Nam nhận thức đầy đủ, sâu sắc về việc kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và sự cần thiết phải tự giáo dục theo định hướng giá trị hiện đại; để mỗi người Việt Nam luôn trân trọng giá trị độc lập, tự do, phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội, biết giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể; có lòng khoan dung, biết yêu thương và sẵn sàng chia sẻ với người khác; có đức tính trung thực, ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Đồng thời, hình thành trong mỗi người năng lực đánh giá, thẩm định giá trị, để có thể phân biệt được tốt - xấu, đúng - sai, tích cực - tiêu cực, hướng mỗi người phấn đấu để vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ, để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Hai là, thể chế hóa quan điểm của Đảng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thực thi trong thực tiễn nhằm phát huy yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực của con người Việt Nam. Việc xây dựng và thực thi pháp luật là điều kiện quan trọng để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, khắc phục những yếu tố tiêu cực, không phù hợp. Pháp luật nghiêm minh với chế tài đủ sức răn đe sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực, hình thành những hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn mực xã hội. Vì vậy, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển văn hóa, con người, tạo cơ sở cho việc xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Ba là, quán triệt quan điểm của Đảng trong các văn kiện, nghị quyết về giá trị chuẩn mực con người Việt Nam vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Namphù hợp với điều kiện hiện nay. Yêu cầu đặt ra là cần phải đánh giá chính xác những nhân tố tác động tích cực và tiêu cực đến con người Việt Nam, để từ đó xây dựng chính sách phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam phù hợp. Điều đó đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Rà soát chính sách xây dựng, phát triển hệ giá trị của con người theo hướng bổ sung, hoàn thiện những chính sách đúng đắn; đồng thời, loại bỏ những chính sách đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách xây dựng, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam cần đặt trong mối quan hệ biện chứng về chính sách xây dựng, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị gia đình; mối quan hệ mật thiết với chính sách xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và chính sách phát triển văn hóa.

Trước hết, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, để giáo dục, đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu. Xác định rõ mục tiêu của giáo dục là nhằm phát triển con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu giáo dục, cần xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục, định hướng hệ giá trị con người Việt Nam phù hợp với từng cấp học, bậc học và từng đối tượng cụ thể.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục định hướng giá trị chuẩn mực cho con người Việt Nam; tuyên truyền, định hướng giá trị thông qua các phương tiện truyền thông, cả truyền thống lẫn hiện đại; tiến hành tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, định hướng giá trị theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, phù hợp với văn hóa vùng miền và triển khai sâu rộng trong toàn xã hội.

Quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, định hướng giá trị.

Trong đó, gia đình có trách nhiệm giáo dục, hình thành lòng yêu nước, tự hào dân tộc, thể hiện trước hết ở tình yêu quê hương, gia đình; về truyền thống đoàn kết, nhân ái, đức tính khiêm tốn, thật thà, dũng cảm; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; biết phân biệt những hành vi tốt - xấu, đúng - sai, trân trọng và hướng tới cái đẹp.

Nhà trường cần quán triệt rõ mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với việc phát huy vai trò của gia đình và nhà trường, cần tiếp tục xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Môi trường xã hội lành mạnh góp phần quan trọng vào việc hình thành nên giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Năm là, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình hiện thực hóa giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; coi trọng công tác tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình xây dựng, phát triển giá trị chuẩn mực con người Việt Nam ở từng giai đoạn cụ thể.

Đánh giá thực trạng xây dựng, phát triển giá trị chuẩn mực con người Việt Nam phải bảo đảm khách quan và khoa học, tránh xu hướng chỉ nhận thấy ưu điểm mà không nhận thấy hạn chế, hoặc ngược lại. Cần thống nhất xây dựng bộ tiêu chí xác định và thang đo phù hợp; tiến hành điều tra, khảo sát với quy mô hợp lý trên cả nước bao gồm vùng, miền, thành thị, nông thôn; triển khai đến các giai cấp, tầng lớp xã hội, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp.

Từ đánh giá kết quả đúc rút thành kinh nghiệm nhằm tiếp tục hiện thực hóa chuẩn mực, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Bám sát yêu cầu thực tiễn tiếp tục điều chỉnh hệ giá trị chuẩn mực, vị trí của các chuẩn mực trong thang giá trị cũng như nội dung của từng chuẩn mực phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn khách quan. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam khi đó thẩm thấu trong tiềm thức, trở thành nét văn hóa ứng xử thường ngày sẽ mang tính ổn định tương đối, song không phải là cái gì đó nhất thành bất biến, mà sẽ thay đổi khi cơ sở kinh tế - xã hội thay đổi.

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra yêu cầu khách quan phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn. Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam nói chung và mỗi chuẩn mực trong hệ thống giá trị nói riêng cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới phù hợp. Các giá trị chuẩn mực truyền thống cần được bổ sung, phát triển để không tạo ra lực cản hoặc xung đột với các giá trị mới; đến lượt mình, các giá trị chuẩn mực mới lại góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị truyền thống, đưa vào giá trị truyền thống hơi thở của thời đại. Giá trị truyền thống với giá trị hiện đại hài hòa nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ.

Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới cần tìm ra phương pháp xây dựng, phát triển phù hợp; lưu ý đến tính phổ biến và tính đặc thù, trong mối liên hệ giữa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, làm cho các giá trị đó cùng tồn tại, phát triển theo quy luật vừa mang tính thống nhất, vừa mang tính đa dạng.

Cần xác định rõ việc xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành chủ động, sáng tạo, gắn liền với sự phát triển của kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.342.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.38.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.29.

(4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.220, 221-222, 143.

TS VÕ THỊ HOA

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Theo lyluanchinhtri.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ