(Tổ Quốc) - Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu và có sự phát triển vượt bậc, khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Phú Quốc vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phú Quốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đang phát triển nóng, nhiều yếu tố thiếu bền vững như nước sạch, điện, sóng viễn thông, vệ sinh môi trường, trong đó chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải, nước thải phù hợp quy mô dân số,...
Hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ; hạ tầng chuyển đổi số còn khó khăn. Các cơ chế, chính sách dành cho Phú Quốc chưa mang tính đột phá, vượt trội để tạo sự bứt phá và lợi thế cạnh tranh với các vùng, địa phương trong nước và khu vực, quốc tế.... Cơ chế, chính sách thu hút, huy động và sử dụng các nguồn lực chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là thành phố thông minh, hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và đáng sống; phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hóa.
Khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc lên tầm cao mới. Ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...).
Phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; có cơ chế, chính sách phù hợp với lòng dân, huy động sức mạnh của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố Phú Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc đến năm 2040, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm. Phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, cảng hàng không, cảng biển.
Phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch y tế,... bảo đảm sự bình yên cho người dân và du khách; tạo sự chuyển biến về chất, là điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng trong tổng thể bản sắc du lịch Việt Nam, bảo đảm phát triển du lịch Phú Quốc bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên, rừng, biển, môi trường sinh thái, trên cơ sở huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nâng cao ý thức người dân. Giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan tới đất đai; các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường, trong đó tập trung xây dựng nhà máy nước sạch, các hồ dự trữ nước ngọt, trung tâm thu gom, xử lý rác thải, nước thải hiện đại; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy điện rác, điện sinh khối, góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Tập trung phát triển mạnh các cơ sở đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nghề, kỹ năng nghề; đột phá đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Phú Quốc; có chính sách phù hợp, khuyến khích, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo cơ chế đặt hàng.
Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống y tế hiện đại, đồng bộ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và du khách, nhất là những trường hợp khẩn cấp. Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với sự phát triển của Phú Quốc. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị của người dân và doanh nghiệp để giải quyết kịp thời, hiệu quả trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc. Trong đó, có đẩy mạnh phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa của vùng đất lịch sử, con người Phú Quốc, Kiên Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển dịch vụ và du lịch.