• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng "Thành phố sáng tạo": Không thể tình cờ, ăn may mà phải có nền tảng từ quá khứ

Thời sự 02/10/2020 15:50

(Tổ Quốc) - Sau khi UNESCO công nhận Hà Nội chính thức trở thành "Thành phố sáng tạo về thiết kế" vào tháng 10/2019, lãnh đạo TP nhận định đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu quảng bá hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội và hướng tới trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực.

Tính bền vững là cốt lõi của đổi mới sáng tạo

Trong buổi tọa đàm tham vấn các ý kiến các chuyên gia trong nước và nước ngoài được tổ chức sáng 2/10, nhiều ý kiến đều đồng tình với quan điểm, thành phố Hà Nội là nơi đầy sức sống và tươi đẹp, có lịch sử, văn hóa lâu đời mà không phải bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng có được. Theo bà Ann Måwe Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam: “Hà Nội là nơi tất cả mọi người trên thế giới này đều muốn được đến sinh sống và làm việc tại đây”.

Xây dựng "Thành phố sáng tạo": Không thể tình cờ, ăn may mà phải có nền tảng từ quá khứ - Ảnh 1.

Chuyên gia nước ngoài chia sẻ ý kiến với lãnh đạo thành phố Hà Nội tại buổi tọa đàm.

“Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ có 10 triệu dân nhưng có nhiều công ty đa quốc gia phát triển dựa trên yếu tố bền vững. Chúng tôi cho rằng, muốn đổi mới sáng tạo thì phải thử nghiệm và dám đối mặt thất bại trên một triết lý là tạo nên tính bền vững. Đây là cốt lõi trong việc xây dựng một Thành phố đổi mới sáng tạo” - Đại sứ Thụy Điển cho biết.

Bày tỏ trân trọng giá trị về mặt văn hóa, phong cảnh và con người Hà Nội, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar cho rằng, một Thành phố sáng tạo cần bao hàm cả những đặc tính tốt đẹp đó, đồng thời cần cả những yếu tố như an ninh, an toàn.

Cho rằng, trọng tâm của đổi mới sáng tạo là cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thúc đẩy công nghệ số, ông Denis Brunetti nêu quan điểm, quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy để tạo ra năng lực, cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo. Các giải pháp về công nghệ giúp con người vượt qua ranh giới, giới hạn.

Hà Nội cần phải thành lập ngay một cơ quan chuyên trách về thực hiện kế hoạch hành động cho Thành phố sáng tạo và thiết kế. Nếu không có cơ quan chuyên trách thì giao cho bất kỳ một sở ngành nào sẽ không thể thực hiện được. Đồng thời, cần phải hình thành, củng cố các không gian đổi mới sáng tạo. Không gian này có vị trí quan trọng trong việc truyền tải những thông điệp đến người dân. Cùng với đó là phải phát triển thương hiệu quốc tế cho các sự kiện do Hà Nội tổ chức ví dụ như: Liên hoan phim quốc tế ở Hà Nội, các sự kiện âm nhạc, ẩm thực.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Bà Đại sứ Hà Lan - Elsbeth Akkerman cho rằng, Hà Nội cần phải xây dựng mô hình hợp tác liên quan đến tính bền vững. Là nước nhỏ, mật độ dân số đông, việc thiết kế được Hà Lan xác định lấy trung tâm làm cốt lõi. Tương tự Hà Nội cũng như vậy, để đảm bảo khả năng chống chịu, hướng đến sáng tạo thì cần có thiết kế kiến trúc đa chức năng, thông minh, công nghệ xanh, hiện đại, giao thông vận tải cũng phải thông minh.

“Amsterdam sẵn sàng hợp tác với Hà Nội về đổi mới sáng tạo. Chúng ta có thể cùng nhau hiện thực hóa từng cơ hội hợp tác giữa hai bên. Để sâu rộng hơn, các thành phố được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo cần phải lập thành nhóm để hỗ trợ lẫn nhau” - bà Đại sứ nhấn mạnh.

Cần phải có nền tảng từ quá khứ

Đại sứ Italia tại Việt Nam Atonio Alessandro chia sẻ, dù chỉ mới ở Việt Nam được 2 năm nhưng cá nhân ông trân trọng sự phong phú về văn hóa của Thủ đô Hà Nội. “Danh hiệu Thành phố sáng tạo hoàn toàn phù hợp với Hà Nội. Phải lấy danh hiệu đó làm nền tảng để phát triển và thành công hơn nữa trong thời gian tới”.

Ngài Đại sứ Atonio Alessandro nêu quan điểm, di sản chính là mấu chốt để tạo nên một thành phố sáng tạo và thiết kế. Như Ý có rất nhiều di sản và chúng tôi xem đây là tâm hồn để đổi mới sáng tạo. Không thể phát triển tình cờ, ăn may mà cần phải có nền tảng từ quá khứ. Hà Nội có một nền tảng rất tốt từ quá khứ, vấn đề là phải hài hòa giữa phát triển thành phố và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích cho người dân. Là một quốc gia có kinh nghiệm trong vấn đề này, Ý sẵn sàng chia sẻ cho Hà Nội.

Chia sẻ về quan điểm của mình, bà Ann Måwe Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, để xây dựng một thành phố sáng tạo và thiết kế thì cần phải thúc đẩy sự tham gia của các kiến trúc sư, nghệ sĩ nghệ nhân, đây chính là tầm nhìn dài hạn để xây dựng một Hà Nội đổi mới sáng tạo.

Nhắc lại kinh nghiệm xây dựng tàu điện ngầm hơn 100 năm trước tại Tokyo, đại diện đến từ Nhật Bản cho rằng, việc xây dựng "Thành phố sáng tạo" cần phải chú trọng việc bảo tồn văn hóa, lịch sử. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố then chốt để tạo nên thành công; tính bền vững của dự án.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, thực hiện cam kết với UNESCO, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của TP, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung: Để đạt được các mục tiêu đề ra, điều quan trọng đầu tiên là phải có nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và người dân Hà Nội về ý nghĩa của danh hiệu, tạo đồng thuận trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể. “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đây phải là một trong những nền tảng để Hà Nội xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển khác.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các nguồn nhân lực và vật lực phù hợp cho “Thành phố sáng tạo” là rất quan trọng, mặc dù đầu tư cho văn hóa luôn tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài ra, một trong những vấn đề đóng góp cho thành công trong việc phát huy danh hiệu “Thành phố sáng tạo” là sự tham gia của các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như của các chủ thể trong xã hội.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ