• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng thương hiệu ĐT Việt Nam (Bài 1): Hướng tới bước phát triển mạnh mẽ

Thể thao 09/07/2022 08:00

(Tổ Quốc) - Trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành công lớn trên các đấu trường khu vực, châu lục và cả thế giới. Đây được xem là tiền đề thuận lợi cho việc đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu đội tuyển.

Năm 2017 là một năm đánh dấu những thành công của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế sau quá trình đầu tư dài hạn chú trọng bóng đá trẻ và có 6 Đội tuyển Quốc gia lọt vào VCK Châu Á: tuyển U23, tuyển quốc gia nam, tuyển quốc gia nữ, tuyển U16, tuyển U19 và tuyển Futsal thi đấu trong năm 2018. Trong đó, Thành tích xuất sắc của tuyển U23 Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử Bóng đá Việt Nam đã góp mặt trong trận chung kết của VCK Châu Á 2018.

Tiếp nối thành công bước đầu từ thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 Châu Á 2018, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục đầu tư chuyên sâu toàn bộ hoạt động bóng đá và giành được nhiều kết quả tốt như: vô địch Đông Nam Á 2018, Vô địch SEA Games năm 2019 của tuyển quốc gia nam, nữ; tuyển quốc gia vào VCK Asian Cúp 2021; Vô địch SEA Games 31 của tuyển nam - nữ năm 2022; tuyển quốc gia nữ vào VCK FIFA World Cup 2023...

(Kỳ 1) Xây dựng thương hiệu ĐT Việt Nam: Hướng tới bước phát triển mạnh mẽ - Ảnh 1.

Thành công của tuyển bóng đá Việt Nam trên các đấu trường khu vực, châu lục và cả thế giới được xem là tiền đề thuận lợi cho việc đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu đội tuyển.

"Đây là thời điểm khởi sắc của bóng đá Việt Nam. Rất cần thiết phải duy trì, phát huy và cần phải có đầu tư chiến lược và dài hạn để phát triển hội nhập bóng đá thế giới hướng tới World Cup 2026" – ông Nguyễn Minh Châu Phó Tổng thư ký VFF nhận định.

Trong giai đoạn từ 2023 – 2025, VFF đặt mục tiêu cho tuyển Việt Nam là lọt vào Top 8 châu Á. Ngoài ra, tuyển Việt Nam cũng phấn đấu góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup 2026. Ở 2 mốc thời gian vào năm 2026 và 2030, tuyển Việt Nam phấn đấu dự VCK World Cup, đồng thời tiến vào Top 7 châu Á. Trong khi đó, tuyển nữ Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới top 4 châu Á. Trong giai đoạn từ 2027 đến 2031, tuyển nữ sẽ có kế hoạch để làm chủ nhà VCK World Cup.

Những mục tiêu phấn đầu trên được đặt song song với công tác quản lý thương hiệu, marketing, nguồn thu, quản lý tài trợ, khai thác truyền thông,…

"Trong thời gian tới, ngoài chuyên môn, các đội tuyển của Việt Nam sẽ được chú trọng trong việc hoàn thiện khẩu hiệu (slogan) có bản sắc; có bài hát riêng để định vị; linh vật cho các đội tuyển Việt Nam, lan tỏa biểu tượng rồng ngậm ngọc rộng rãi hơn đến công chúng" – ông Nguyễn Minh Châu nói.

3 yếu tố cơ bản xây dựng thương hiệu thành công

Theo PGS.TS Bùi Quang Hải (Viện khoa học Thể dục thể thao), khi một quốc gia có nhiều thương hiệu mạnh thì sẽ tạo được vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và người dân Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

"Để có thể xây dựng thương hiệu thành công cần chú ý 3 yếu tố cơ bản gồm: Định vị thương hiệu; Sự đồng nhất và Truyền thông và tương tác để khẳng định thương hiệu" – PGS.TS Bùi Quang Hải nói.

Trong đó, định vị chính là xác định vị trí thương hiệu trên thị trường trong tâm trí của người tiêu dùng. Để thương hiệu có một chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp phải quan tâm đến những đặc điểm khi xây dựng thương hiệu như: tên thương hiệu, hình ảnh, tiêu chuẩn dịch vụ, chất lượng sản phẩm, cách thức thể hiện...

(Kỳ 1) Xây dựng thương hiệu ĐT Việt Nam: Hướng tới bước phát triển mạnh mẽ - Ảnh 2.

Để thương hiệu có một chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp phải quan tâm đến những đặc điểm khi xây dựng thương hiệu như: tên thương hiệu, hình ảnh, tiêu chuẩn dịch vụ, chất lượng sản phẩm, cách thức thể hiện...

Sự đồng nhất được coi như mục tiêu mà mỗi doanh nghiệp mong muốn khi bắt đầu xây dựng thương hiệu. Sự đồng nhất được xem như kim chỉ nam định hướng cho doanh nghiệp cũng như khẳng định giá trị sâu sắc hơn cho thương hiệu của mình. Sự đồng nhất còn là điều mà mỗi thương hiệu hướng tới, là định mức chuẩn mực lâu dài và phát triển nhận diện.

Còn truyền thông và tương tác để khẳng định thương hiệu được thực hiện khi đã xây dựng được một thương hiệu ổn định. Đây là thời điểm cần phải có các công cụ truyền thông hỗ trợ để độ phủ sóng được lan rộng hơn. Việc lựa chọn kênh truyền thông phụ thuộc vào khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến. Đặc biệt sử dụng việc truyền thông trên mạng xã hội ngày càng phổ biến bởi mật độ người dùng cao. Thông qua uy tín, chất lượng, sự tin cậy, ủng hộ của khách hàng doanh nghiệp cũng như những câu chuyện, những hình ảnh đẹp... về doanh nghiệp cần khẳng định giá trị bền vững thương hiệu của mình và có chiến lược phát triển bền vững thương hiệu đã xây dựng được.

PGS.TS Bùi Quang Hải cho rằng, để tạo xây dựng một thương hiệu thành công cần phải thực hiện 4 bước cơ bản: Xác định đối tượng mục tiêu của thương hiệu; Tuyên bố sứ mệnh thương hiệu; Xây dựng điểm nổi bật và lợi ích mà thương hiệu của bạn mang đến; Tạo logo và khẩu hiểu cho thương hiệu.

(Kỳ 1) Xây dựng thương hiệu ĐT Việt Nam: Hướng tới bước phát triển mạnh mẽ - Ảnh 3.

Các đội tuyển của Việt Nam sẽ được chú trọng trong việc hoàn thiện khẩu hiệu (slogan) có bản sắc

Cụ thể, trước khi xây dựng thương hiệu cần xác định rõ đối tượng của thương hiệu. Sau đó, bạn hãy điều chỉnh nhiệm vụ và thông điệp thương hiệu để đáp ứng nhu cầu, phải xác định mục tiêu cụ thể và chi tiết cũng như chỉ ra nhiều hành vi lối sống của khách hàng rõ ràng, minh bạch nhất.

Ngoài ra, trước khi xây dựng một thương hiệu khiến, việc tuyên bố sứ mệnh chính là cách để thương hiệu tồn tại. Hơn nữa, tuyên bố sứ mệnh khiến những sản phẩm mà khách hàng sử dụng sẽ trở nên có giá trị hơn. Logo và khẩu hiệu chính là phần hình ảnh mà dễ gây thiện cảm nhất với khách hàng. Do vậy mà doanh nghiệp nên đầu tư vào hai yếu tố này để có thể tối ưu hóa hình ảnh nhận diện của mình.

'Nếu bạn muốn có một thương hiệu riêng của mình thì cần phải tìm một đặc điểm nổi bật của sản phẩm. Từ đó, bạn hãy đào sâu vào yếu tố nổi bật đó để có những cách xây dựng thương hiệu riêng. Bởi hiện nay có hàng ngàn sản phẩm có cùng công dụng nhưng không phải sản phẩm nào cũng có đặc điểm giống nhau. Chính vì thế mà hãy chọn một đặc điểm "đắt giá" nhất trong sản phẩm để có thể thu hút được sự chú ý của công chúng" – PGS.TS Bùi Quang Hải nhấn mạnh.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ