(Tổ Quốc) - Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhất trí với đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
- 27.09.2024 Hồ sơ Chương trình MTQG về Văn hóa đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8
- 08.08.2024 Phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
- 06.08.2024 Bộ VHTTDL đã tích cực, trách nhiệm và cầu thị trong giải trình ý kiến ĐBQH về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa
Tiếp theo Chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 38, sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, nhiều ý kiến góp ý cần tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai thực hiện Chương trình.
"Hồ sơ đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đề nghị tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho ý kiến về Chương trình" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Về mục tiêu thực hiện, Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu của Chương trình. Tuy nhiên, Ủy ban cho răng cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Mục tiêu số 5, Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và Mục tiêu số 6, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này.
Về phạm vi, quy mô của Chương trình, Ủy ban nhất trí với phạm vi của Chương trình như dự thảo Nghị quyết. Ủy ban nhất trí với đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, để đảm bảo cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).
Ngoài ra, có một số ý kiến nhất trí về chủ trương đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhưng đề nghị xem xét không sử dụng nguồn vốn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia mà sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước khác.
Hồ sơ Chương trình đủ điều kiện trình Quốc hội
Về thời gian thực hiện Chương trình, Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035. Đối với tổng mức đầu tư, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, Ủy ban nhận thấy Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, quản lý điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung cho Chương trình.
"Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình" - ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
"Ủy ban nhận thấy, Hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội. Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.