(Tổ Quốc) - Chính phủ, các Bộ, ngành đã đang và sẽ hỗ trợ tích cực, luôn đồng hành với các doanh nghiệp trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
- 15.10.2016 “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”
- 18.10.2016 Văn hóa doanh nghiệp: Đến lúc không còn là lý thuyết
- 18.10.2016 Văn hóa là “yếu tố vàng” quyết định sự thành công của doanh nghiệp
- 22.10.2016 Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nhận diện được thế mạnh thì mới làm được văn hóa
- 02.11.2016 “Phát động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”
- 07.11.2016 Chính phủ kiến tạo đặc biệt quan tâm đến văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân
Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 10/11 hàng năm là "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo sức lan tỏa sâu, rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với quyết tâm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Bộ VHTTDL và Bộ Công Thương cũng vừa tổ chức Lễ phát động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó cho thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành đã đang và sẽ hỗ trợ tích cực, luôn đồng hành với các doanh nghiệp.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Trọng Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam về việc triển khai thực hiện cuộc vận động này trong các doanh nghiệp Việt Nam.
+ Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiện nay? Văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với một doanh nghiệp?
- Hiện nay, thực trạng văn hóa Việt Nam, bên cạnh những cái tích cực thì còn nhiều yếu tố tiêu cực.
Nguyên nhân khách quan là nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp của thời kì chiến tranh. Do đó mà cơ chế thị trường, những quy luật của kinh tế thị trường chúng ta còn lạ lẫm. Đến bây giờ chúng ta đang phải cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong khi ở các nước, người ta xây dựng cơ chế thị trường hàng trăm năm, vài trăm năm rồi.
Ông Trần Trọng Toàn: Nếu chúng ta có được sự vào cuộc kiên quyết của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ và sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp không mất nhiều thời gian (ảnh Hà An) |
Thế giới đã kết luận, doanh nghiệp nào cũng phải cạnh tranh bằng nguồn vốn, thứ hai là bằng chiến lược kinh doanh, thứ ba là năng suất, chất lượng, hiệu quả. Doanh nghiệp nào cũng làm thế, vậy thì doanh nghiệp nào thắng? Doanh nghiệp nào có văn hóa doanh nghiệp tốt thì sẽ thắng.
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở đâu? Trước hết thể hiện ở văn hóa kinh doanh. Doanh nghiệp đặt câu hỏi “tôi kinh doanh để làm gì”? Để kiếm lãi hay phục vụ cho xã hội. Cái thứ hai, từ cái chiến lược đó, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là gì? Chiến lược kinh doanh là gì? Kế hoạch kinh doanh là gì. Thứ ba, đạo đức kinh doanh thể hiện như thế nào? Và thứ tư, trách nhiệm của doanh nghiệp với đội ngũ cán bộ công nhân viên của mình, với người lao động, với khách hàng, với đối tác… như thế nào? Thứ năm là thực hiện trách nhiệm xã hội.
Ở các nước, nói đến thực hiện trách nhiệm xã hội từ lâu rồi, nhưng mà ở ta là khái niệm mới. Triết lí của các nước là gì: Tôi kiếm được đồng tiền từ xã hội thì tôi phải trả lại cho xã hội. Ví dụ như là phát triển vùng sâu, vùng xa, bảo vệ sức khỏe rồi những chương trình hoạt động nhân đạo từ thiện, trách nhiệm bảo vệ môi trường…
+ Thưa ông, cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân sẽ tác động như thế nào đến tư duy các doanh nghiệp?
- Ngày nay, có rất nhiều doanh ngiệp đang làm rất tốt văn hóa doanh nghiệp. Cuộc vận động của chúng ta phải làm sao cho các doanh nghiêp phát triển được nhưng đồng thời cũng hỗ trợ được sự phát triển về văn hóa.
Trên thực tế như tôi nói chúng ta xây dựng nền kinh tế kinh tế thị trường đang còn rất mới, nhiều cái doanh nghiệp chưa nắm rõ được, nhiều khi còn bị tư duy cũ. Ví dụ như họ quan niệm, tôi là doanh nghiệp thì tôi kiếm tiền bằng mọi giá, thậm chí là bất hợp pháp. Hay trong dân ca tục ngữ của chúng ta có câu “một vốn, bốn lời”, thậm chí còn kinh khủng hơn là “nhất bản vạn lợi”, bỏ ra một đồng tiền thì phải được vạn cái lợi. Chính vì thế mà đôi khi nó làm méo mó tư duy của người chủ thể kinh doanh. Tôi không nói là tất cả nhưng một số người chủ thể sản xuất kinh doanh họ vẫn còn tư duy cũ như vậy.
Thứ hai là chúng ta chưa có một chế tài thực sự đủ mạnh. Thí dụ có những vụ người ta làm ngộ độc thực phẩm hàng trăm người, thậm chí hàng người như thế, nhưng khi kiểm tra ra nguyên nhân thì phạt lại không đáng kể. Người ta có thể làm ra thực phẩm độc hại lãi hàng tỉ nhưng chỉ phạt vài ba chục triệu, thì không đủ sức răn đe, họ thừa sức nộp phạt.
Thứ ba là hỗ trợ của hệ thống chính trị, các cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội và hiệp hội doanh nghiệp và toàn bộ xã hội phải hỗ trợ vào quá trình đó, đặc biệt người tiêu dùng. Người tiêu dùng như tôi nói, đóng vai trò quyết định, nếu người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp sẽ “chết” ngay.
Vì thế, đồng thời bên cạnh chế tài, phải nâng cao thực sự năng lực và cái tâm của người quản lý.
Với Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng nêu ra, chúng ta đang cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển bền vững và doanh nghiệp phát triển thì đất nước mới bền vững. Nhưng bên cạnh đó, mình động viên mặt tích cực thì phải hạn chế mặt tiêu cực, Những doanh nghiệp nào không thượng tôn pháp luật, không tôn trọng người tiêu dùng chúng ta phải có những biện pháp.
Vì vậy, cuộc vận động này mục đích tôn vinh những doanh nghiệp để lấy những cái tích cực để đẩy lùi tiêu cực.
Trong thời gian qua, chúng ta đã nêu rất nhiều những hiện tượng tiêu cực rồi, thậm chí là đánh rất là mạnh, nhưng hình như đang thiếu những tôn vinh doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp tốt. Vì sao chúng ta phải tôn vinh? Ngày xưa trên các báo đều có mục “Người tốt việc tốt”. Bác Hồ cũng từng dạy rằng, “lấy tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”. Với cuộc vận động này, chúng tôi hi vọng sẽ thu về kết quả tốt, được sự ủng hộ của doanh nghiệp, bởi vì thực sự suy cho cùng là bởi vì lợi ích phát triển doanh nghiệp.
+ Ông có kỳ vọng gì khi chúng ta vận động xây dựng được văn hóa doanh nghiệp?
Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, thì nó sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, hội nhập với thế giới. Vừa rồi, trong hội nhập chúng ta cũng có những vấn đề. Thí dụ như gạo, tôm của chúng ta bị trả lại do không đạt tiêu chuẩn.
Nếu như thế làm sao chúng ta có thể hội nhập được với thế giới? Chúng ta phải làm thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường kinh doanh toàn cầu, để làm sao, hàng hóa sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam được đi ra thế giới, được thế giới tôn trọng.
Có một câu chuyện mà tôi đã trực tiếp trải nghiệm. Khi tôi công tác ở nước ngoài, tôi đến một khách sạn 5 sao và uống một cốc cà phê 5 đô la. Người ta nói, đây là cà phê chúng tôi nhập khẩu từ Việt Nam đấy, một cân cà phê của Việt Nam chúng tôi nhập khẩu chỉ có 5 đô la thôi. Chúng tôi mua về rang, xay rồi dán nhãn hiệu Starbucks café và bán 5 đô la một cốc. Vậy là một cân cà phê của chúng ta chỉ bằng một cốc cà phê của họ thôi. Như vậy, làm thế nào để chúng ta không bị bóc lột về nhân lực, về tài nguyên, khoáng sản?
Phải tạo ra giá trị gia tăng, mà giá trị gia tăng đó phải là thương hiệu, mà thương hiệu tạo bởi văn hóa doanh nghiệp. Tại sao họ lại thích Starbucks café, tại sao người ta thích những cái thực phẩm khác, bởi vì nó có thương hiệu, mà thương hiệu nó sinh ra từ văn hóa doanh nghiệp.
Do đó mà, chúng ta muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp phải hội nhập quốc tế, mà doanh nghiệp muốn hội nhập quốc tế phải theo những chuẩn mực buôn bán của hội nhập kinh doanh quốc tế, và trên cơ sở đó phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp.
+ Văn hóa là một khái niệm vô hình, việc lượng hóa thành các bộ tiêu chí rồi xây dựng nó, theo ông sẽ cần bao lâu?
- Bộ tiêu chí thì chúng tôi cũng có những dự thảo và đang chuẩn bị trong thời gian tới sẽ tham khảo ý kiến các ban ngành. Việc lượng hóa này cũng là những khái niệm đơn giả như thượng tôn pháp luật, bảo đảm đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống doanh nghiệp, doanh nhân…
Người ta nói là văn hóa là cái còn lại trong chúng ta sau khi ta quên đi tất cả. Như vậy văn hóa là thứ sẽ ngấm vào từng ngày, từng giờ, có khi chúng ta phải mất cả thế hệ để xây dựng văn hóa. Nhưng mà riêng về văn hóa doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có được sự vào cuộc kiên quyết của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ và sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, thì tôi nghĩ là không mất nhiều thời gian.
Chúng tôi đã lên kế hoạch là một năm sau khi Thủ tướng phát động, chúng ta đã có sơ kết, tổng kết những doanh nghiệp đã đạt được văn hóa doanh nghiệp, để có được những doanh nghiệp được vinh danh vì đạt được chuẩn văn hóa doanh nghiệp.
Vì thực ra chúng ta đã có những nền tảng rồi, những truyền thống văn hóa dân tộc rồi, chúng ta đưa nó vào đây để làm sao biến thành những tiêu chí để các doanh nghiệp phấn đấu và thực hiện tốt thôi.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hà An (thực hiện)