Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng
(Tổ Quốc) - Theo Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà, trong nhiều yếu tố để tạo nên thành công của doanh nghiệp, tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng. Một doanh nghiệp lớn mạnh, đó là sự tập hợp đội ngũ nhân viên đến từ nhiều vùng, miền, hay các quốc gia khác nhau, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc.
Sáng 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp thích ứng trong môi trường đa văn hóa". Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL và ông Hoàng Hà - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chủ trì tọa đàm.
Tham dự tạo đàm có hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình thích ứng với môi trường đa văn hóa, hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững. Đồng thời, giúp các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp nhận diện thực chất hơn về hiện trạng của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay nhằm thích ứng với môi trường đa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị thiết thực để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp đạt hiệu quả đề ra.
Qua tọa đàm, truyền tải thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam năng động, sáng tạo, phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển đất nước.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp nước ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, thực sự là "trái tim" của nền kinh tế.
Tại cuộc gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp".
Với sự phát triển như vũ bão của thành tựu của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu trí tuệ nhân tạo…và sự mở rộng không ngừng của các công ty đa quốc gia, đã gia tăng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động . Điều này cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nắm bắt thời cơ, thích ứng với bối cảnh và yêu cầu mới.
Theo ông Hoàng Hà, trong nhiều yếu tố để tạo nên thành công của doanh nghiệp, tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa ngày càng được coi trọng. Một doanh nghiệp lớn mạnh, đó là sự tập hợp đội ngũ nhân viên đến từ nhiều vùng, miền, hay các quốc gia khác nhau, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc.
Sự đa dạng văn hóa không chỉ thể hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán (những điều dễ thấy), mà còn bao gồm cả ở các giá trị sáng tạo, thái độ, lối sống, và cách ứng xử với đồng nghiệp, tập thể hay cộng đồng. Làm sao để dung hòa các yếu tố văn hóa đó, tôn trọng những bản sắc, thậm chí là khác biệt đó, để khơi dậy sự thấu hiểu, chia sẻ, đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên với công việc, chung sức xây dựng thương hiệu, phát triển doanh nghiệp bền vững, là câu hỏi không dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu vững chắc cũng là những doanh nghiệp xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, thích ứng trong môi trường đa văn hóa.
Bên cạnh phát huy những tố chất của người Việt như sự chịu khó, cần cù, sáng tạo, thông minh…trong lao động, sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đã thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho nhân viên, và đội ngũ quản lý, xây dựng chiến lược và triết lý kinh doanh, tạo dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, hướng tới phát triển bền vững.
"Rõ ràng, khi giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với môi trường đa văn hóa không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào biết khai thác, phát huy sự đa dạng văn hóa trong sự thống nhất chung với mục tiêu, chiến lược của công ty, vì sự phát triển cộng đồng, xã hội, sẽ thích ứng với bối cảnh mới và phát triển mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, nhận diện thực trạng cũng như những khó khăn, thách thức trên các phương diện cả về nhận thức, xây dựng chiến lược, định hình phương thức quản lý, hoàn thiện chính sách… từ đó đề xuất các giải pháp để xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả là điều rất cần thiết", ông Hoàng Hà chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng và hiệu quả của phát huy văn hóa doanh nghiệp trong sự thích ứng với môi trường đa văn hóa (ưu điểm, hạn chế); Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích ứng với môi trường đa văn hóa trong thời gian qua; Đề xuất các giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự thích ứng với môi trường đa văn hóa trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay./.