• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 1: Nhiều câu chuyện truyền cảm hứng

Văn hoá 05/10/2021 20:38

(Tổ Quốc) - Giao thông tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng luôn là đề tài dễ gây ức chế trong mỗi chúng ta bởi đó là vấn đề sát sườn, ai cũng phải đối mặt từng ngày, từng giờ. Nhưng đã bao giờ mỗi người nghĩ chậm lại và tự hỏi chúng ta cần làm gì, cần nỗ lực thay đổi như thế nào để văn hóa giao thông Hà Nội trở thành nét đẹp cần được truyền cảm hứng và nhân rộng để xây dựng đô thị văn minh?.

Nói đến các bến xe, trước nay hẳn nhiều người sẽ mang tâm lý cảnh giác vì các vấn nạn trộm cắp, móc túi xảy ra. Thế nhưng, đối lập với nỗi sợ và sự e dè đó, tại Hà Nội, hơn 10 năm nay ở Bến xe Nước Ngầm có một chiếc tủ đồ trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên. Đại diện của bến xe Nước Ngầm chia sẻ đây là ý tưởng của ban lãnh đạo nhằm chia sẻ, giúp đỡ phần nào những rủi ro với người tham gia giao thông ở bến xe. Thực tế, đã có rất nhiều đồ đạc, tài sản, giấy tờ quan trọng của hành khách bị bỏ quên tại bến xe như: Tiền mặt, đồng hồ, điện thoại, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư…

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 1: Nhiều câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 1.

Chiếc tủ lưu giữ đồ hành khách bỏ quên tại bến xe Nước Ngầm (ảnh Gia Đoàn/nhipsongviet)

Theo đó, nếu khách bỏ quên đồ khi vội lên xe hoặc ra về, qua hệ thống camera an ninh hoặc do nhân viên bến xe, tài xế sau khi phát hiện, các hành lý, tài sản của hành khách bỏ quên tại bến hay trên các tuyến xe sẽ được ban quản lý bến xe thông báo trên loa phát thanh để tìm kiếm hành khách. Nếu không có ai đến nhận, tài sản hay hành lý sẽ được trưng bày trong tủ kính. Trước khi trưng bày các đồ đó sẽ được dán nhãn, ghi rõ ngày, tháng, năm bị thất lạc. Qua đó người bị thất lạc, để quên đồ có thể dễ dàng nhận ra để đến nhận lại miễn phí. Chiếc tủ đồ trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên ở bến xe Nước Ngầm được nhiều người ví là "chiếc tủ tử tế" suốt bao năm qua.

Chiếc tủ lặng lẽ nằm một góc của bến xe, không can dự vào dòng xe ngược xuôi nhưng chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện ấm áp của những người tham gia giao thông. Bất ngờ, vui mừng, cảm ơn, yên tâm khi lên xe, luôn tin rằng vẫn còn đó những điều đẹp đẽ còn tồn tại trong cuộc sống… là tâm trạng của những người khi biết về mô hình này, dù họ chưa từng quên đồ hay đã từng được nhận lại đồ của mình ở bến xe này.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 1: Nhiều câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 2.

Nhiều giấy tờ quan trọng bị hành khách bỏ quên (ảnh Gia Đoàn/nhipsongviet)

Một câu chuyện truyền cảm hứng khác về văn hóa giao thông ở Hà Nội không thể không nhắc đến là "Công dân Thủ đô ưu tú" - Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn. Hiếm có người cảnh sát giao thông nào lại nhận được sự quan tâm của công chúng như Thượng tá Lê Đức Đoàn. Bởi không chỉ làm nhiệm vụ của một cảnh sát giao thông cần mẫn, tâm huyết với nghề như hướng dẫn điều tiết giao thông ông còn làm rất nhiều việc tử tế, nhân văn khác. Có thể kể đến những việc nhỏ như đẩy xe chết máy để đường không ùn tắc, tham gia bắt đối tượng cướp tài sản, cho đến cứu người.

Tính đến ngày nghỉ hưu ông đã cứu được gần 40 người, trong đó có những người gặp tai nạn giao thông, người có ý định nhảy cầu tự tử khiến ai cũng yêu quý và khâm phục . Những lời chào, những tin nhắn hỏi thăm, những món quà quê bình dị của biết bao người dân dành cho ông từ khi còn công tác, cho đến ngày cuối cùng khoác áo nghiệp vụ hay đến cả những ngày thanh thản tuổi hưu là món quà vô giá mà không phải ai cũng có được. Những ứng xử đẹp của người cảnh sát Lê Đức Đoàn đã ghim vào trí nhớ chúng ta như một phản xạ tự nhiên. Cứ mỗi lần nghĩ đến người cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn lại có biết bao câu chuyện bình dị, đẹp đẽ và đáng trân trọng lại hiện lên. Có lẽ chỉ trái tim nhân hậu, sự thôi thúc trong sâu thẳm của tình đồng loại mới khiến người ta không mảy may suy tính thiệt hơn khi làm bất cứ việc gì.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 1: Nhiều câu chuyện truyền cảm hứng - Ảnh 3.

Thượng tá Lê Đức Đoàn trên cầu Chương Dương khi còn công tác (ảnh: csgt.vn)

Cùng viết tiếp những câu chuyện đẹp về văn hóa giao thông Hà Nội có thể nhắc đến người xe ôm Nguyễn Văn Thuận (Quốc Oai, Hà Nội) ở bến xe Mỹ Đình dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng khả năng của mình. Ròng rã hơn 10 năm nay bám trụ ở bến xe mưu sinh nhưng ông sẵn sàng nhận chở miễn phí cho tất cả các bệnh nhân từ các tỉnh xuống Hà Nội khám chữa bệnh... Là anh Nguyễn Xuân Đặng (Sóc Sơn, Hà Nội) hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới đã không ngần ngại hiến đất mở rộng đường, để thực hiện ước mong đường làng được mở rộng, khang trang hơn. Hành động của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người cùng hiến đất để con đường quê hương đẹp đẽ, thoáng rộng hơn, lưu thông dễ dàng và có thêm cơ hội phát triển kinh tế.

Những câu chuyện truyền cảm hứng kể trên chỉ là một phần rất nhỏ, thực tế còn rất nhiều nghĩa cử cao đẹp của người tham gia giao thông ở Hà Nội. Nó khiến chúng ta tin rằng ở bất cứ nơi đâu, thời điểm nào thì sự tử tế vẫn là điểm tựa để nâng đỡ niềm tin. Không phải dòng xe bon chen ngược xuôi bất tận từ ngày này tháng khác khiến chúng ta mệt mỏi, ức chế mà vẫn còn đó quanh ta những câu chuyện đẹp đẽ như những bông hoa thầm lặng tỏa hương cho đời. Và sự cao đẹp đó thôi thúc chúng ta tự thấy mình phải sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ