• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 2: Hãy bắt đầu từ những hành vi nhỏ

Văn hoá 06/10/2021 08:30

(Tổ Quốc) - Để hình thành văn hóa giao thông, bên cạnh việc tuân thủ Luật Giao thông thì ý thức để điều chỉnh những hành vi nhỏ của mỗi người là điều không thể thiếu

Xây dựng văn hóa giao thông bằng những câu chuyện truyền cảm hứng là rất cần thiết để mọi người nhìn vào đó như một tấm gương sáng tự soi lại bản thân và học tập. Nhưng theo chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) thì không phải ai có "cơ hội", điều kiện… để tự viết lên câu chuyện truyền cảm hứng tương tự như vậy. Chị cho rằng, để xây dựng văn hóa giao thông thì cần quan tâm đến hành vi cá nhân, những hành vi nhỏ nhất nhưng hầu như ai cũng gặp phải hàng ngày.

Đồng quan điểm đó, anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng: Ngoài việc mỗi cá nhân phải tuân thủ luật giao thông thì mỗi cá nhân cũng phải thực hiện tốt các hành vi cá nhân khi tham gia giao thông để nâng nó lên thành "văn hóa giao thông". Bởi theo anh, có những hành vi chưa, hoặc không được quy định trong luật, thậm chí cũng không được đúc kết thành bài học để giảng dạy trong nhà trường nhưng nếu không ý thức và thực hiện thì hậu quả của nó cũng không hề nhỏ.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 2: Hãy bắt đầu từ những hành vi nhỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Dẫn ra ví dụ từ quan sát cá nhân về những hành vi rất nhỏ nhưng chúng ta cần có ý thức để xử lý tốt, chị Thanh chia sẻ: Chẳng hạn đang đi đường, nhìn thấy đằng trước có ổ gà, người tham gia giao thông sẽ không tránh gấp, phanh gấp mà chấp nhận giảm tốc độ từ từ, dù có thể bị sóc, bị nảy. Ngược lại, nếu tránh hoặc phanh thì người sau rất dễ đâm phải mình hoặc đâm phải hố.

Hay những đổ xăng cũng cần luôn chuẩn bị sẵn tiền từ nhà, đút vào túi áo chống nắng hoặc túi quần. Nếu chưa chuẩn bị được trước thì lúc đứng đợi đến lượt hãy cầm tiền sẵn ở tay. Sau khi được đổ xăng sẽ đưa tiền cho người bán, dắt xe lên phía trước, chờ trả tiền lại, như thế người phía sau có thể tiến vào vị trí đổ xăng. Chứ thực tế có những trường hợp đứng chờ chán chê, khi đóng nắp bình xăng vào rồi mới móc túi, mở ví, mở cốp, lục cục rất lâu để lấy tiền làm bao người sốt ruột chờ phía sau. Hoặc có người trả tiền xong, còn thong thả đứng mặc áo chống nắng, mặc váy quây, đút tiền vào ví, đút ví vào túi, đút túi vào cốp, lần sờ mãi một hồi trong khi chiếm chỗ, khiến bao người đứng sau phải chờ dễ gây ức chế - chị Thanh kể lại.

Là một người phải đối mặt với giao thông thường xuyên, anh Trường (Đông Anh, Hà Nội) thì lấy một ví dụ nhỏ nhưng khá thực tế: Khi dừng đèn đỏ trong những ngày hè nắng nóng, một thói quen của không ít người là tìm bất cứ chỗ nào có bóng mát để dừng xe. Có nơi thì may mắn bóng mát ở gần vạch kẻ dừng xe, nhưng có nơi thì cách khá xa vạch kẻ đường, có chỗ thì ở làn dành cho xe rẽ phải, thậm chí ở góc khuất, các ngã 3, ngã 4… Dù vậy, để không ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông thì anh Trường vẫn dừng dúng vạch kẻ cho dù chỗ đó có bóng mát hay không. Bởi vì sự an toàn của bản thân cũng như những người tham gia giao thông nên anh Trường không cứng nhắc phải tìm chỗ có bóng mát chờ đèn giao thông.

Để an toàn trong hơn cho bản thân khi tham gia giao thông anh Trường cũng luôn tự nhủ với bản thân "3 xanh thì bỏ, 3 đỏ thì đi". Anh giải thích khi đèn tín hiệu màu xanh đếm lùi chỉ còn 3 giây mà chưa đến vạch thì tốt nhất dừng lại không nên phóng nhanh cho kịp qua vì dễ bị mấy tay lái cắt ngang. Ngược lại, thấy đèn đỏ chỉ còn 3 giây thì chuẩn bị để đi. Bản thân anh cũng thấy một số trường hợp vì cố vượt đèn giao thông đã xảy ra những va chạm giao thông đáng tiếc đúng như mọi người đã nói "nhanh một phút chậm cả đời".

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 2: Hãy bắt đầu từ những hành vi nhỏ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Một hành vi mà anh Tuấn đã gặp phải và tin rằng có thể sẽ bớt đi những xung đột khi tham gia giao thông cũng được chia sẻ. Hôm đó anh đang đi xe máy bình thường trên đường, nhưng bất ngờ một chiếc xe máy ngược chiều lao vào anh khiến cả hai cùng ngã ra. Người xung quanh bắt đầu xúm vào xem xét tình hình cả hai có sao không. Sau khi thấy cả hai người may mắn không bị ảnh hưởng gì nặng nề, chỉ xây xước ngoài da một chút thì người đi đường bắt đầu có ý phân giải. Điều đáng nói là năm người mười ý, rất khó để phân định ai đúng ai sai. Đối phương thì bắt đầu hùng hổ, to tiếng đổ hết phần sai về anh Tuấn. Đứng trước tình huống này, bất luận mình là người sai hay đúng, anh Tuấn liền chủ động nhận mình sai (dù thực tế, anh bị đối phương đâm vào), ra vui vẻ bắt tay và nói: Ôi may quá, cảm ơn anh, may là hôm nay anh với em đi chậm nên không sao. Lỗi là tại tôi, đang bận chút việc nên đi hơi nhanh, mong anh thông cảm, lần sau tôi sẽ đi chậm và quan sát hơn. Kết quả là đối phương hơi bất ngờ với tình huống đó, nhưng cũng vui vẻ lên xe đi tiếp, nhanh chóng chấm dứt tranh cãi to tiếng và không có những xô xát xảy ra.

Anh Tuấn cho biết mình từng chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông nhỏ như vậy nhưng kết cục thì "chuyện bé xé ra to". Va chạm giao thông chưa chắc đã "sứt đầu mẻ trán" nhưng hậu va chạm lời ra tiếng vào có khi lại để lại hậu quả nặng nề hơn. Người sai nhận mình là đúng, người đúng khăng khăng mình không sai thế là to tiếng, cãi nhau và cuối cùng dẫn đến ẩu đả. Mà thường lúc đó chỉ cần một trong hai người (người đâm xe, và bị đâm) ai to tiếng hơn, hùng hổ hơn, mạnh miệng khẳng định mình không sai thì người còn lại dù đúng cũng rất dễ bị … đuối lý.

Xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội, nét đẹp đô thị văn minh - Bài 2: Hãy bắt đầu từ những hành vi nhỏ - Ảnh 3.

Nhiều tình huống va chạm giao thông được các lái xe bắt tay giảng hòa (ảnh zing.vn)

Khi kể câu chuyện này, một số người cho rằng anh Tuấn tự nhận mình sai, có phần "xuống nước" hay chủ động làm hòa thế là mất vị thế, không đấu tranh vì cái đúng, dễ thỏa hiệp cái sai… Nhưng anh Tuấn cho rằng, đôi khi trong cuộc sống cần phải thấy rằng "một sự nhịn là chín sự lành" nhất là khi tham gia giao thông. Suy cho cùng sự vui vẻ tự nhận lỗi về mình không khiến con người giảm đi giá trị, cách "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" sẽ tránh những va chạm không đáng có xảy ra. Bởi ai tham gia giao thông cũng ít nhiều gặp những áp lực vội vã vì thời gian, công việc chất chồng, thời tiết nắng nóng (hoặc lạnh, mưa gió…), chưa kể còn khói bụi nên dễ có tâm lý khó chịu, cáu gắt, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm bùng lên ngọn lửa tức giận, khó kiềm chế dẫn tới hệ lụy khó lường.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm Luật Giao thông, điều chỉnh những hành vi nhỏ của bản thân khi tham giao thông rất quan trọng và cần thiết. Những hành vi đó thuộc về ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông. Và chỉ khi ý thức được nâng lên thành văn hóa thì mới trở thành văn hóa giao thông.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ