(Tổ Quốc) - Bộ Chính trị nêu rõ, phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực", cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng, tiêu cực", xây dựng văn hoá liêm chính để "không muốn tham nhũng, tiêu cực" và cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng, tiêu cực".
Trong báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (PCTNTC), Bộ Chính trị nhấn mạnh, những năm tới, đất nước ta tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm thời gian qua là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác PCTNTC.
Tuy nhiên, PCTNTC là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà đã lan ra cả khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; các thế lực thù địch, phần tử xấu không ngừng tìm cách lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước...
Do vậy, Bộ Chính trị lưu ý tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTNTC.
Cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải coi công tác PCTNTC là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTNTC.
Cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu cần xác định công tác PCTNTC là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu trong đấu tranh PCTNTC; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Xây dựng cho được ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh PCTNTC; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng quy định về xử lý xung đột lợi ích của cán bộ, đảng viên; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân.
Tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về PCTNTC, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phải xây dựng được sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTNTC; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTNTC sẽ làm chậm sự phát triển, làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhụt chí, làm cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Bên cạnh đó, Bộ chính trị nêu rõ, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTNTC để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí và nhân dân trong PCTNTC. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC.