• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xây dựng văn hóa từ chức: Cán bộ, đảng viên phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết

Thực hiện: Xuân Trường | 19/05/2024

(Tổ Quốc) - Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, để xây dựng văn hóa từ chức, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình, phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Trong đó, Bộ chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.

"Mở đường" cho văn hóa từ chức

Đánh giá Quy định 144 của Bộ Chính trị là quy định mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, ở bất kể thời điểm nào, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cũng luôn phải được chú trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống tham nhũng, tiêu cực… thì vấn đề xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng càng phải được nêu cao hơn nữa.

Xây dựng văn hóa từ chức: Cán bộ, đảng viên phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương - Ảnh: IT

Đối với việc yêu cầu cán bộ, đảng viên "thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", ông Lê Quang Thưởng cho rằng, cùng với Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ", Quy định 144 tiếp tục "mở đường" cho văn hóa từ chức trong Đảng và trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Theo ông Lê Quang Thưởng, trong lịch sử Việt Nam, từ thời phong kiến, cũng đã có những vị quan không màng chức tước, danh lợi, sẵn sàng "cáo lão về quê" khi cảm thấy mình không còn hợp với việc "triều chính".

Trên thế giới, ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, vấn đề từ chức đã trở thành thường lệ, trở thành văn hóa.

Tuy nhiên, trong nhiều chục năm trở lại đây, ở nước ta, không có nhiều, thậm chí là hiếm có cán bộ nào tự nguyện từ chức, ngay cả khi đã mắc sai phạm, khuyết điểm.

"Tất nhiên, bối cảnh xã hội và văn hóa ở nước ta và các nước phương Tây rất khác nhau. Đặc biệt với những quốc gia giàu có, "quan chức" cũng chỉ được coi như một nghề và nếu từ chức thì họ có thể có rất nhiều lựa chọn khác để làm. Còn ở Việt Nam, làm quan chức không chỉ vì thu nhập mà còn là vì danh tiếng, vì quyền lực. Do vậy, rất khó để buông bỏ", ông Lê Quang Thưởng phân tích.

Cán bộ, đảng viên phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết

Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải ý thức được bổn phận, trách nhiệm của mình, phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết.

Cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức rõ "làm quan" là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân chứ không phải cho bản thân hay gia đình mình. Khi đã ý thức được vị trí, trách nhiệm của mình thì phải nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cũng không ngừng học tập về chuyên môn, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, không để xảy ra sai phạm, khuyết điểm và đặc biệt là không vướng vào tiêu cực, tham nhũng.

"Còn khi đã nỗ lực hết khả năng mà không thể đảm đương công việc, không thích hợp với vị trí đang ngồi. Hoặc khi đã có vi phạm, khuyết điểm thì nên từ chức để "nhường ghế" cho người khác, không nên tham quyền cố vị", ông Lê Quang Thưởng bày tỏ.

Ngoài ra, không chỉ đối với bản thân cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu mà gia đình, người thân của cán bộ lãnh đạo đó cũng phải "trong sạch". Để người thân lợi dụng vị trí, chức vụ công tác của mình để trục lợi thì cán bộ đó cũng có lỗi, cũng không còn đủ uy tín để giữ vị trí lãnh đạo nữa và nên từ chức.

Nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đảm nhận vị trí lãnh đạo, nếu không đủ năng lực, không đủ trình độ, uy tín để đảm đương công việc mà không nhận thức được hoặc nhận thực được mà vẫn "tham quyền cố vị" thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ với bản thân cán bộ, đảng viên đó mà có thể kéo theo sự suy yếu của cả cơ quan, tổ chức. Để lại hậu quả khôn lường.

Xây dựng văn hóa từ chức: Cán bộ, đảng viên phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết - Ảnh 2.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 

Cũng theo ông Lê Quang Thưởng, để xây dựng văn hóa từ chức, chính dư luận cũng nên thay đổi tư duy, cái nhìn với những người từ chức, nghỉ công tác vì không hoàn thành nhiệm vụ hay có lý do nào khác (mà không phải do bị kỷ luật) thì cũng nên coi đây là việc bình thường.

Nhiều người không dám từ chức, không buông bỏ được chức vị cũng là vì sợ dư luận bàn tán, cho rằng đã bị vướng sai phạm, vi phạm kỷ luật nên mới phải "về vườn".

Chính vì vậy, để từ chức trở thành bình thường, trở thành văn hóa thì bên cạnh nhận thức của cán bộ, đảng viên thì nhận thực của xã hội cũng cần được thay đổi.

Hoan nghênh Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đặc biệt là yêu cầu thực hiện văn hóa từ chức khi cán bộ, đảng viên không đủ khả năng, uy tín, ông Lê Quang Thưởng bày tỏ hy vọng với những quy định của Đảng, từ chức sẽ thực sự trở thành truyền thống, trở thành văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt.

Từ chức cũng thể hiện bản lĩnh, tinh thần của người đảng viên

Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, đại biểu Quốc hội Khóa XII cho rằng, Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị ban hành là rất đúng lúc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

"Thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao bị xử lý vì suy thoái tư tưởng, đạo đức, mắc khuyết điểm nặng nề. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là rất quan trọng", PGS.TS. Bùi Thị An bày tỏ.

Xây dựng văn hóa từ chức: Cán bộ, đảng viên phải đặt danh dự, trách nhiệm lên trên hết - Ảnh 3.

PGS.TS. Bùi Thị An - Ảnh: VGP

Bàn về quy định "Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, đây là nội dung rất có ý nghĩa. Việc động viên cán bộ "xin thôi" khi không còn đủ năng lực, uy tín là chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, đồng thời thể hiện sự dân chủ cũng như tôn trọng với đảng viên.

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, việc xây dựng văn hóa từ chức sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Trước hết, đối với những cán bộ không đủ năng lực, uy tín, Đảng tạo điều kiện để những người này tự nhận thức để từ chức, tránh phải áp dụng những "biện pháp căng thẳng hơn".

"Việc này vừa tốt cho cơ quan, tổ chức Đảng, vừa tốt cho chính cán bộ, đảng viên đó", bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thực được năng lực, cũng như nhận ra khuyết điểm của mình để tự giác từ chức khi không đáp ứng được yêu cầu công việc.

"Điều này cũng thể hiện được bản lĩnh, tinh thần của người đảng viên, thực hiện đúng lời thề khi vào Đảng. Khi không đủ năng lực, hoặc có lỗi, không còn đủ tư cách thì xin nghỉ để nhường chỗ cho người khác, để tổ chức được trong sạch, vững mạnh hơn", PGS.TS. Bùi Thị An bày tỏ.

NỔI BẬT TRANG CHỦ