(Cinet) -Then đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Tày, Nùng xứ Lạng. Hát then vốn là những điệu hát phục vụ trong các nghi lễ tâm linh, được các ông giàng, bà then hát trong những buổi lễ của gia đình, làng bản như cầu an, giải hạn, mừng nhà mới, chúc thọ người già, cưới hỏi… với mục đích cầu mong sự bình an, hạnh phúc đến với làng bản và con người. Hãy cùng tham gia một đám cưới của người Tày qua tiết mục then "Xe sợi tơ duyên".
Thầy then làm lễ tại ban thờ nhà cô dâu để xin phép gia tiên được về nhập vào họ nhà chồng
Sau một chặng đường dài từ nhà trai, đoàn xin dâu đã đến nhà gái. Để vào được nhà gái, ông đại biểu nhà trai (quan làng) phải sử dụng khả năng ứng đối văn thơ và tài ăn nói của mình để vượt qua các chặng căng dây mà vào đến nhà. Sau khi đã kiểm tra đầy đủ các lễ vật mà nhà trai gánh đến, nhà gái mới cho phép chú rể vào lạy bàn thờ gia tiên để xin nộp gánh.
Trong lễ cưới người Tày, có một phần không thể thiếu đó là lễ dâng tấm vải ướt khô (slằm khấư), chiếc khăn này gợi nên một kỷ niệm về tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ.
Đó là những đêm đông khi con còn nhỏ, nửa đêm con tè dầm ra ướt hết chăn, chiếu. Lúc đó, mẹ bế, đặt con nằm sang bên khô của mẹ rồi mẹ chịu nằm chỗ ướt. Tấm khăn được chàng rể long trọng dâng lên người mẹ để tạ ơn công đức ấy. Người mẹ vô cùng xúc động, ôm tấm khăn vào lòng.
Cô dâu được đón từ trong buồng ra. Sắp phải xa cha mẹ, gia đình để đi làm dâu nhà người nên cô vô cùng xúc động, nước mắt tuôn rơi.
Những người thân trong nhà thực hiện nghi lễ “Quá hồng”, thắt vải đỏ quanh người cô dâu chú rể nhằm cầu mong sự bình an, hạnh phúc, thuận hòa và đông con, nhiều cháu đến với đôi tân lang, tân nương. Bố mẹ trao cho con gái của hồi môn là chiếc vòng bạc và bộ xà tích bạc. Đây là những kỷ vật được truyền lại từ thời ông bà. Đó là sự tiếp nối và cầu mong cho con gái có một cuộc sống sung túc.
Cô dâu chú rể thực hiện lễ “chượng trà”, tức lễ dâng trà và rượu. Trà và rượu được lần lượt dâng lên song thân phụ mẫu và các quan khách 2 họ nhằm cảm ơn sự giúp đỡ. Đồng thời, lễ này còn là cơ hội để cô dâu chú rể nhận biết anh em, họ hàng.
Khi dâu rể đến mời rượu, những quan khách được mời đều tặng cô dâu, chú rể 1 món quà
hoặc một ít tiền được gói trong chiếc phong bao lì xì màu đỏ để chúc phúc
Sau khi mời trà rượu xong, giờ lành đã đến, chú rể vào lễ gia tiên để xin được đưa dâu về nhà. Đây là giây phút rất linh thiêng, long trọng và cũng rất xúc động
Trước khi cô dâu ra cửa, một người em trai (có thể là em ruột hoặc em họ) sẽ đội lên đầu cô dâu 1 chiếc nón mới với ý niệm để chị mình đội nón ra đi được mát mẻ, bình an.
Đồng thời, trên tay cô dâu còn cầm 1 cây hương hoặc 1 cây đèn dầu để soi sáng đường cho gia tiên đi theo bảo vệ và mệnh cô được nhập về bên nhà chồng. Đoàn đón dâu lúc này còn có cả những người thân trong gia đình bên ngoại của cô dâu và những gánh đồ hồi môn.
Lời bình: Xuân Bách
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tiến Dũng, Hà Anh Tuấn và Phan Huy