(Tổ Quốc) - Sau mưa lũ, nhiều diện tích sắn (củ mì) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được người dân tập trung thu hoạch để tránh hư hại. Tuy nhiên do số lượng sắn đưa về nhà máy quá nhiều, gây quá tải khiến việc tiêu thụ khó khăn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại Thừa Thiên Huế vừa qua có mưa lớn kéo dài. Mưa lớn gây ngập úng khiến nhiều diện tích sắn của người dân trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng. Sau mưa lũ người dân buộc phải thu hoạch sắn trước thời vụ để tránh hư hại.
Những ngày qua, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế đóng trên địa bàn huyện Phong Điền là nơi thu mua chính sắn cho người dân. Tuy nhiên do lượng sắn đổ về quá lớn buộc nhà máy phải tăng công suất chạy.
Số sắn bị ngập nước phải thu hoạch sớm, nếu để lâu sẽ bị úng, hư hại.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng phòng Tổ chức Công ty Tinh bột sắn Thừa Thiên Huế, bình thường mỗi ngày nhà máy chỉ nhập tầm 500 tấn sắn nhưng giờ phải nâng công suất lên 800 tấn/ngày.
Ông Hạnh thông tin thêm, phải 2-3 ngày nữa nhà máy mới giải quyết hết được số lượng sắn đang còn tồn đọng do ảnh hưởng mưa lũ cho người dân. "Giá sắn bây giờ là 1.700 nghìn đồng/kg nếu trên 20 độ bột, còn nếu dưới 20 độ bột thì cứ giảm 1 độ sẽ trừ 50 đồng", ông Hạnh cho hay.
Trong lúc đó, nhiều người dân chở sắn đến nhà máy lại phản ánh, công ty chỉ nhập đến 3 giờ chiều là nghỉ. "Họ vẫn làm đều 3 ca mỗi ngày nhưng sắn thì chỉ nhập đến 3 giờ chiều là không nhập hàng nữa" , một người dân cho biết.
Số sắn sau thu hoạch được chuyển về nhà máy dồn dập, tồn đọng nhiều. Hàng loạt xe tải lớn nhỏ nối duôi nhau xếp hàng dài tràn ra cận cả tuyến QL1A để chờ được nhập sắn cho nhà máy.
Xe chở sắn xếp hàng dài, nhiều người dân vật vã chờ đến lượt ở nhà máy sắn để được nhập hàng. Sắn thu hoạch sớm không bán được giá, nay người dân còn lo lắng thêm nếu chờ quá lâu thì số sắn đã thu hoạch cũng sẽ hư hại nhiều.