Xem trai làng cởi trần, đóng khố phô diễn sức mạnh tại vật lầu Quan Xuyên
Thực hiện: Nam Nguyễn | 22/03/2024
(Tổ Quốc) - Chiều 21/3 (12/2 Âm lịch), 72 trai đinh trong thôn được chia làm hai đội xanh đỏ phô diễn sức mạnh tham gia trò chơi vật lầu trong lễ hội đình Quan Xuyên (xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên).
Đình làng Quan Xuyên được xây dựng từ thế kỷ XVI thời hậu Lê, thờ ngũ vị Đẳng Thần là Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi. Hiện nay, đình vẫn còn giữ được sự đồng bộ về kiến trúc, theo kiểu chữ Đinh gồm nhà tiền tế 5 gian 2 dĩ và một gian hậu cung. Năm 1989, đình làng Quan Xuyên được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội đình làng Quan Xuyên diễn ra trong 3 ngày từ ngày 11 đến 13 tháng 2 âm lịch và được tổ chức 3 năm 1 lần vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Tại lễ hội vẫn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa độc đáo của vùng quê ven sông Hồng tiêu biểu như nghi thức rước sắc và rước nước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Phần hội tổ chức các trò chơi dân gian, trong đó trò chơi vật lầu là trò đặc sắc và độc đáo nhất, mang lại tiếng tăm cho lễ hội diễn ra vào chiều 12/2 Âm lịch.
Tham gia vật lầu là 72 tráng đinh trong thôn, được chia làm 2 đội làng Thượng và làng Hạ với trang phục đỏ và xanh.
Trước khi bước vào hội vật, các tráng đinh tiến hành dâng lễ thánh và tế lầu tại đình làng.
Quả lầu được làm bằng gỗ, sơn son, to khoảng 1 vòng tay người ôm. Sân vật lầu là mảnh ruộng ngay trước cửa đình, được đào 1 hố to khoảng 1,2m đổ đầy nước là hố lầu cái và 2 hố lầu con cách hố lầu cái 36m.
Sau khi tế lầu xong, quả lầu sẽ được trai đinh 2 làng chuyền tay nhau đem ra hố lầu cái
Khi có hiệu lệnh từ tiếng kẻng của người chủ trò ở giữa sân, 72 chàng trai cùng ào lên hố lầu cái.
Mỗi đội đều cố gắng đưa quả lầu khỏi hố và dùng lưng đẩy quả lầu về phần sân đội mình.
Do quan niệm làng nào thắng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm còn làng kia gặp nhiều đen đủi nên cả hai đội đều cố gắng... hòa để cả làng mình và làng bạn đều không phải gặp đen đủi.
Màn vật lầu sẽ diễn ra 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút, hoặc đến khi quả lầu được đưa về lỗ lầu của đội nào đó.
Mọi người hòa chung khí thế hào hứng, hò reo cổ vũ, tiếng trống cổ động làm rộn rã cả một vùng quê.
Dù mệt và khá lạnh nhưng các "lầu thủ" vẫn rất vui. "Tôi rất tự hào khi sinh ra và lớn lên ở làng Quan Xuyên, tôi đã tham gia vật lầu 7 lần và đây là lần thứ 3 tôi là đội trưởng. Tôi rất mong muốn duy trì bản sắc văn hóa của quê hương tôi bền vững mãi mãi. Tôi mong các đội lớp trẻ luôn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc", anh Nguyễn Văn Mạnh (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ.
Rất đặc sắc so với các trò chơi dân gian khác, vật lầu có tính đua tranh nhưng không quá quyết liệt và không hề xảy ra xô xát. Tất cả ai nấy đều phấn khởi, bởi nó chỉ là trò chơi mang tinh thần thượng võ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, một năm mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh.
Nét đẹp ở trò chơi dân gian này là tinh thần hữu hảo, đoàn kết, gắn bó. Họ cùng chung ước vọng về sự bình yên, ấm no, hạnh phúc và mong muốn khởi đầu thật nhiều may mắn cho một năm mới. Đây cũng chính là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau một năm miệt mài lao động sản xuất và cũng là ngày đoàn viên các con cháu ở nơi xa.