• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xem tranh chèo Bùi Xuân Phái

19/04/2010 17:14

Nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái, người ta nghĩ đến “phố Phái”, nhưng Bùi Xuân Phái không chỉ vẽ phố, ông vẽ nhiều đề tài nữa và thành công chỉ sau vẽ phố là vẽ chèo. Một triển lãm về tranh chèo từ bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn đang được trưng bày tại Cà phê thứ Bảy, 31 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hồ Chí Minh.

Nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái, người ta nghĩ đến “phố Phái”, nhưng Bùi Xuân Phái không chỉ vẽ phố, ông vẽ nhiều đề tài nữa và thành công chỉ sau vẽ phố là vẽ chèo. Một triển lãm về tranh chèo từ bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn đang được trưng bày tại Cà phê thứ Bảy, 31 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Hồ Chí Minh.

Việc Bùi Xuân Phái đến với chèo là hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào những năm 1957-1958 cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bạn bè tìm cách xoay việc cho ông làm, như vẽ minh họa cho báo dưới dạng cộng tác viên, trong số này có đạo diễn Trần Hoạt đã mời Bùi Xuân Phái về làm họa sĩ trang trí cho sân khấu chèo. Như vậy có thể thấy ông không được đào tạo để vẽ sân khấu, mà đến với nghề này chỉ vì mưu sinh.

Điều khá tẻ nhạt với họa sĩ Bùi Xuân Phái là hàng đêm ông vẫn phải theo đoàn khi họ diễn. Chỗ ngồi của ông là cánh gà bên trái, nơi được giăng màn làm chỗ hóa trang và thay trang phục. Trong một bầu không gian chật hẹp chỉ độchục mét vuông như thế, nơi mà các câu chuyện dù riêng tư cũng trở thành chuyện chung, chính vì mọi thứ quá gần gũi, quen thuộc mà Bùi Xuân Phái đã vẽ về chèo ở một góc độ đặc biệt, đấy là hầu hết các tác phẩm không vẽ về sân khấu chèo, mà vẽ hậu trường chèo, vẽ những cuộc sống phía sau vở diễn của những người đã tạo dựng nên nó.

Chưa ai thống kê được suốt 10 năm vẽ chèo như thế, có bao nhiêu tác phẩm đã ra đời, nhưng có lẽ cũng cả hàng ngàn bức. Những tác phẩm hầu hết đều nhỏ, vẽ trên giấy báo, giấy xi măng và chủ yếu là màu nước, màu bột. Các bức tranh đa số có màu sắc buồn tẻ như cuộc sống của tác giả lúc bấy giờ, nhưng nhiều bức được điểm  những vệt màu sắc rực rỡ của những bộ trang phục cung đình. Cũng ở mảng đề tài chèo, người ta mới thấy những màu sắc rất lạ, rất hiếm khi họa sĩ vẽ ở các tác phẩm về phố Hà Nội, đó là màu cánh sen và màu tím. Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn giải thích rất đơn giản: “Chỉ khi vẽ chèo, Bùi Xuân Phái mới tận dụng vẽ cho hết những màu ít khi dùng đến trong hộp màu”. Một số tác phẩm có màu nền rất lạ, cũng được hiểu là họa sĩ không vẽ theo màu sắc ông thích, mà chỉ là tận dụng tô bằng màu thừa của buổi hôm trước.

Những nhân vật trong tranh là những cô gái trong áo dài, áo tứ thân, áo yếm, là các ông quan, ông vua đang hóa trang, hay đang ngồi thở dài thườn thượt, mệt mỏi vì đuối sức hay đang lo nghĩ đến cuộc sống thường nhật vất vả lấp ló sau lớp áo rực rỡ uy quyền. Điều đặc biệt là có những tư thế cầm quạt, dáng ngồi, dáng đứng hay những tư thế như chải tóc, vén tóc... được vẽ lặp đi lặp lại rất nhiều, được bố cục lại, thay đổi vị trí nhân vật... Điều này cho thấy họa sĩ đã thử nghiệm rất nhiều và rất mạnh dạn trong các thử nghiệm. Có những bố cục khá lạ, trở thành phong cách như những nhân vật ở rìa tranh bị cắt hẳn thân mình, chỉ thấy bàn tay cầm quạt hay chân ngồi. Những đường nét mạnh bạo trong tranh cho thấy ông là người hoạt bút.

Nét đẹp trong các tranh chèo của Bùi Xuân Phái là cái đẹp giản dị của văn hóa dân gian miền Bắc, của sự biểu cảm được thể hiện ước lệ, đồng thời cho thấy sự tinh tế và dí dỏm của họa sĩ. Ông đã đi vào một thế giới riêng tư của những diễn viên trong cuộc sống hậu trường nhưng người xem vẫn cảm nhận được không khí của cả chiếu chèo trong vở diễn. Nhà phê bình Thái Bá Vân đã rất chính xác khi mô tả “Ta nghe thấy tiếng trống chèo và những âm thanh rộn rã trong màu sắc của Bùi Xuân Phái”.

 

Theo ĐĐK

NỔI BẬT TRANG CHỦ