(Tổ Quốc) - Ngày 7/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp góp ý hai dự án Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung.
Trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với đại diện Bộ GDĐT, các chuyên gia, đại diện một số trường đại học, phổ thông về góp ý dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, cũng đề cập đến một số vấn đề trong việc đổi mới cơ chế quản lý trong các nhà trường phổ thông, giao nhiều hơn quyền tự quyết cho các trường để đảm bảo tính linh hoạt và sáng tạo trong công tác tổ chức dạy và học. Cần tiếp tục duy trì bằng tốt nghiệp phổ thông để phù hợp với thông lệ quốc tế. Và việc để xảy ra tình trạng căng thẳng trong tuyển sinh đầu vào ở một số trường công lập các thành phố lớn hiện nay là chưa phù hợp, do đó cần cân nhắc việc có nên tiếp tục duy trì hệ thống trường chuyên trong các trường công lập nữa hay không.
Liên quan tới dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, là hai dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các chuyên gia giáo dục, đại điện trường đại học, phổ thông góp ý vào những vấn đề lớn của giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu “Làm luật hay sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thì đều phải xem xét trong một quá trình không chỉ hiện tại mà phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, theo đúng xu thế quốc tế. Hai dự án Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà phải đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ảnh VGP) |
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc mong muốn cơ quan soạn thảo, ở đây là Bộ GDĐT, mạnh dạn đưa các ý tưởng mới theo xu thế thế giới và tìm mọi cách thuyết phục các đại biểu Quốc hội thay vì lựa chọn phương án an toàn.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận xét dự án Luật Giáo dục vẫn chưa tiếp cận đầy đủ, căn bản về xu thế giáo dục, đào tạo trên thế giới. Một số quy định như về giáo dục thường xuyên vẫn giữ nguyên từ những năm 1960-1970 nên dù vẫn đúng nhưng cứng nhắc, không theo kịp yêu cầu cũng như xu thế đào tạo mới trên thế giới
PGS.TS Trần Kiều nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu ý kiến: Chúng ta không nên loay hoay sửa ở những điểm cụ thể mà phải đặt vấn đề căn bản từ triết lý giáo dục, nguyên tắc giáo dục. Đây là điều vô cùng cần thiết.
Các chuyên gia cũng thảo luận về quy định liên quan đến trường chuyên tại địa phương cũng như hệ thống các trường đào tạo tài năng, năng khiếu; nhà giáo có nên bao gồm cả những người làm quản lý giáo dục; cần thiết ghi rõ trong luật yêu cầu chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục; cơ sở giáo dục tư thục hoạt động vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận…
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng có những ý kiến trao đổi về quyền tự chủ cho các trường đại học, theo đó, việc tự chủ không chỉ về tài chính mà còn về học thuật, tổ chức bộ máy… các đại biểu đề nghị các điều khoản liên quan đến hội đồng trường phải rất rõ ràng để bảo đảm đây là cơ quan quyền lực nhất của trường đại học, có tiếng nói quyết định định hướng, chiến lược phát triển, các dự án đầu tư, tuyển dụng nhân sự, giảng viên…
Về vị trí, vai trò của đại học tư thục, luật cần theo hướng tiến tới không phân biệt đại học công lập, đại học tư thục. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quy định về đại học tư thục phải làm sao để các trường này có trách nhiệm với người học, với xã hội “không chấp nhận tình trạng thích thì mở trường, không thích hay khi có tranh chấp thì ngừng tuyển sinh”.
Cơ quan soạn thảo cũng đã ghi nhận ý kiến góp ý của chuyên gia như: không phân biệt “trường đại học” và “đại học” để tương thích với quốc tế; quy định viện nghiên cứu, bệnh viện được đào tạo tiến sĩ, bác sỹ chuyên khoa I, II nhưng về lâu dài cần đề cao vai trò của trường đại học đúng với hệ thống văn bằng quốc gia; các hình thức đào tạo khác tại cộng đồng, địa phương…
Quỳnh Nga (t/h)