• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xếp hạng PCI: Hà Nội vẫn trì trệ

Kinh tế 31/03/2016 13:58

(Tổ Quốc)- “Hà Nội ở vị trí như thế này (24) là thấp so với tiềm năng”, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM nhận định.

(Tổ Quốc)- “Hà Nội ở vị trí như thế này (24) là thấp so với tiềm năng”, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý TW (CIEM) nhận định.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vừa được công bố sáng 31/3. Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh/thành phố.

Điểm mạnh của Đà Nẵng gồm có sự cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, gom các cơ quan về một trung tâm, tỷ lệ doanh nghiệp không phải đi lại nhiều để lấy dấu và chữ ký tăng từ mức 67% năm 2014 lên 70% năm 2015.

Tỷ lệ cán bộ công chức làm việc hiệu quả của tỉnh này cũng tăng từ 71% lên 76%.

Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai đứng đầu khi góp mặt trong top 5, trong khi hai tỉnh "láng giềng" là Lai Châu và Hà Giang lại xếp trong nhóm 3 tỉnh có PCI thấp nhất.

TP HCM được đánh giá có năng lực cạnh tranh tốt, nằm trong top 6 với 61,36 điểm. Hà Nội xếp thứ 24, thua xa các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, tuy nhiên vẫn cao hơn Bình Dương một bậc.

Các nhà đầu tư FDI cho rằng Việt Nam hiện là môi trường tương đối an toàn để kinh doanh, khi 60% đồng ý với nhận đinh trên và 30% cho rằng Việt Nam có mức rủi ro tương đương các quốc gia khác. Hai rủi ro chính mà các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm là thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước; và những thay đổi về luật, quy định khiến lợi nhuận kinh doanh giảm sút.

Chia sẻ quan điểm về sự “trì trệ” của Thủ đô Hà Nội trong xếp hạng CPI, ông Cung cho rằng: “Hà Nội ở vị trí như thế này là thấp so với tiềm năng, dù có phát triển. Vị trí này cũng thấp so với kỳ vọng và yêu cầu về phát triển kinh tế”.

Với kết quả này, ông Cung cho rằng, Hà Nội cần phải quyết tâm hơn nữa, phải thể hiện bằng giải pháp, chỉ số và phải có động thái bằng việc tạo áp lực cho bộ máy bên trong để thực hiện cải cách.

“Cụ thể, hiệp hội doanh nghiệp ở Hà Nội, báo chí truyền thông, các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia độc lập...phải vào cuộc, họ phải được cung cấp thông tin để theo dõi về hoạt động của Hà Nội, từ đó phân tích, liên tục đánh giá một cách trung thực thông qua những hội nghị trong kỳ, chỉ ra sở này làm được, sở kia chưa làm được...

Cùng với đó, Hà Nội phải tiếp thu những gì hợp lý và sửa đổi, phấn đấu thì tôi tin Hà Nội sẽ thay đổi. Nếu cứ bình bình như bây giờ tôi tin rằng Hà Nôi chỉ ở vị trí 20 trở lên”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung nhận định thêm “nếu Thủ đô muốn tăng hạng PCI sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo của Hà Nội đồng thời kỳ vọng Hà Nội sẽ thay đổi, năng động và sáng tạo.

Đánh giá về top 10 xếp hạng PCI năm 2015, đại diện CIEM cho rằng, cần phải nhìn cả chặng đường 10 năm. Những ngày đầu Bình Dương, Đồng Nai... luôn ở top đầu của bảng xếp hạng.

“Ngày đó chúng tôi luôn phải vào các tỉnh này để tìm điểm tốt để chia sẻ. Các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Lào Cai, Vĩnh Phúc... bây giờ học được rất nhiều từ sự năng động, sáng tạo của Bình Dương, Đồng Nai... ngày trước.

Như Đại sứ Hoa Kỳ đã nói có một số đặc điểm dẫn tới thành công là: giới lãnh đạo phải năng động, sáng tạo, quyết tâm, phải có chiến lược dài hạn...Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, đối tác phát triển phải được chia sẻ thông tin để tạo áp lực cũng như khích lệ cho sự thay đổi của tỉnh đó. Những thành công của Đà Nẵng, Bình Dương... cần phải được chia sẻ và các tỉnh khác cũng cần phải học tập.

Chẳng hạn như Thanh Hoá, từ xếp hạng thứ dưới 30 đã lọt vào top 10. Một nỗ lực vượt bậc và ý nghĩa. Bởi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao giờ cũng lựa chọn các tỉnh trong top 10”, ông Cung chia sẻ thêm.

Một trong những điểm mới của báo cáo năm nay là khảo sát 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm thu thập những đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam, khả năng hấp thụ và hiệu ứng lan toả của nguồn vốn FDI tại các tỉnh, thành phố./.

Quỳnh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ