• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xiếc Việt, đắt sô ‘ngoại’ hơn ‘nội'

Văn hoá 02/05/2010 15:00

(Toquoc)-Dù tạo được dấu ấn trên biểu đồ xiếc quốc tế, nhưng xiếc Việt vẫn chưa chinh phục được sân nhà...

(Toquoc)- Ngày càng tạo được dấu ấn đáng kể trên biểu đồ xiếc quốc tế, thế nhưng, xiếc Việt vẫn chỉ chiếm vị trí khá khiêm tốn trong thị trường giải trí trong nước.

Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên đình đám của xiếc “Làng tôi”, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã trở thành đối tác quen thuộc của kỳ Festival xiếc quốc tế lẫn các công ty kinh doanh dịch vụ giải trí tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, sau chiếc HCV danh giá mà “Đu siêu nhân” giành được từ Liên hoan xiếc quốc tế Albacete – Tây Ban Nha vào tháng 2 – 2010, xiếc Việt Nam đã được nhìn nhận ở một vị thế khác. Thế nhưng, ngay tại sân nhà, xiếc nội vẫn nằm ở vị trí khiêm tốn trong thị trường giải trí phong phú ở VN.

PV báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam về nhiều vấn đề của xiếc Việt hiện nay.

- Trong lần xuất hiện tại lễ trao giải của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam mới đây, các diễn viên của Đu siêu nhân đã khiến người ta ngạc nhiên bởi ngoại hình quá đỗi giản dị và chân phương của họ. Có ý kiến cho rằng: những nghệ sỹ trẻ này rồi sẽ rời xa xiếc thôi bởi sự bạc bẽo của nghề và cả vấn đề thu nhập.

+ Nói cái nghề này bạc bẽo thì có phần đúng. Một diễn viên xiếc vào nghề lúc 10, 15 tuổi, học mất 5 năm mới thành nghề, thêm 2 – 3 năm mới tập được 1 tiết mục mà tiết mục không diễn được quá 1 năm.

Tiết mục xiếc "Làng tôi" đã để lại tiếng vang lớn tại nhiều nước trên thế giới (Ảnh cung cấp)

Nếu một ca sỹ có thể hát nhép, một diễn viên điện ảnh có thể dùng người đóng thế thì lao động của diễn viên xiếc không bao giờ có chữ “giả”. Cái mà khán giả nhìn thấy luôn là thật 100%. Thế nhưng bù đắp xã hội cho nghề xiếc không tương xứng.

1, 2 năm trở lại đây thì có khá hơn, mức thu nhập đã cao hơn, phần nào giúp diễn viên bớt khó khăn. Song, tôi khẳng định gần như không có nghệ sỹ giỏi nghề nào bỏ nghề.

Lẽ đơn giản là vì họ đã phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết ra để tập luyện nên không dễ dàng vứt đi tất cả huyết lực của mình. Bởi ngay khi từ khi quyết định theo nghề xiếc tức là họ đã có đủ niềm tin và tình yêu với nghề.

- Nhưng hẳn là những người làm xiếc ít nhiều cũng nản lòng khi khán giả thành phố ngày một thiếu mặn mà với những loại hình nghệ thuật như xiếc, kịch, tuồng, chèo…

+ Nếu nản lòng thì chúng tôi đã không có được những thành công như ngày hôm nay. Sở dĩ chúng tôi trụ lại với nghề sau nhiều biến cố thăng trầm của nghệ thuật nói chung và xiếc nói riêng là bởi chúng tôi tin rằng: cái gì đúng thì sẽ tồn tại mãi.

Xã hội càng phát triển thì trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng càng nâng cao. Trên thực tế, nghề xiếc đang dần lấy lại được vị thế trong lòng khán giả và khán giả thành phố cũng đang quay trở lại với xiếc ngày một nhiều hơn.

Có thể dẫn chứng các buổi biểu diễn vào những dịp nghỉ lễ, Tết, rạp xiếc Trung ương luôn luôn kín chỗ. Còn yêu cầu rạp xiếc phải đỏ đèn, phải thu hút đông đảo khán giả hàng tuần thì tôi e là bất khả thi.

Trong một xã hội đầy rẫy sự lựa chọn, bắt khán giả phải đến với mình là một đòi hỏi vô lý.

- Tuy nhiên, khó có thể lấy lý do khán giả có nhiều sự lựa chọn để giải thích cho việc ít “đỏ đèn”. Ông có thấy rằng đúng là rạp xiếc trung ương tại Hà Nội có tần suất biểu diễn hơi thấp không? Có khán giả còn cho rằng nội dung chương trình các tháng còn nghèo nàn, trùng lặp nhiều dẫn đến nhàm chán.

+ Một năm Bộ VHTTDL giao chỉ tiêu cho Liên đoàn xiếc là 300 buổi diễn. Thế nhưng mỗi năm chúng tôi đều làm ít nhất là 400 buổi trong nước, chưa tính các chuyến lưu diễn nước ngoài. Cơ cấu Liên đoàn chỉ có 3 đoàn biểu diễn và 1 đoàn nuôi dạy thú với biên chế diễn viên nhất định. Với số lượng ấy, chúng tôi phải phân đều về các địa phương chứ không thể chỉ tập trung ở Hà Nội.

Hơn nữa, nghề xiếc là một nghề đặc thù. Để cho ra được 1 tác phẩm, người nghệ sỹ phải sáng tạo, tập luyện ròng rã cả mấy tháng trời. Trong khi đó, kinh phí nhà nước thì có hạn. Nếu yêu cầu chúng tôi mỗi tuần phải có vở diễn mới thì không biết lấy tiền đâu ra để đầu tư, mà nghệ sỹ phải làm việc với cường độ đó thì không thể sáng tạo được.

- Ở nước ngoài, nhiều đoàn xiếc “ăn nên làm ra” nhờ hình thức biểu diễn dịch vụ. Liên đoàn xiếc Việt Nam đã áp dụng mô hình này chưa?

+ Chúng tôi đã làm việc này từ lâu. Riêng trong năm 2009, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có trên 1000 suất diễn ở nước ngoài. Có thể nói là đắt “sô” quốc tế hơn “sô” trong nước. Ở Pháp, Thái Lan, Đài Loan, điểm vui chơi giải trí du lịch nào mà có xiếc Việt Nam biểu diễn thì đặc biệt đông khách.

Xiếc Việt đang ở trong tình trạng đắt “sô” quốc tế hơn “sô” trong nước. (Ảnh cung cấp)

Sau thành công của 'Đu siêu nhân', chúng tôi càng nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn tại các Festival xiếc quốc tế, tại các hãng giải trí lớn của Mỹ như Big Apple, tại Thuỵ Điển, Hồng Kông. Đó là động lực để chúng tôi thêm tự tin khi mang Liên hoan xiếc quốc tế về Việt Nam vào tháng 8 tới.

Một điều lạ là trong khi chúng tôi liên tục được các công ty du lịch nước ngoài mời biểu diễn thì không có một đơn vị kinh doanh du lịch nào ở Việt Nam đặt vấn đề.

Tôi cho rằng khách du lịch quốc tế có nhu cầu xem xiếc Việt Nam nhưng các công ty trong nước đã không biết khai thác dịch vụ này.

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến đánh giá: thành công của ‘Đu siêu nhân’ phần nhiều do may mắn, do yếu tố lạ, chứ chưa hẳn là đặc sắc như các tiết mục của Trung Quốc, Nga, Mông Cổ… Và vì thế tiết mục này khó lặp lại danh hiệu vào kỳ Liên hoan tới khi đồng nghiệp quốc tế đã “biết” chúng ta?

+ Lạ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong thành công của một tiết mục xiếc. Và cũng phải nói thêm rằng Liên hoan xiếc Albacete tại Tây Ban Nha có tới 15 quốc gia đều là các cường quốc về xiếc tham dự. Tiết mục của Việt Nam không chỉ giành giải nhất của Ban giám khảo mà còn giành được giải thưởng Khán giả yêu thích nhất. Nếu chỉ nhờ may mắn thì e là không có được thành công đó.

Chúng tôi không lo lắng 'Đu siêu nhân' mất lợi thế “lạ” trong Liên hoan xiếc sắp tới. Bởi còn nhiều yếu tố bất ngờ mà các nghệ sỹ dành tặng cho khán giả và đồng nghiệp quốc tế sau một thời gian tập luyện nâng cao.

- Ông đánh giá thế nào về vị trí của Việt Nam trên biểu đồ xiếc thế giới?

+ Tôi không dám so sánh với các cường quốc về xiếc vì xiếc chuyên nghiệp của Việt Nam mới có 50 năm phát triển. Nhưng trong khu vực Đông Nam Á, thì xiếc Việt Nam đứng đầu.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ