• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xin chữ đầu năm: Giữ lấy những giá trị truyền thống

17/02/2018 14:29

(Cinet)- Với sự phát triển của xã hội, tục xin chữ đầu năm đã bị biến tướng ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó, nhưng dù có đổi thay thì đây vẫn là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được gìn giữ và phát huy.

(Cinet)- Với sự phát triển của xã hội, tục xin chữ đầu năm đã bị biến tướng ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó, nhưng dù có đổi thay thì đây vẫn là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được gìn giữ và phát huy.

  Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

 Phong tục đẹp ngày Tết

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Nhắc đến những câu thơ này hẳn ai cũng nghĩ về phong tục xin chữ đầu năm, một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Cùng việc khai bút đầu xuân, tục xin chữ thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức cũng là mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng. Đối với người Việt Nam từ bao đời nay, cứ vào đêm giao thừa hoặc mồng một Tết là đi lễ chùa để cầu bình an, mồng hai là đi xin chữ. Nhưng những năm gần đây, việc đi xin chữ thường không cố định vào mồng hai mà có thể kéo dài từ đêm giao thừa cho đến ngoài rằm Nguyên Tiêu. Theo nhiều chuyên gia, từ xưa, việc xin chữ treo trong nhà đầu năm mới là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình. Treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới.

Ông đồ bên giấy đỏ, mực Tàu hàn huyên cùng người xin chữ.

 Để hiểu hơn về phong tục này, chúng tôi đã tìm đến gặp thầy Lê Trung Kiên, người sáng lập và trực tiếp giảng dạy tại Nhân Mỹ học đường (Một cơ sở đào tạo Hán Nôm và Thư pháp) để được sống lại trong không khí xin chữ đầu xuân của những thập niên trước đây. Thầy Kiên kể lại, vào những năm 2000, thầy cùng những người bạn của mình coi việc viết chữ là một thú vui thanh cao, không hề có ý niệm về việc viết chữ kiếm tiền. Thế nên, trong khoảng thời gian đó khi có một số đơn vị đứng ra tổ chức hoạt động kinh doanh qua hình thức viết chữ, đã mời các Thầy về viết chữ, sau đó bán giấy cho ai có nhu cầu xin chữ. Thế nhưng hoạt động này diễn ra không lâu, vì các thầy không tham gia nữa. Bởi như thầy Kiên nói “Dân chữ nghĩa không thích làm thuê cho ai”. Sau lần đó, thầy Kiên cùng với những người bạn của mình tự lên phố Hàng Cót mua giấy về tự viết. Những chữ các thầy viết treo trong nhà của một người bạn trên phố Văn Miếu. Ai muốn xin chữ về treo thì tùy tâm gửi tiền các thầy, chứ không có giá cụ thể. Bởi với các thầy, mục đích lúc đó chỉ duy trì một thú chơi riêng, đồng thời cổ động, hô hào cho một nét đẹp văn hóa được sống dậy.

  Thầy Lê Trung Kiên uốn lượn từng nét chữ.

 Cho đến năm 2004, thầy Kiên là một trong những người tổ chức hoạt động cho chữ như một cái nếp trong không gian của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hoạt động đó vẫn diễn ra vào mỗi dịp đầu năm cho đến tận bây giờ. Theo lời kể của thầy Kiên, trước đây, người đến xin chữ ở trong một tâm thế “an nhiên” tức là không hề tính toán xin chữ gì cụ thể mà ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó. Cứ thế, người cho chữ cũng được thỏa lòng khi chữ viết ra được trân quý, được hưởng thức trọn vẹn. Như vậy có thể thấy, hoạt động xin chữ trước đây thuần túy là một hoạt động văn hóa, tôn sùng trí tuệ, nhân cách. Người cho chữ là người có nét đẹp tài hoa, được kính trọng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, tục xin chữ đầu năm đang dần bị biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó. Nhưng dù có đổi thay thì đây vẫn là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được gìn giữ và phát huy.

Gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống

Nếu trước đây, người cho chữ cần phải có kiến thức chuyên sâu về thư pháp, nghĩa là phải có nội hàm về tư tưởng và thuần túy về nội dung. Người viết chữ không chỉ rèn luyện bản thân, mà cần phải tài hoa khéo léo. Hiện nay, bên cạnh những ông đồ am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết ra, có "thần", "lực", “khí” trong nét bút, cũng không hiếm có những ông đồ xem việc viết chữ như một cách kinh doanh kiếm tiền. Theo thầy Lê Trung Kiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường hoạt động xin chữ không còn thuần túy mang giá trị văn hóa nữa, có những thầy đồ đem cả yếu tố phong thủy vào màu giấy viết để thu hút khách. Điều đó hoàn toàn không phải là bản chất của thư pháp, mà đó là một dạng biến tướng. Nhưng theo thầy Kiên, xét đến cùng đó cũng chỉ là nhu cầu chính đáng của cuộc sống. Tuy nhiên thầy Kiên cho rằng, nếu những ai coi việc viết chữ là “cần câu cơm” thì bản thân cũng cần phải rèn luyện để xứng đáng là người trao niềm tin tinh thần cho mọi người.

Từng nét chữ là phương tiện rèn rũa con người

 Bên cạnh sự lệch lạc từ phía người cho chữ, chúng ta cần phải nhìn cả phía người xin chữ. Nếu trước đây, người đến xin chữ dựa và giá trị tự thân của chữ, thì ngày ngày nay người xin chữ tìm đến thầy đồ như một sự cầu tìm những giá trị cụ thể trong xã hội vật chất, bằng cấp...thậm chí xin chữ còn là giải pháp cho sự bế tắc khi họ kinh doanh thua lỗ đến xin chữ để được “thuận buồm xuôi gió”, cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn con cái cũng đến xin chữ...Trong hoàn cảnh đó, người xin chữ là người ra đề, còn người cho chữ là người giải đề. Từ những quan niệm đó đã vô hình chúng biến tục xin chữ thành mê tín dị đoan. Cũng theo thầy Lê Trung Kiên, đâu đó vẫn còn những người đến xin chữ một cách thuần túy, ông đồ cho chữ nào thì nhận chữ đó. Điều đó, đã gián tiếp đẩy người cho chữ lên một vị trí cao, người cho chữ được quay về với giá trị nguyên thủy vốn có.

  Xin chữ một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của người Việt.

 Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa. Cứ mỗi độ, Tết đến, xuân về hình ảnh những ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ” lại hiện diện trong không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám, hay trong những ngôi đình chùa... Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của ngày Tết, của sự may mắn trong ngày đầu năm mới.

Tết đã về. Một năm mới lại đến. Người người lại rủ nhau đi xin chữ cầu may đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, mọi người vẫn nhớ tới nét đẹp văn hóa này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc xin chữ và cho chữ cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này.

 

Hồng Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ