(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, một số tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai… xuất hiện tình trạng ném đá, thản nhiên ngồi ăn uống, dàn hàng ngang chụp ảnh… gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nạn ném đá tàu hỏa cách đây hàng chục năm đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc và đã bị lên án mạnh mẽ. Bởi hành vi vô ý thức này đã khiến những chuyến tàu không an toàn, gây nguy hiểm cho người đi tàu. Nhiều vụ ném đá tàu hỏa đã bị phạt, bị dư luận lên án mạnh mẽ, vậy nhưng câu chuyện mấy chục năm về trước tưởng đã khép lại lại tái diễn với mức độ đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn khi xảy ra ở đường cao tốc.
Nhóm thanh niên dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc đã được công an mời lên làm việc. Ảnh FB.
Không chỉ ném đá trên đường cao tốc mà một số người còn biến "đường cao tốc" trở thành nơi "tự sướng", thỏa mãn cá nhân khi ngồi ăn, dàn hàng ngang chụp ảnh rồi hào hứng khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Đây là những hành vi coi thường luật giao thông, coi thường tính mạng của chính bản thân và người tham gia giao thông xung quanh. Thật khó tưởng tượng nếu có va chạm giao thông xảy ra thì phút "tự sướng" có đáng để đánh đổi?
Đường cao tốc – đúng như tên gọi của con đường, phải đảm bảo những yếu tố kỹ thuật khắt khe để tạo độ an toàn cho các phương tiện giao thông chạy với tốc độ cao hơn (theo quy định) so với những con đường thông thường khác. Vốn dĩ đường cao tốc cho phép dòng lưu thông không bị cản trở, không có xung đột khi chạy xe theo một chiều nhất định. Ngay cả các tuyến đường bộ hay đường sắt khi giao cắt với đường ô tô cao tốc phải đi khác làn, hoặc là xuống dưới hay vượt lên trên con đường này. Trên đường cao tốc, hai chiều lưu thông được tách ra bằng dải phân cách ở giữa, có thể là cây hoặc bê tông... Bởi vậy xe lưu thông thường đạt vận tốc cao ở mức cho phép. Hơn nữa, tâm lý tài xế trên cao tốc không thể lường trước được để đề phòng những hành vi cố tình ném đá, ngồi ăn hay dàn hàng chụp ảnh như ở các tuyến đường khác. Điều này tiền ẩn nguy cơ lớn về tai nạn, rủi ro.
Nỗi đau mang tên "tai nạn giao thông" nhiều năm trở lại đây đã và đang là vấn đề nhức nhối, là bài toán đau đầu, đầy nước mắt của mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Mỗi ngày, khắp các ngả đường mưu sinh ở các tỉnh, thành trên cả nước lại có hàng chục người không thể trở về nhà, hàng chục người phải ở lại bệnh viện điều trị. Hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông ám ảnh và đáng sợ đến nỗi mỗi khi nhận được tin người thân gắn liền với cụm từ "tai nạn giao thông" dù chưa biết nặng hay nhẹ đã khiến người ta lặng người đi, lo sợ đến thắt tim lại và không đủ bình tĩnh.
Chúng ta thường cho rằng tiền bạc, thời gian và mạng sống là một trong những thứ giá trị của đời người. Nếu xếp theo thứ tự thì mất tiền bạc là thứ mất ít nhất, mất thời gian là thứ mất nhiều và mất tính mạng là mất tất cả. Vậy nhưng, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì trong một vài tích tắc có thể cướp đi cùng lúc những thứ giá trị kia của con người.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông chúng ta thường đi tìm nguyên nhân nhằm khắc phục. Thế nhưng trong biết bao nguyên nhân của tai nạn giao thông được liệt kê ra lại có cả nguyên nhân ý thức con người. Chúng ta thừa hiểu hậu quả của tai nạn giao thông nhưng một số người vẫn có những hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến tai nạn xảy ra. Những hành vi gây cản trở giao thông, từ đường cao tốc, đến đường dân sinh, từ ném đá, ngồi ăn uống trên đường, dàn hàng ngang chụp ảnh hay dựng rạp đám cưới trên đường… đều là sự coi thường tính mạng, đánh cược tính mạng. Đây hoàn toàn là do lỗi con người và không có cách nào khác, chính con người phải tự nhìn lại, tự vấn bản thân để chấm dứt những hành vi nguy hiểm, thiếu ý thức, coi thường này.
Gia đình "mở tiệc" trên cao tốc bị phạt 5,5 triệu đồng và thu bằng 2 tháng. Ảnh: FB
Tham gia giao thông vốn đã tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nếu cộng thêm ý thức tồi của con người thì vô cùng đáng sợ. Đã đến lúc người dân phải ý thức và hiểu rõ bản chất của đường đi, không thể tùy tiện, tùy hứng biến biến một góc đường nào để thỏa mãn, phục vụ nhu cầu cá nhân. Và cũng xin đừng đưa ra một sự bào chữa nào cho sự chiếm dụng đường vào mục đích cá nhân, bởi không chỉ tính mạng của chính họ mà còn cả của những người xung quanh đang bị đe dọa.
Thiết nghĩ, những hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cần phải được cộng đồng lên án mạnh mẽ, đồng thời cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời cùng với những hình phạt thật nặng, đủ sức răn đe để không tái phạm. Bởi nếu không, bất kỳ một sự dung túng nào cũng có thể dung dưỡng cho những biến tướng xảy ra mà chúng ta khó có thể lường trước hậu quả.