• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xóa bỏ định kiến Thể dục là môn phụ, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho giáo viên

Giáo dục 28/11/2020 14:45

(Tổ Quốc) - Trước thực trạng học sinh, phụ huynh coi nhẹ giáo dục thể chất, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021, trong đó, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của môn học này đối với quá trình phát triển của học sinh.

Trao đổi tại buổi giao lưu với chủ đề "Giáo dục thể chất: Xóa định kiến môn phụ" do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết, hoạt động rèn luyện thể chất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển của mỗi con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Thể hiện ở các mặt: Góp phần giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc phù hợp với độ tuổi, giới tính và đặc điểm sức khỏe cá nhân của từng học sinh. Tạo dựng cơ sở cho sự phát triển năng lực thể chất toàn diện, hoàn thiện hình thái, củng cố sức khỏe và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo vận động.

Rèn luyện thể chất giúp phát triển thể lực toàn diện, các kỹ năng vận động cơ bản và các năng lực vận động cốt lõi: Năng lực tự động, sáng tạo; năng lực giao tiếp ứng xử; năng lực thể lực (sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo); năng lực phối hợp vận động; năng lực vượt chướng ngại vật; năng lực phòng chống đuối nước; năng lực thích ứng với môi trường xã hội... Trên cơ sở đó giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, hình thành văn hóa thể chất cá nhân và xây dựng lối sống lành mạnh.

Trong hệ thống giáo dục, giáo dục thể chất được gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Giáo dục thể chất là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trong nhà trường. Đây chính là đặc trưng cơ bản của giáo dục thể chất trong nhà trường.

Chính vì vậy, "giáo viên thể dục trong trường học ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giáo viên nói chung còn cần có thêm kiến thức và phương pháp sư phạm về giảng dạy, hướng dẫn tập luyện các môn thể thao phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi cho học sinh; phải thực sự yêu và tự hào về nghề nghiệp của mình", ông Minh khẳng định.

Xóa bỏ định kiến Thể dục là môn phụ, Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho giáo viên - Ảnh 1.

Ảnh: Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao

Ông Minh cũng chia sẻ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trường học là môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi hoạt động giáo dục thể chất của trẻ em. Đặc biệt các trường ở cấp học tiểu học và trung học cơ sở là môi trường lý tưởng để khuyến khích tính tích cực và thói quen tập luyện hướng đến một lối sống năng động cho học sinh. Những lợi ích của công tác giáo dục thể chất ở những năm học tiểu học và trung học cơ sở có tác động lâu dài.

Để môn học thể dục có thêm cơ hội khẳng định được vai trò của mình, Ban Giám hiệu các nhà trường cần chủ động và quyết liệt hơn đối với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong khả năng và điều kiện của trường, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa theo sở thích, tạo sự yêu thích, khích lệ tinh thần hăng say luyện tập TDTT của các em.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Cục trưởng cho rằng, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến "thể dục là môn phụ". Gia đình có thể giúp con em mình nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện và nâng cao thể lực, tầm vóc thông qua các hoạt động TDTT, trả các chi phí cần thiết cho hoạt động giáo dục và rèn luyện thể chất của con em mình và động viên, khuyến khích con em mình tích cực tham gia các hoạt động TDTT.

Thông tin thêm về việc phát triển phong trào TDTT trong trường học, thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, xây dựng kế hoạch đưa các môn thể thao vào trường học, phối hợp tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho giáo viên, giảng viên TDTT.

Song song với đó, Tổng cục sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao trong trường học, triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng GDTC, hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa cho học sinh. Chỉ đạo các cơ sở thể thao công lập thuộc sự quản lý của Ngành tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định về miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ theo quy định.

Trước thực tế hiện nay, không ít giáo viên thể dục còn tâm lý ỷ lại, không có ý thức tìm tòi, đổi mới phương thức truyền tải nội dung giảng dạy cho học sinh, ông Minh cho rằng, để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với môn học, trước hết giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt để truyền được cảm hứng cho học sinh. Điều này quyết định đến việc yêu thích của học sinh đối với môn học giáo dục thể chất, để cho người học cảm thấy hứng thú trong giờ học.

Giáo viên thể dục cần sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích việc kết với âm nhạc phù hợp làm "nền" tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn, các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tổ chức các giờ học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa sinh động và hiệu quả.

Phó Tổng Cục trưởng chia sẻ, để thực hiện các mục tiêu giáo dục thể chất cho học sinh, Ngành TDTT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai đề án, kế hoạch phát triển các môn thể thao trong nhà trường. Đồng thời hỗ trợ đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ TDTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

Ngành đã phối hợp hướng dẫn các cơ sở giáo dục, trường học bám sát mục tiêu, nội dung, yêu cầu chương trình để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động GDTC, hoạt động thể thao trường học một cách linh hoạt, phong phú, hấp dẫn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với độ tuổi, thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy, người học, nâng cao chất lượng, hiệu quả môn GDTC.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ