(Tổ Quốc) - Sau khi có kết luận giám sát của HĐND TP Đà Nẵng về việc một số mô hình phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) tự ý hoạt động du lịch trên đất nông nghiệp là chưa phù hợp, các điểm du lịch này bày tỏ mong muốn được hướng dẫn để bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Hai ngày đầu tuần, điểm du lịch sinh thái Yên Retreat (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vắng du khách. Cổng vào điểm du lịch này được khóa, chỉ nêm yết số điện thoại để ai cần thì liên hệ.
"Ở đây cuối tuần mới có khách đến vui chơi, chụp ảnh, trải nghiệm. Ngày thường hầu như không có khách", một nhân viên bảo vệ Yên Retreat cho biết.
Tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương
Yên Retreat là một trong những điểm du lịch sinh thái trên địa bàn xã Hòa Bắc hoạt động trái phép, theo kết luận giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng. Theo Ban này, một số điểm du lịch sinh thái tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp để phục vụ việc tổ chức sinh hoạt, vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú… là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo quan sát, Yên Retreat hiện có khoảng 10 lều ngủ được dựng bằng sạp gỗ và bạt trên thảm cỏ; ngoài ra còn có một số tiểu cảnh nhỏ như cánh cửa gỗ, bàn ghế gỗ để du khách check-in…
Từ ngày có nhiều khách du lịch đến Yên Retreat, những người bán buôn bán nhỏ lẻ như nước mía, khoai, sắn… gần đó cũng có thêm thu nhập. "Trước khi có Yên Retreat, gia đình tôi sống dựa vào việc vườn rau, cây ăn trái. Khoảng hơn 2 năm nay, Yên Retreat thu hút đông khách vào dịp cuối tuần và những ngày lễ, mức sống của gia đình tôi cũng được nâng lên", người bán nước mía chia sẻ.
Ông Bùi Đức Vũ, chủ khu Yên Retreat cho biết, mô hình du lịch sinh thái này được triển khai từ năm 2018 và là đơn vị đầu tiên làm mô hình du lịch sinh thái kết hợp cắm trại, dã ngoại ở xã Hòa Bắc. Ông Vũ đã mua lại đất nông nghiệp bỏ hoang của người dân vào năm 2013.
"Thời điểm đó, lãnh đạo huyện Hòa Vang tạo điều kiện và hỗ trợ chúng tôi làm điểm du lịch sinh thái với điều kiện phải bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Bản thân chúng tôi cũng ý thức được điều này, nếu mình phá hoại cảnh quan môi trường thì "tự mình giết mình". Chúng tôi chỉ dựng một số ghế gỗ, một số tiểu cảnh để khách check-in và một số lều ngủ. Còn lại không xây dựng một công trình nào và đón không quá 50 du khách", ông Vũ nói.
Ông Vũ bày tỏ mong muốn thành phố cũng như ngành chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ phát triển, qua đó giúp người dân địa phương có công ăn việc làm, nâng cao mức sống.
"Chúng tôi nhận sai về mặt pháp luật và mong muốn thành phố cũng như địa phương cùng ngành chức năng tạo điều kiện cho các điểm du lịch; cần có bảng quy chuẩn để tất cả làm theo bảng quy chuẩn đó", ông Vũ chia sẻ.
Ngoài Yên Retreat, một số điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn xã Hòa Bắc còn có Heart Organic Farm, Làng Coco, Làng Mê… có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần núi rừng, sông nước. Song, những điểm này đều bị Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng "điểm mặt" là hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp.
Là một trong những du khách từng đến Làng Mê, chị Thanh Nga (46 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, càng ngày xu hướng du lịch tìm về thiên nhiên sẽ càng phát triển và những điểm có cảnh quan như Hòa Bắc được du khách lựa chọn. "Nông nghiệp sinh thái ở Hòa Bắc gắn với các vườn rau, cây ăn trái, ruộng đồng, chuồng trại, cảnh quan núi rừng... Tôi nghĩ rằng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng sẽ là chiến lược làm du lịch bền vững trong tương lai".
Chị Hoàng My (32 tuổi, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đến Yên Retreat tham quan, trải nghiệm, check-in chia sẻ: "Kỳ nghỉ vừa qua, mình cùng nhóm bạn trải nghiệm tại khu sinh thái Yên Retreat. Khung cảnh nơi đây rất đẹp, không khí trong lành. Mình rất thích du lịch tìm về thiên nhiên. Tuy nhiên, các điểm du lịch sinh thái tại Hòa Bắc cần cân đối lại giá cả và lưu ý khâu vệ sinh hơn nữa".
Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng phát triển du lịch là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành.
"Hòa Vang là huyện nông nghiệp, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu, trong mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ. Phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch", ông Tân cho hay.
Cũng theo ông Tân, huyện Hòa Vang hiện nắm giữ nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Hiện nay, nguồn khách du lịch đến Hòa Vang ngày càng gia tăng (riêng dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua ước đạt hơn 12.000 khách). Nếu tổ chức, sắp xếp tốt thì đây là nguồn lợi lớn và là sinh kế mới cho người dân nông thôn. Do đó, Phòng Văn hóa - Thông tin quyết tâm tham mưu UBND huyện thực hiện tốt việc khai thác lợi thế nông nghiệp, nông thôn để phát triển du lịch với các bước đi phù hợp, đúng các quy định hiện nay.
Còn theo ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, trước đây, huyện đã chủ động xây dựng Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang (gọi tắt là Nghị quyết 82).
Ông Tôn xác nhận các điểm du lịch sinh thái chỉ lắp dựng các lều, chứ không xây dựng bê-tông. Thời gian tới, UBND huyện sẽ hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Được biết, Nghị quyết 82 xác định thời gian thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang từ năm 2022-2025, áp dụng cho không quá 15 mô hình. Mỗi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện không quá 1 mô hình; ưu tiên các tổ chức, cá nhân là người địa phương và các mô hình kết hợp nhiều loại hình sản xuất.
Việc thực hiện thí điểm phải tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên; không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng; không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng; không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp; không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng; các hạng mục cơ sở vật chất được lắp dựng phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.
Mô hình thí điểm không được cung cấp dịch vụ lưu trú; không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thí điểm thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng…