• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xu hướng số hóa sẽ thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng

Kinh tế 15/04/2021 09:47

(Tổ Quốc) - Số hóa hoạt động cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các công ty tài chính giảm chi phí hoạt động mà còn gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong xu hướng bùng nổ của công nghệ, các công ty tài chính cũng phải chuyển mình, tập trung đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số để tạo lợi thế riêng cho mình. Đặc biệt, tại Việt Nam, từ tháng 3/2021, các tổ chức ngân hàng, tín dụng trong đó có công ty tài chính được chính thức triển khai định danh điện tử (eKYC) cho khách hàng.

Xu hướng: Số hóa sẽ thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng - Ảnh 1.

Trong xu hướng phát triển tín dụng tiêu dùng năm 2021, các chuyên gia cho rằng số hóa sẽ là một yếu tố quan trọng. Theo TS Huỳnh Trung Minh, các công ty tài chính sẽ phải áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay nhiều hơn để thẩm định, phê duyệt nhanh chóng các khoản vay và hạn chế thấp nhất rủi ro nợ xấu.

"Đơn giản hóa thủ tục như chỉ cần hộ khẩu, CMND/CCCD, bằng lái xe… là khách hàng có thể vay trả góp, vay tiền mặt, mở thẻ tín dụng, đổi lại công nghệ sẽ giúp công ty tài chính thẩm định, phê duyệt hồ sơ nhanh hơn. Ngay việc nhắc nợ tự động bằng SMS cũng giúp khách hàng trả nợ đúng hạn. Sử dụng công nghệ có thể giảm chi phí hoạt động của công ty tài chính" – TS Huỳnh Trung Minh nói.

Ghi nhận từ nhiều ngân hàng và công ty tài chính, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đóng vai trò quyết định đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt từ khi có dịch Covid-19, sức ép chuyển đổi số với ngành tài chính ngân hàng càng nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch qua kênh online, thanh toán không tiếp xúc của khách hàng…

Như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới SmartBanking trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. Đây là một bước đi lớn trong chiến lược chuyển đổi số tập nhằm trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số từ năm 2012 đến nay. Năm 2020, loạt sản phẩm thẻ hoàn toàn trực tuyến từ thẻ thanh toán cho đến thẻ tín dụng được VIB triển khai giúp ngân hàng này tiết kiệm 10% chi phí vận hành từ giao dịch trực tiếp (offline) sang giao dịch trực tuyến (online)…

Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE CREDIT – một công ty đã có thâm niên 10 năm tại thị trường này ở Việt Nam đã tối ưu hóa chi phí thông qua việc tăng tốc triển khai công nghệ tiên tiến như Chữ ký điện tử, Trí tuệ nhân tạo trong hầu hết quy trình cho vay và chăm sóc khách hàng.

Từ năm 2018, FE CREDIT đã đi đầu trong việc triển khai thành công nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên "$NAP". Ứng dụng này được lập trình hoàn toàn tự động, dựa trên những công nghệ tiến tiến nhất của giải pháp định danh điện tử eKYC nhằm đảm bảo sự chính xác, tiết kiệm thời gian và tính bảo mật của quy trình thẩm định hồ sơ vay.

Cùng với đó, FE CREDIT tiếp tục hoàn thiện ứng dụng số FE CREDIT Mobile trên nền tảng thiết bị di động. Khách hàng có thể dễ dàng quản lý khoản vay hoặc thẻ tín dụng, thực hiện các giao dịch thường nhật như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán khoản vay, mua vé xem phim, mua vé tàu, xe và xác định vị trí các máy ATM hay chi nhánh VNPost gần nhất…

Cho đến hiện tại, FE CREDIT đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP. Đây là một phần của chiến lược số hóa mà công ty này triển khai thời gian qua, và bước đầu đã đem lại hiệu quả trong việc cải thiện và nâng cao những trải nghiệm của khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận được khoản vay một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, số hóa còn giúp tiết giảm chi phí hoạt động và gia tăng số lượng, mở rộng tập khách hàng tiếp cận. Khi chi phí đầu vào giảm, công ty tài chính cũng có cơ hội giảm thêm lãi suất để cạnh tranh với các loại hình cho vay khác. Bởi các công ty tài chính muốn thu hút khách hàng, ngoài cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự tiện lợi, cũng cần cạnh tranh bằng lãi suất…

Cho vay tiêu dùng được dự báo sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển trở lại.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, phân tích cho vay tiêu dùng là thị trường luôn có nhu cầu và còn nhiều dư địa ở Việt Nam. Trong đó, phân khúc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn nhiều tiềm năng phát triển. "Với mức thu nhập của người dân từ khoảng 5-10 triệu đồng, việc mua sắm cho những sản phẩm điện tử, điện thoại, xe máy, hàng công nghệ… sẽ không phải quá khó khăn. Và điều này giúp phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phát triển trở lại" – TS Huỳnh Trung Minh nói.

Đồng quan điểm này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng cho vay tiêu dùng cá nhân là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng và luôn có nhu cầu ở Việt Nam. Nếu ngân hàng thương mại cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân ở phân khúc cao hơn, thì các công ty tài chính lại còn nhiều dư địa phát triển với nhóm khách hàng thu nhập thấp, trung bình, chi tiêu cho các khoản vay từ khoảng 50 triệu đồng trở xuống. Mức lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính cũng đã giảm nhiều thời gian qua, cũng là yếu tố thúc đẩy phân khúc này hấp dẫn hơn với khách hàng. Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng là một trong những giải pháp được ưu tiên đẩy mạnh trong cuộc chiến hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen thời gian qua.

Trong bối cảnh này, nếu các công ty tài chính hoạt động minh bạch, đầu tư vào công nghệ, phát triển theo hướng ngày càng bền vững sẽ có chỗ đứng và gia tăng thị phần trên thị trường.

Nguyễn Văn

NỔI BẬT TRANG CHỦ