(Tổ Quốc) - Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, truyên truyền sâu rộng, thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến lễ hội. Tuyên truyền vận động Nhân dân thay đổi quan niệm về đốt đồ mã, vàng mã để bảo đảm an toàn, tiết kiệm, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, tín ngưỡng của Nhân dân.
Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cụ thể: Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, xô đẩy, các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin… diễn ra trong lễ hội. Bố trí khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không bày bán động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đảm bảo thu gom rác thải kịp thời, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội. Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông và thu phí trông giữ phương tiện đúng quy định của tỉnh; có phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn cho Nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.
Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội và du khách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ban Quản lý Di tích, Ban Tổ chức lễ hội cần có phương án quản lý, đặt hòm công đức theo đúng quy định; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
UBND tỉnh Giao Sở VHTTDL chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động lễ hội tại các địa phương. Phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định./.