(Tổ Quốc) - Theo luật sư, để xác định nguyên nhân cháu bé tử vong, cần thiết phải khám nghiệm tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân chết sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của Pháp luật.
Liên quan đến vụ việc bé trai 22 tháng tuổi tử vong ở phòng khám tư, ngày 18/10 chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Phòng khám nơi xảy ra vụ việc.
Cùng ngày, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, phòng khám xảy ra vụ việc hoạt động quá phạm vi, không được phép truyền dịch.
"Phòng khám có con người, phương tiện kỹ thuật và được người đứng đầu ngành đồng ý cho truyền dịch hay không mới được phép chứ không phải phòng khám nào cũng được truyền dịch. Trong trường hợp trên phòng khám của bác sĩ Cúc không được phép truyền dịch", vị đại diện này nhấn mạnh.
Người nhà nạn nhân đau buồn, yêu cầu làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định việc phòng khám của BS Nguyễn Thị Kim Cúc tiến hành truyền dịch cho cháu bé 22 tháng tuổi dẫn đến tử vong là hoạt động sai trái, không đúng với quy định của sở Y tế Hà Nội.
Để xác định nguyên nhân cháu bé bị tử vong, cần thiết phải khám nghiệm tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân chết sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của Pháp luật.
Nếu trường hợp cháu bé tử vong do bệnh lý nặng mắc phải mà không có liên quan đến việc truyền dịch của bác sỹ phòng khám gây ra thì không có lỗi.
Nếu trường hợp, nguyên nhân cháu bé tử vong là do sốc, dị ứng dịch hoặc các biến chứng khác do truyền dịch gây ra thì bác sỹ phòng khám sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, Khoản 1 Điều 315 Bộ luật hình sự 2015. Hình phạt có thể lên đến 5 năm tù.
Trước đó, chiều 16/10, bệnh nhi N.G.B. (sinh 1/12/2016, trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được bố mẹ đưa tới Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP. Hà Nội) để thăm khám vì triệu chứng sốt, tiêu chảy.
Sau khi thăm khám, chính bác sĩ Cúc là người trực tiếp truyền dịch (loại Ringer lactat) cho bệnh nhi B. Tuy nhiên, sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện biểu hiện bất thường, tím tái.
Mặc dù bác sĩ Cúc lập tức rút kim truyền và nhanh chóng cùng gia đình đưa bệnh nhi đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng bé B. đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm, không phản xạ ánh sáng.
Sau hơn 20 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhi được chẩn đoán thiệt mạng trước khi tới viện.
Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.