(Tổ Quốc)-WTO hạ mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 2,2%; hoạt động thương mại còn tăng thấp hơn nữa.
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những “cơn gió ngược” từ các nền kinh tế phát triển, khi bất bình đảng xã hội, sự chênh lệch về thu nhập và tăng trưởng ì ạch ở các nền kinh tế này đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Mặc dù số liệu việc làm khá tốt, các nền kinh tế phát triển vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 27/9 đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc cần khắc phục một số bất cập trong hệ thống tài chính của mình để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới.
![]() |
Một số chuyên gia tin rằng các nền kinh tế phát triển khó có thể đóng vai trò là động lực chính của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của các nền kinh tế này không thể bị đánh giá thấp, nhất là nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa cho biết, năm 2016 dự kiến là năm chứng kiến tăng trưởng thương mại và sản lượng kinh tế thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009.
WTO vừa hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm 2016 xuống còn 1,7% (từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra hồi tháng 4/2016). Đây cũng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, hoạt động thương mại thế giới tăng thấp hơn nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới.
WTO cũng hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017 xuống còn 1,8-3,1%, so với dự báo tăng 3,6% trước đó. Theo WTO, sự sụt giảm kể trên đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc , Brazil và khu vực Bắc Mỹ.
Nhiều yếu tố không chắc chắn đang tác động đến triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm nay và năm sau như biến động về tài chính do thay đổi chính sách tiền tệ ở các nước phát triển hay tác động xấu từ Brexit.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngóc đầu dậy
Một yếu tố quan trọng tác động tới thương mại toàn cầu, đó là xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước. Trong báo cáo gần đây, Tổng Giám đốc WTO Azevedo đã cảnh báo các nước thành viên cần tránh thiết lập các rào cản thương mại và phải thúc đẩy thương mại nhằm đối phó với sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới.
Ngày 21/9, trong dịp dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã điều hành Buổi tọa đàm về thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 bên lề Phiên họp Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường nói, hiện nay kinh tế toàn cầu vừa đứng trước vấn đề thiếu tổng cầu, cũng đứng trước mâu thuẫn kết cấu nổi cộm.
Trước xu thế đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngóc đầu dậy xuất hiện trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các thành viên cộng đồng quốc tế kiên định thúc đẩy toàn cầu hóa, “không nên vì nghẹn mà bỏ ăn”.
Theo báo cáo của Ngân hàng ADB, rủi ro đối với triển vọng của khu vực châu Á liên quan đến khả năng Mỹ tăng lãi suất, điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy vốn. Ngân hàng này cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về bất cứ động thái nào ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cho rằng điều này sẽ chỉ làm yếu đi đà hồi phục của nền kinh tế.
Ông Rogoff, Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Havard, bày tỏ lo ngại về chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay đang theo đuổi, đó là việc in và phát tiền của các ngân hàng. Tại châu Âu, các ngân hàng trung ương đang mua một phần lớn các khoản nợ xấu, tình trạng này cũng diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Về lâu dài việc làm này sẽ khiến các ngân hàng trung ương mất dần sự độc lập của họ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm đe dọa kinh tế toàn cầu
Theo ông Kenneth Rogoff, nhà cựu kinh tế trưởng của IMF, tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc thực sự là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trả lời BBC, ông Rogoff cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực của Trung Quốc thấp hơn so với con số chính thức mà Trung Quốc đưa ra, và bày tỏ lo ngại vấn đề nợ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ủy ban Chính sách Tài chính thuộc Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng tỷ lệ trên của Trung Quốc là “rất cao theo những chuẩn mực quốc tế”. Điều này cũng sẽ là một phép thử đối với các ngân hàng của Anh: Các ngân hàng của Anh hiện cho các doanh nghiệp của Trung Quốc vay khoảng 530 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng tài sản nằm ở nước ngoài của các ngân hàng Anh.
IMF còn cảnh báo chống lại các chính sách bảo hộ mậu dịch, cho rằng việc các nước áp dụng chính sách chống lại các ngành công nghiệp Trung Quốc sản xuất dư thừa có thể dẫn tới việc các nước nâng cao các hàng rào mậu dịch để bảo vệ sản xuất nội địa. Báo cáo của IMF ngày 27/9 cho rằng, “các biện pháp bảo hộ mậu dịch không nhất thiết là sự phản ứng đối với các hiện tượng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc, nhưng chúng có thể đóng vai trò nhất định làm tăng căng thẳng thương mại toàn cầu trong những năm gần đây và có thể tác động đến tình hình trong dài hạn”./.
Linh Hương (Theo Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng và TTXVN)