(Cinet) - Được mệnh danh là “Ông hoàng của những bản thơ tình”, Xuân Diệu luôn thắp lên ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn những người yêu thơ ca Việt Nam. Những đóng góp và cống hiến của ông cho nền văn học và văn hóa dân tộc đã trở thành một gia tài vô giá, tiếp bước cho các thế hệ ngòi bút trẻ noi theo.
Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học sáng chói, là đại diện tiêu biểu cho các thế hệ nhà thơ Việt Nam (nguồn: internet) |
(Cinet) - Được mệnh danh là “Ông hoàng của những bản thơ tình”, Xuân Diệu luôn thắp lên ngọn lửa bùng cháy trong tâm hồn những người yêu thơ ca Việt Nam. Những đóng góp và cống hiến của ông cho nền văn học và văn hóa dân tộc đã trở thành một gia tài vô giá, tiếp bước cho các thế hệ ngòi bút trẻ noi theo.
Thành công từ những đam mê và tình yêu nghệ thuật
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Ông nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Suốt hơn một nửa thế kỷ lao động miệt mài và nghiêm túc, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học sáng chói, là đại diện tiêu biểu cho các thế hệ nhà thơ Việt Nam.
Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Cái tôi Xuân Diệu được giải phóng khỏi mọi rào cản xã hội để được giao cảm với đời, với người, “Ta là Một, là Riêng là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta/ Bởi ghen trời, ta ngạo nghễ xông pha / Lên vút thẳm, đứng trên nghìn đỉnh núi!” (*). Để từ đó, từ một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới lãng mạn, Xuân Diệu đã trở thành nhà thơ lớn của văn học cách mạng, được phát huy năng khiếu của mình trên nhiều thể loại: bút ký, tuỳ bút, dịch thuật, đặc biệt là nghiên cứu và phê bình văn học.
Những tác phẩm của nhà thơ Xuân Diệu (nguồn: soha.vn) |
Xuân Diệu đặc biệt có con mắt xuyên thấu thời gian, nhìn về quá khứ xa xôi của văn học, văn hóa dân tộc. Sự giao cảm hồn thơ tuyệt vời, kỳ diệu đã làm nên các tác phẩm thi ca nổi tiếng và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ông được những người trong giới đánh giá rất cao với những danh xưng “Ông hoàng thơ tình” hay "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới".
Trong sự nghiệp sáng tác, bên cạnh khối lượng thơ đáng kể, Xuân Diệu còn để lại một di sản văn xuôi chủ yếu ở mảng phê bình, nghiên cứu. 15 tập thơ, 5 tập tiểu luận và văn xuôi của Xuân Diệu đã được Nhà xuất bản Văn học tập hợp in thành 6 tập gồm 6.000 trang sách là một di sản, đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc nước nhà.
Khẳng định về những đóng góp to lớn của nhà thơ, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Xuân Diệu là một tài năng đặc biệt của miền đất địa linh nhân kiệt Bình Định, nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt dân tộc như Quang Trung-Nguyễn Huệ, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Đào Tấn... “
Sự thành công của Xuân Diệu chính là kết tinh từ quá trình lao động nghệ thuật đầy đam mê và bền bỉ ngay từ thuở nhỏ. Đối với Xuân Diệu, làm thơ, văn không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là một cách giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.
Đóng góp cho văn hóa dân tộc
Từ khi sinh thời, Xuân Diệu đã được nghe những bài hát ru, được nghe những nghệ nhân nổi tiếng hát dân ca và biểu diễn nghệ thuật hát bội, bài chòi… Cái cốt nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất quê hương đã ảnh hưởng ngày một sâu sắc trong tâm hồn thơ một tài năng trẻ. Bởi vậy mặc dù học trường Tây, giỏi tiếng Pháp, am hiểu văn hóa Âu châu từ rất sớm, nhưng hồn thơ Xuân Diệu vẫn đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân và giàu bản sắc Việt Nam…
Thơ Xuân Diệu đâu chỉ có tình yêu đôi lứa mà hàm chứa trong đó có cả tình yêu Tổ quốc, có bóng hình nhân dân. Có tiếp xúc với Xuân Diệu, được nghe ông nói và thấm nhuần văn thơ của ông mới thấy tâm hồn ông là tâm hồn dân tộc, thi pháp thơ của ông là thi pháp thơ dân gian và luôn gắn kết với văn hóa dân tộc.
Một con người nhạy cảm cùng với tâm hồn đồng điệu, thơ ca của ông như hòa cùng dòng chảy với lịch sử dân tộc. Ý thức của cái tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống đã đem đến cho ông những nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Để từ đó, nhà thơ cho ra đời hàng loạt các tác phẩm viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam. Minh chứng rõ nhất qua các tác phẩm như: tập Riêng chung (1960), Hai đợt sóng (1967), tập Hồn tôi đôi cánh (1976),…
Ngoài việc đóng vai trò là một nhà thơ, nhà văn tài ba, Xuân Diệu còn là một nhà hoạt động văn hóa và xã hội tích cực. Ông đã từng là đại biểu Quốc hội; Ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam, Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Xô; Viện sĩ Viện hàn lâm nghệ thuật của Cộng hòa dân chủ Đức..., ông được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1).
Lễ Kỷ niệm 100 năm nhà thơ lớn Xuân Diệu là một trong những hoạt động nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp và cống hiến của nhà thơ với văn hóa dân tộc (nguồn: internet) |
Nhìn lại những giá trị, thành tựu của thơ ca cũng như sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu, có thể nhận thấy, ông chính là người đem đến luồng gió mới cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Sự đóng góp của ông diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử. Chính những điều đó đã tạo nên Xuân Diệu, một nhân cách lớn, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc.
(*) Trích Hy Mã lạp Sơn - Xuân Diệu
Đ.Hằng (Tổng hợp)