• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuân Hoàng, người lữ khách trên “con tàu trần thế”

26/01/2015 01:10

Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho quê hương Quảng Bình. Trên mảnh đất kiên cường và gan góc này hầu như ở đâu cũng in dấu chân anh. Anh làm thơ ca ngợi năm con sông quê hương; ca ngợi những chiến sĩ mở đường và giữ đường trên tuyến Trường Sơn...



Xuân Hoàng (1925-2004) tên thật là Nguyễn Đức Hoàng, quê gốc Phước Hoà, Tuy Phước, Bình Định; sinh quán Đồng Hới, Quảng Bình; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Xuân Hoàng đã xuất bản 16 tập thơ và 4 tập văn xuôi. Trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: Tiếng hát quê hương (thơ), Du kích sông Loan (trường ca), Miền Trung (thơ), Biển và bờ (thơ), Dải đất vùng trời (thơ), Thời gian và quãng cách (thơ), Từ tiếng võng làng Sen (trường ca), Thơ tình Xuân Hoàng, Gởi quê hương (thơ), Âm vang thời chưa xa (hồi ký tập I, tập II) ...

 

Một nhà thơ gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Bình

Xuân Hoàng vốn thích xê dịch, anh đi nhiều nơi, ở nhiều chỗ nhưng Quảng Bình là nơi anh gắn bó máu thịt nhất. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gió lào, cát trắng. Anh từng bám trụ ở đây qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể nói Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho quê hương Quảng Bình. Trên mảnh đất kiên cường và gan góc này hầu như ở đâu cũng in dấu chân anh. Anh làm thơ ca ngợi năm con sông quê hương; ca ngợi những chiến sĩ mở đường và giữ đường trên tuyến Trường Sơn... Âm vang trong thơ anh những địa danh: Đèo Mụ Giạ, Đồng Hới, Cảnh Dương, Cự Nẫm... với những vùng đồi không tên, dấu gậy Trường Sơn... Và hình ảnh những anh Cơ, anh Thấy những mẹ Suốt, mẹ Sâm... Anh ca ngợi: Quê tôi đấy đất Quảng Bình xinh đẹp / Con người hiền và sông núi xanh trong... Nói như Trần Nhật Thu, anh là một thi sĩ đóng góp cho Quảng Bình “những vần thơ chói sáng nhất”. Người dân Quảng Bình vẫn còn lưu giữ không ít “những vần thơ chói sáng” ấy của anh, như: Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm / Dạ lan hương thơm ngát những canh dài / Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển / Bài thơ lành anh đến ngủ bên vai...Ta biết hôm nay Đồng Hới huỷ mình / Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp / Thành phố ta xây bên bờ biển biếc / Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh...(Đồng Hới). Để viết được “những vần thơ chói sáng” ấy, Xuân Hoàng đã phải trải qua hơn ba mươi năm lăn lộn, vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ với Quảng Bình khói lửa. Ngoài “những vần thơ chói sáng” ca ngợi quê hương, Xuân Hoàng còn đóng góp một phần quan trọng vào việc hình thành các thế hệ nhà văn trẻ ở Quảng Bình. Trần Nhật Thu thừa nhận: Chúng tôi dựa vào anh, dựa vào niềm tin của anh để sống và tồn tại. Ngô Minh cũng khẳng định Xuân Hoàng: là người anh cả góp công lớn bồi dưỡng, vun đắp nên lực lượng sáng tác văn nghệ Quảng Bình sung sức, tên tuổi được cả nước mến mộ... Anh như cây cột trụ của ngôi nhà văn nghệ Quảng Bình, một thời các nhà văn trẻ dựa vào đó mà tồn tại và đi tới.

Một thi sĩ tài hoa, đa tình

Xuân Hoàng là nhà thơ Việt Nam đầu tiên mà tôi may mắn được gặp gỡ và quen biết. Thời tôi học PTTH, nhà trường mời anh về nói chuyện thơ. Cùng đi với anh có Trần Nhật Thu. Người anh cao gầy, mắt lấp lánh sau cặp kính trắng. Anh nói chuyện có duyên và đọc thơ khá truyền cảm. Trần Nhật Thu nhớ lại: Có những đêm đói đến run người, anh với tôi chia nhau từng mẩu khoai, mì luộc. Nhưng lạ một điều càng trong gian khổ, trong chết chóc Xuân Hoàng lúc nào cũng cười... Con người tài hoa ấy hết sức đa tình, lãng mạn. Vẫn theo lời kể của Trần Nhật Thu, thời chiến tranh, cơ quan Hội phải đi sơ tán có một người con gái trẻ đẹp “mê mệt thơ anh, mê mệt con người anh”. Xuân Hoàng gọi nàng là “hoa tứ quý”. Anh có những bài thơ viết tặng nàng thật xúc động, khiến cho nhà thơ Chế Lan Viên cũng phải ngạc nhiên: Chiều chia tay em nào có hay đâu / Chính là lúc anh thương đời sâu nhất / Chiều chia tay cũng là chiều gió bấc / Anh bạc đầu theo những cánh hoa lau... Thời gian sống ở Huế, anh có thêm những nàng thơ mới. Những người đẹp thường đáp lại tình cảm của anh một cách chân thành, trong sáng. Mỗi lần gặp gỡ các nàng, anh thường rủ tôi đi theo. Có khi hai chúng tôi đạp xe hàng chục cây số ra tận La Chữ - ngoại ô thành phố Huế - để anh được gặp nàng thơ của mình, nói với nhau vài lời bâng quơ, ăn vài quả ổi, uống vài cốc “bia khổ”, rồi đạp xe về. Anh còn lặn lội lên tận Lai Châu để được tận mắt ngắm nhìn cành hoa ban xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc. Chính nhờ những phút giây lãng mạn ấy mà anh viết được những bài thơ tình khá hay, như Chua me đất, Con tàu trắng, Khi nào thấy, Mai vàng và mùa xuân...

Một con người vui vẻ, hóm hỉnh nhưng sâu nặng tình đời

Tiếp xúc với Xuân Hoàng, ai cũng nghĩ anh là người vô tư, hồn nhiên. Tưởng như anh không hề để ý gì ngoài thơ. Nhiều người đã nhắc đến giọng đọc thơ sang sảng, điệu cười ha hả và những cú véo đau điếng của anh. Xuân Hoàng là người hết sức vui tính và hóm hỉnh. Anh thường gọi đùa Đai Giang (anh bạn làm thơ cùng cơ quan) là Đang Dại. Với Lê Thị Mây anh nói đã “lây” thì “mê”. Có người hỏi anh về nàng thơ ở Lai Châu, anh trả lời rất nhanh: Lâu rồi rượu chẳng về chai và giải thích “lâu chai” là Lai Châu vắng bóng lâu rồi! Anh gọi tôi là chàng “Đinh Tà” và cười ha hả: Đa tình chi lắm cho đinh phải tà! Có lần anh đột ngột hỏi tôi: Đố cậu biết tớ khoái câu Kiều nào nhất? Tôi đưa ra câu nào anh cũng lắc đầu. Khi tôi chào thua, anh mới tủm tỉm đọc: Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng! Hôm nay, Xuân Hoàng hôn nàng, ngày mai nàng hôn lại Xuân Hoàng. Rồi anh cười ha hả và véo tôi một cú đau điếng. Nhưng ẩn đằng sau cái bề ngoài vô tư , vui vẻ và hóm hỉnh ấy là một con người luôn trăn trở, suy tư và giàu lòng thương cảm. Có tết tôi không về quê, biết tôi buồn, anh đón tôi về ăn tết với gia đình anh. Những năm cuối đời, vì hoàn cảnh bắt buộc, gia đình anh phải vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, anh thường xuyên gửi thư cho tôi. Anh tâm sự: Mình nhớ Đồng Hới, nhớ Huế quay quắt. Thơ anh càng ngày càng lắng vào chiều sâu. Anh chia sẻ cùng Trần Tế Xương: Người buồn lịch sử sang trang / Tôi buồn thế sự ngổn ngang chuyện đời...

“Cuối cùng là cuộc chia ly nhẹ nhàng”

Những năm cuối đời, nhà thơ Xuân Hoàng lâm trọng bệnh, phải nằm liệt giường. Chị Bình và các con anh hết lòng tận tình chăm sóc. Có lần tôi vào thăm anh, chị Bình trêu: Anh Hoàng ơi, Mai Văn Hoan vào rồi! Dậy mà đi thăm các em kìa! Tôi nhìn thấy anh nhoẻn miệng cười. Nụ cười của anh làm tôi rưng rưng. Tôi nhói lòng ngắm nhìn người lữ khách trên “con tàu trần thế” (tên một bài thơ của anh) sắp sửa đến ga cuối cùng. Dẫu biết chẳng ai cưỡng được quy luật sinh - tử, nhưng tôi vẫn thấy ngậm ngùi. Vào những ngày giáp tết, Đài truyền hình Huế phát chương trình đến với bài thơ hay có ngâm bài Khi nào thấy của anh. Đêm giao thừa tôi đưa Nỗi niềm trao gởi của anh ra đọc, đến câu “sắp tàn một kiếp tài hoa” tự nhiên hai hàng nước mắt của tôi cứ ứa trào ra. Rồi chiều mồng ba tết (2004), Hoàng Vũ Thuật từ Đồng Hới điện vào Huế báo tin anh Xuân Hoàng đã vĩnh viễn ra đi lúc 11giờ 5 phút! Không thể vào thành phố Hồ Chí Minh đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi chỉ biết gửi đôi dòng, nhờ người nhà của anh ghi vào sổ tang (đọc qua điện thoại): Nhìn chùm hoa tứ quý / Tôi cứ nhớ về anh / Dạ lan hương phố cũ / Thơm suốt thời chiến tranh / Đồng Hới với hoa hồng / Cánh buồm sông Nhật Lệ / “Âm vang thời chưa xa”/ Hoa mai vàng xứ Huế... / Dâng biển: mái tóc xanh / Dâng đời: thơ rút ruột! / Vẫn còn bao mộng ước / Bao khát vọng chưa thành / Vừa đến ngưỡng tám mươi / Cái ngưỡng “xưa nay hiếm” / Anh lặng lẽ ra đi / Như con thuyền rời bến / Nhẹ nhàng và thanh thản / Không một lời trối trăng / Tôi ở xa ngàn dặm / Chẳng thể vào tiễn anh / Chỉ đôi dòng ngắn ngủi / Gọi là chút hương lòng / Nghẹn lời không thể nói / Nước mắt lặn vào trong!

Mai Văn Hoan

(Ảnh: ngominh.vnblogs.com)

NỔI BẬT TRANG CHỦ