Tiền vệ Lương Xuân Trường kể lại chuyện U23 Việt Nam giành chức Á quân U23 châu Á 2018 tại Thường Châu.
HLV Park Hàn-seo và triết lý bóng đá mới ở đội tuyển Việt Nam
Mình sẽ kể về chiến tích Thường Châu diệu kỳ. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, một cấp độ của đội tuyển Việt Nam vào tới trận chung kết của giải đấu châu lục...Mình ngồi lục lại ký ức, viết ra từng bước đi trong hành trình đó, để rồi nhận ra vẫn có những điều mình chưa chia sẻ với mọi người. Và thậm chí là, mình đã suýt nữa bỏ lỡ hành trình lịch sử đó…
Ngược trở lại về năm 2017, sau trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan, chú Thắng (HLV Hữu Thắng- PV) từ chức. Ít lâu sau, HLV Park Hang Seo được công bố sẽ là HLV trưởng của đội U23 và đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Thật ra, trước khi LĐBĐ Việt Nam và giới truyền thông công bố, mình đã biết thông tin này. Có thể nói mình là một trong những người đầu tiên được nghe. Đó là bởi vì một vài cầu thủ trong đội Gangwon FC cũng là học trò khá thân thiết với thầy Park, mình vẫn nhớ sau một buổi tập, trong phòng tắm, các anh có báo tin đầy bất ngờ: "Biết tin gì chưa? Park Hang Seo sẽ làm HLV trưởng ĐTQG Việt Nam đấy". Mình thì chỉ ngơ ngác kiểu: "Park Hang Seo là ai". Qua lời kể của các đồng đội tại Gangwon, mình được biết thầy Park là một người rất nghiêm khắc. Các anh cũng nói cá tính của thầy có thể giúp cho bóng đá Việt Nam. Khi đó mình nghe cũng chỉ biết như vậy.
Kỷ niệm đầu tiên của mình với thầy Park, đó là khi mình về nước để đá trận Việt Nam - Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019. Thầy không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho trận đấu đó, chỉ có 1 tuần hội quân cùng toàn đội. Mình cũng không biết thầy lấy thông tin từng cầu thủ bằng cách nào. Thời gian là quá ngắn để thầy có thể tìm ra những con người phù hợp và áp dụng ngay triết lý của mình vào trận đầu. Thầy Park vẫn phải dựa vào danh sách cầu thủ có sẵn từ thời chú Hữu Thắng và hai trận mà bác Mai Đức Chung tạm nắm quyền. Mình nhớ ở trận đấu đó, thầy Park vẫn còn để đội hình là 4-1-4-1, còn về sau này thì ai cũng biết sở trường của thầy là đá 3 trung vệ. Thầy không muốn xáo trộn quá nhiều trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Kết quả, trận đấu đó chúng ta hòa 0-0. Đó là trận đấu mà đội tuyển Việt Nam chưa thể hiện được đường nét gì nhiều, phần lớn cũng phải nhờ sự tỏa sáng của thủ thành Tuấn Mạnh để có được 1 điểm.
Đá xong trận, mình lại bay cùng chuyến với thầy Park và người đại diện của ông để về Hàn Quốc. Ở sân bay, thầy hỏi mình: " Theo cậu, bây giờ ở đội tuyển Việt Nam có những vấn đề gì mà tôi cần khắc phục?". Mình đưa ra một số góc nhìn cá nhân, hầu hết là vấn đề liên quan đến khía cạnh bên ngoài chuyên môn. Mình có nói đến vấn đề truyền thông của đội, rồi là các vấn đề liên quan đến tác phong, đi đứng, sinh hoạt, giờ giấc, dinh dưỡng, chấn thương,.. Vì những gì mình được trải nghiệm tại 2 CLB đang chơi tại K-league thì mình biết, họ rất chuyên nghiệp trong mọi hành động, cử chỉ và lời nói.
Phải đến giải giao hữu M-150 Cup, thầy mới có nhiều thời gian hơn để thử nghiệm, cũng như truyền tải triết lý bóng đá vào toàn đội. Đó là giải đấu được tổ chức ở Buriram (Thái Lan) với sự hiện diện của 6 đội tuyển U23, nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2018. Trong quãng thời gian đó, mình ngay lập tức cảm nhận được sự khác biệt trong lối chơi và cách xây dựng đội hình của thầy Park so với những người tiền nhiệm. Triết lý bóng đá của ông và trợ lý Lee Young Jin thiên về phòng ngự phản công nhiều hơn. Đặc biệt ở thời điểm đầu, các thầy đã dành tối đa thời gian để xây dựng một hàng phòng ngự thật vững chắc trước, ưu tiên việc không thua trước khi nghĩ đến chiến thắng. Những chi tiết rất nhỏ như tư thế đứng trong phòng ngự, vị trí đứng, cách đọc tình huống, nói chung là những chi tiết mà rất ít HLV đào sâu để giảng dạy đều đã được truyền đạt với đầy nhiệt huyết của các thầy. Bản thân mình thấy, đây đúng là những điều thực sự còn thiếu của bóng đá Việt Nam. Đối với Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì đây là những chi tiết cơ bản mà cầu thủ nào cũng đã được học qua khi còn ở các lứa U13, 15. Nhưng ở Việt Nam, các cầu thủ không được học những thứ chi tiết như vậy.
Một quan điểm của thầy Park mà mình thấy khá hay, đó là bước vào bất cứ trận đấu nào, nếu sở hữu một hàng phòng ngự vững chắc thì mình đã có cơ hội có tối thiểu 1 điểm rồi. Rồi mãi về sau này, kể cả sau giải U23 châu Á thì dần dần đội tuyển mới chú trọng nhiều hơn vào mảng tấn công. Còn ở thời điểm đầu ấy, thầy hầu như chỉ tập trung tạo nên một nền móng vững chắc nơi hàng thủ. Với triết lý bóng đá này thì rõ ràng là tố chất của mình không quá phù hợp. Cường độ chơi bóng lúc này là cao hơn nhiều so với đội tuyển thời chú Hữu Thắng và ở Hoàng Anh Gia Lai. Ông luôn yêu cầu là khi đối phương nhận bóng từ khoảng cách 5-10 mét, mình phải nhanh chóng sử dụng tốc độ để giữ cự ly đủ gần để không cho đối phương thoải mái tung ra những đường chuyền. Nếu để cầu thủ đội bạn thoải mái quá thì độ chính xác của những đường chuyền đó sẽ rất cao. Rồi cả những tình huống bóng hai cũng được chú trọng rất kỹ lưỡng.
Tuy nhiên thầy cũng không phải là HLV chơi phòng ngự cực đoan, chỉ biết phòng ngự hoàn toàn, cần những người chạy nhiều và cơ bắp để thi đấu. Bên cạnh đó thầy vẫn cần những người có khả năng điều tiết, làm chủ nhịp độ của trận đấu. Hồi đầu mình gặp khó khăn, nhưng rồi dần dần từ giải M-150 Cup trở đi thì mình đã có thể thích nghi và lĩnh hội được những gì mà thầy Park yêu cầu. Lúc đó mình cũng vừa mới có 2 mùa giải chơi bóng tại Hàn Quốc nên cũng tiếp thu rất nhanh vì mình đã hiểu được văn hóa bóng đá tại Hàn, mình cũng hiểu tương đối những thuật ngữ trong bóng đá bằng tiếng Hàn. Chính vì vậy nên mình cũng có thể giúp các thầy truyền đạt đến anh em cầu thủ những yêu cầu từ ban huấn luyện.
Sau này khi nhìn lại thì mình thấy triết lý của thầy Park vẫn khác so với những gì mình được trải nghiệm khi ở bên Hàn Quốc. Nhìn một cách tổng thể thì thầy Lee và thầy Park là những người thuộc thế hệ cũ, đi trước khá xa so với các HLV thời mình thi đấu bên Hàn. Và đến thời điểm hiện tại thì bóng đá Hàn còn có những thế hệ HLV khác nữa. Cứ qua mỗi thế hệ thì cái lối chơi, triết lý bóng đá ở Hàn lại trở nên hiện đại hơn. Vậy nên có thể nói triết lý của ông khá là cũ so với bóng đá Hàn ở thời điểm năm 2018. Lối chơi kiểu của thầy Park thuộc thế hệ cổ điển, khá là xưa rồi. Bây giờ ở Hàn họ không còn chơi kiểu như vậy nữa. Thay vào đó là những lối chơi hiện đại và phóng khoáng hơn. Tuy nhiên, đó lại là lối chơi mà mình thấy phù hợp nhất với bóng đá Việt Nam của thời điểm đó. Và chắc chắn rồi, bóng đá Hàn Quốc cũng cần có quãng thời gian phải sử dụng triết lý này thì bây giờ họ mới phát triển mạnh như thế. Đó là khi mình cần đặt nền móng để làm cách mạng và thay đổi thì việc xây dựng tất cả mọi thứ từ móng như thế là cần thiết. Khi thầy bắt đầu làm HLV tại Hàn Quốc, bóng đá nước này chưa mạnh như ở thời điểm hiện tại. Thầy cũng đi theo làm trợ lý cho ông Guus Hiddink nên học được rất nhiều về cách đá của một đội cửa dưới. Về sau này, bóng đá Hàn Quốc có một vị thế khác trên đấu trường quốc tế nên họ có những yêu cầu lớn hơn. Sự thay đổi của các HLV ở từng thế hệ cũng từ đó mà hình thành. Thật sự, đặt vào tình cảnh của bóng đá Việt Nam khi đó thì cách thầy Park làm việc, áp dụng triết lý là cực kỳ khôn ngoan và đúng đắn.
Sau giải M-150 Cup thi đấu khá thành công với tấm huy chương đồng, toàn đội trở về LĐBĐ Việt Nam để tập luyện trước khi đi giải U23 châu Á. Lúc đó đội không nhận được nhiều sự quan tâm. Chính bản thân bọn mình cũng không nghĩ rằng có thể đi xa như thế ở giải đấu này. Đặc biệt là sau thất bại tủi hổ tại SEA Games 29 thì lại càng ít sự kỳ vọng. Các anh em chỉ biết cố gắng tập luyện để tham dự giải mà thôi.
Lương Xuân Trường suýt bỏ lỡ kỳ tích Thường Châu năm ấy...
Ở phần đầu tập này, mình có tiết lộ rằng bản thân suýt chút nữa bỏ lỡ giải đấu lịch sử năm ấy. Thời điểm đó Hà Nội rất lạnh. Cũng đúng là lúc bệnh viêm mũi dị ứng của mình đang ở giai đoạn cấp. Nó liên tục khiến mình bị đau đầu và không thể ngủ được trong một thời gian dài. Trước khi lên đường đi Trung Quốc, cách đấy khoảng 1 tuần, mình có đến phòng thầy và nói rằng: "Em nghĩ em sẽ không thể tham gia được giải đấu này, bởi tình trạng sức khỏe của em đang có vấn đề. Em nghĩ mình cần phải nghỉ để đi "xử lý" cái mũi của mình sớm nhất có thể, vì nó đang ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó sức khỏe của em cũng không được ổn, em sợ sẽ ảnh hưởng đến cả đội". Thầy nghe xong đã thuyết phục mình rằng hãy giải quyết vấn đề ấy sau, bởi ban huấn luyện đã có kế hoạch rồi. Giải đấu cũng đang khá gần kề. Ở giải đấu này nếu đi được vào trong thì tốt, không thì cũng chỉ đi có 2 tuần thôi. Khi về mình sẽ xử lý vấn đề ấy sau. Đó, mình hoàn toàn đã có thể bỏ lỡ giải đấu đáng nhớ ấy, một hành trình mang về rất nhiều vinh quang cho bóng đá Việt Nam và cho chính bản thân mình nếu không có sự thuyết phục của thầy Park. Đúng là duyên số, giống như việc mình không chọn bóng đá mà bóng đá đã chọn mình vậy.
Trước giải, HLV Park Hang Seo cũng rất cố gắng để tạo không khí vui vẻ cho toàn đội, khiến vách ngăn khoảng cách giữa HLV và cầu thủ trở nên nhỏ hơn. Mình còn nhớ sau một buổi tập của U23 Việt Nam tại Liên đoàn, thầy Park có tổ chức một minigame. Ở đó thầy thi sút bóng trúng xà với Công Phượng, ai thua sẽ phải khao pizza cả đội. Lúc đó ai nấy đều rất thích thú và cảm thấy lạ lẫm về điều này. Tuy nhiên với cá nhân mình, những điều ấy lại quá quen thuộc khi mình còn chơi bóng ở Hàn Quốc.
Ở bên Hàn, các đội bóng hay có minigame kiểu vậy trong buổi tập. Giả sử khi đá ma, cầu thủ nào phải làm ma đuổi bóng nhiều lần nhất, không thể cắt được bóng sau số đường chuyền nhất định thì sẽ bị tính là một lần. Đến cuối buổi, các cầu thủ bị nhiều lần nhất sẽ phải thi đá xà ngang. Sau buổi tập, cả đội sẽ đi sauna (tắm hơi), ai mà thua sẽ phải mua đồ uống và trứng luộc cho cả đội ở đó. Đó là văn hóa trong bóng đá Hàn Quốc rồi. May mắn là ở Hàn mình chưa bị thua lần nào. Còn về Đội tuyển thì mình đã bị thua vài lần haha.
Hành trình kỳ diệu ở U23 Thường Châu năm ấy
Trước khi giải đấu U23 Châu Á chính thức bắt đầu, thú thực là bản thân mình cùng các cầu thủ khác không đặt kỳ vọng gì nhiều. Người hâm mộ, báo chí truyền thông cũng vậy. Ai cũng đều coi đó là thêm một lần chúng ta ra đấu trường lớn để cọ xát. Gần vào đến giải, càng đá những trận giao hữu, tụi mình lại càng cảm thấy có thêm nhiều hy vọng vì trong những trận giao hữu đó tụi mình đã chơi khá gắn kết và giành được những kết quả tương đối tốt. Dù đó là những đối thủ đến từ Trung Đông, họ cũng mạnh, cũng to cao nhưng U23 Việt Nam khi ấy thể hiện không có gì lép vế cả. Và rồi cả đội bước vào giải đấu với tinh thần vừa hy vọng nhưng cũng đầy nỗi lo sợ vì các đối thủ trước mắt quá mạnh.
Hành trình tại VCK U23 châu Á 2018 được bắt đầu với đối thủ U23 Hàn Quốc. Quang Hải mở tỷ số với một bàn thắng cực đẹp mắt. Đã có những thời điểm, tụi mình đã rất tự tin rằng sẽ có một kết quả tốt ở trận đấu này, ít nhất là một trận hòa. Tuy nhiên, đẳng cấp của Hàn Quốc đã giúp họ giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 2-1. Toàn đội đã để thua nhưng vẫn có rất nhiều điểm tích cực. Sau trận đấu ra quân, ban huấn luyện nhận xét và động viên tinh thần anh em xong thì mình có xin phép HLV trưởng là để anh em cầu thủ ngồi lại riêng với nhau trong phòng thay đồ một chút. Lý do mình làm vậy là vì, với tư cách là một người đội trưởng, mình nghĩ mình cần phải làm một điều gì đó để cả đội giữ lại niềm tin và hy vọng dù là mong manh. Mình không muốn chuyến đi này sẽ lại là kịch bản về nước chỉ sau 3 trận vòng bảng. Không muốn đây lại là một chuyến đi mang tên học hỏi cọ xát. Mình quyết định thử ngồi lại để anh em động viên tinh thần lẫn nhau xem, biết đâu khi được nói ra, mọi người sẽ cảm thấy đoàn kết hơn, mọi người sẽ cùng quyết tâm cao hơn để hướng đến trận đấu tiếp theo dù cho đó là một đối thủ rất mạnh khác mang tên Australia. Nếu mình không làm vậy bây giờ thì có thể mình sẽ rất hối hận nếu kết quả trận tới tiếp tục không tốt.
Mình đã bắt đầu bằng câu hỏi rằng mọi người nghĩ gì về trận thua U23 Hàn Quốc. Và rồi mọi người bắt đầu lên tiếng. Từ những người đá chính, đến những cầu thủ dự bị chưa được vào sân, mỗi người đưa những nhận định riêng của mình. Có những nhận xét tích cực, bên cạnh đó là những điểm chưa tốt cần cải thiện, và cũng có những sự thẳng thắn khi nói về một cá nhân nào đó cần phải làm tốt hơn. Ngồi quan sát mọi người, mình cảm nhận rõ tinh thần của chúng ta đang ở mức rất cao. Và ngay tại thời điểm đó, mình đã có niềm tin rằng chúng ta sẽ đánh bại U23 Australia ở lượt trận tiếp theo.
Cộng hưởng nhiều yếu tố, từ thứ bóng đá mà U23 Việt Nam áp dụng ở giải đấu này, vấn đề chuyên môn, cho tới tinh thần toàn bộ anh em cầu thủ, tất cả đã tạo nên một chiến thắng vô cùng thần kỳ trước người Úc. Đó là kết quả mà không ai dám nghĩ trước đó. Nhưng mình có cảm giác là toàn đội chơi với một tâm thế không có gì e sợ cả. Phòng ngự cực kỳ kiên cường. Và kết quả 3 điểm là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho sự cố gắng của toàn đội.
Ở giải đấu đó, U23 Việt Nam lại ở chung khách sạn với U23 Úc. Cứ mỗi lần chạm mặt nhau ở phòng ăn, mình cảm giác họ nhìn mình với một ánh mắt có chút gì đó coi thường. Đến khi chúng ta đánh bại Úc, ánh mắt đó đã trở nên khác hẳn.
Trận cuối cùng vòng bảng là trận gặp U23 Syria. Để đi tiếp, U23 Việt Nam phải giành ít nhất một kết quả hòa. Ngày hôm đó đối thủ của chúng ta chiến đấu không khác gì những chiến binh cả. Từ khuôn mặt, thần thái cho đến dáng vóc, ai nhìn cũng rất là mạnh, trông giống như những chiến binh thực thụ. Tuy nhiên Việt Nam chúng ta cũng không khác gì cả. Tuy là chỉ là những chú bộ đội nhưng sự kiên cường và bất khuất thì có thừa. Thêm vào đó, chúng mình có sự tự tin từ trận Úc. Ngay cả trận thua Hàn ngày ra quân chúng mình cũng đá không tồi. Vì vậy nên mình tin là cả đội hoàn toàn có thể làm được. 1 điểm sẽ giúp U23 Việt Nam vào vòng trong. Ok, khi trận đấu chưa bắt đầu thì chúng ta cũng đang có 1 điểm rồi mà. Mình sẽ phải chiến đấu đến cùng để giữ 1 điểm đó, và rất may mắn chúng ta đã làm được sau không ít lần thót tim.
Khi chính thức qua được vòng bảng rồi, mình không biết mọi người sao, còn bản thân mình lại cảm thấy đây là điều mà U23 Việt Nam có thể làm được. Vì ngay từ sau trận gặp Hàn Quốc, mình tin cả đội hoàn toàn có thể tiến sâu tại giải đấu này. Chắc chắn rồi, việc vượt qua các đội bóng mạnh để vào vòng knock-out là điều đáng để tự hào lắm chứ. Lúc đó, mình có niềm tin lớn rằng toàn đội có thể đi sâu hơn nữa, chứ không còn là đi học hỏi cọ xát nữa rồi. Để có được tinh thần ấy xuyên suốt cả giải đấu không phải là dễ. Mình nghĩ để làm được điều này, phần nhiều là do các HLV. Họ là những người đầu tàu nên từ lời nói đến tất cả các cử chỉ, hành động, các HLV đều không cho thấy sự e ngại hay tự ti trước bất kỳ đối thủ nào. Thầy Park luôn nói họ có 1 đầu, 2 chân, 2 tay thì mình cũng vậy. Họ to hơn, cao hơn thì mình nhanh hơn, khéo léo hơn. Chính cái suy nghĩ đó đã giúp cho các cầu thủ tự tin hơn và tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh trước những đối thủ lớn như vậy. Muốn làm được thì trước tiên phải tin mình làm được cái đã.
Mặc dù có vui, có tự hào sau khi qua được vòng bảng nhưng đối thủ tiếp theo là một Iraq vốn đã quá mạnh ở khu vực Châu Á. Vì vậy tụi mình đã rất cố gắng tập trung hơn nữa để chuẩn bị thật tốt cho trận đấu đó.
Nói về trận đấu với U23 Iraq, chắc mình sẽ nói nhiều về quãng thời gian đá hiệp phụ, bởi đó là 30 phút của chuyến tàu lượn cảm xúc. Hôm chuẩn bị cho tập podcast này, cậu em hỗ trợ mình làm podcast nói rằng sau bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Iraq ở hiệp phụ thứ nhất, cậu ấy đã nghĩ: "Thôi xong rồi. Bàn thua thứ hai đến một cách dễ dàng như vậy. Iraq còn là đối thủ mạnh nữa. Mình làm sao có đủ thể lực và tinh thần để gỡ hòa đây". Đúng là khi nhìn vào tình thế đó, chắc hẳn mọi người đều sẽ nghĩ như vậy. Vì đó là Iraq, vì đó là hiệp phụ, chúng ta làm sao có thể vực dậy cả về sức lẫn tinh thần được đây. Lúc ấy, nếu mà nói không lo sợ thì không đúng. Nhưng mình vẫn rất có niềm tin là cả đội sẽ vượt qua để có được bàn gỡ hòa. Cho nên sau bàn thua, mình đã không đốc thúc mọi người bằng cách gào thét, nhăn nhó quá mức vì mình nghĩ nó sẽ phản tác dụng. Nếu mình tỏ ra nghiêm trọng quá thì giống như mình đã thừa nhận rằng chúng ta không thể gỡ lại được đâu. Dù rằng tình thế lúc đó đúng là nghiêm trọng thật. Nhưng thay vào đó, mình chọn cách tỏ ra bình thản, bình tĩnh, động viên anh em một cách hết sức nhẹ nhàng: "Cứ tiếp tục đi anh em, mình sẽ làm được thôi".
Một cái yếu tố không thể không nhắc đến, đó là may mắn. Yếu tố may mắn ấy đã ở cạnh chúng ta khá nhiều trong suốt giải đấu. Trong một số trận đấu chúng ta không tung ra được nhiều cú sút. Nhưng chỉ cần 1-2 lần thôi là đã có bàn thắng. Có nhiều tình huống đến cực kỳ may mắn. Nhưng chúng ta đều biết sự may mắn đến thường xuất phát từ nỗ lực và sự chăm chỉ, rồi cả niềm tin nữa. Tất cả cùng hội tụ lại và xảy ra ở giải đấu này.
Và chúng ta đã thực sự gỡ lại được, thậm chí còn vượt lên dẫn 3-2. Bản thân tụi mình đã nghĩ rằng mình có thể thắng được ngay trong hiệp phụ rồi. Nhưng lại một lần nữa bị gỡ và hai đội đã phải bước vào loạt sút luân lưu cân não. Rồi cuối cùng, đội mình chiến thắng. Aizzzz, nghĩ lại đến bây giờ vẫn còn nổi da gà. Sau khi Bùi Tiến Dũng thực hiện loạt sút cuối cùng đó, mình đã khóc vì quá xúc động. Ở thời điểm cả đội chạy đến Bùi Tiến Dũng ăn mừng, mình cũng nhảy lên và như thể bị ngã tự do ra sân luôn. Mình cứ như đang ở trên mây vậy…
Nghĩ lại có một khoảnh khắc này vẫn buồn cười. Đó là câu chuyện Bùi Tiến Dũng trung vệ bước lên sút quả 11 mét quyết định. Cứ mỗi lần Dũng cầm bóng đứng lên đá penalty, mình rất sợ. Mặc dù nó sút thành công, nhưng cú sút nào thủ môn cũng bắt được bài, hoặc chạm được tay vào bóng nhưng bóng vẫn đi vào lưới. Điều ấy càng làm mình hồi hộp hơn. Nhìn mặt Dũng mỗi khi đứng lên đá pen thì căng lắm, làm anh em cũng lo theo. Sau trận đấu Dũng kể lại mình mới nhớ, đó là lúc thầy Park hỏi ai sẽ là người đá quả thứ 5, lúc đó mình thấy không có ai giơ tay cả, thế là mình nói Dũng đá. Đến lúc hết trận Dũng mặt vẫn hơi lo sợ nói với mình là: "ông ơi sao lại là tôi?". Kiểu sao lại tàn nhẫn trao cái trọng trách ấy cho tôi haha. Đùa thôi chứ nhìn mặt Dũng kiểu hiền hiền như vậy, nhưng ở trong môi trường quân đội đã lâu nên mình nghĩ chất thép và sự lạnh lùng của người lính sẽ rất bản lĩnh trước những thời khắc như vậy. Cũng may nó đá vào, không thì mình cũng bị liên lụy haha.
Đến giờ khi xem lại, mình cũng không hiểu vì sao quả đó bóng lại có thể bay vào gôn nữa. Cú sút của Dũng không khó. Thủ môn cũng đã đổ người đúng hướng mà không phải với gì cả. Vậy mà bóng vẫn bật ra sau đó lăn ngược vào lưới được. Đúng là thần may mắn của cả đội.
Sau trận thắng U23 Iraq, toàn đội được sống trong bầu không khí vô cùng tuyệt vời. Tối đó, mấy anh em cũng có tổ chức tiệc sinh nhật cho Công Phượng và Đức Huy. Có lẽ đó là bữa tiệc sinh nhật đáng nhớ nhất, không chỉ với riêng Phượng hay Huy, mà còn là tiệc sinh nhật đáng nhớ nhất trong các lần tập trung đội tuyển.
Bước vào trận bán kết gặp U23 Qatar, mình vẫn giữ nguyên tinh thần giống trận gặp Iraq, vẫn luôn tin là mình có thể vượt qua được. Toàn đội vẫn giữ sự tập trung, chuẩn bị mọi thứ, nghiên cứu đối thủ kỹ càng để bước vào trận đấu. Không có sự sợ sệt gì cả. Mọi người vẫn có duy trì được sự bản lĩnh đó. Hai lần bị dẫn trước, hai lần Quang Hải gỡ hòa để rồi kéo đối thủ vào loạt đá luân lưu 11 mét. Trận đó đúng là phải cảm ơn công lớn của Quang Hải. Cả đội đã chiến đấu anh dũng, còn Quang Hải là thiên tài, là người làm tất cả những phần khó nhất.
Có một hình ảnh mình nghĩ đến lâu rồi và ngày hôm nay cũng muốn chia sẻ lại. Trong loạt đá luân lưu, mình có bước vào khu vực kỹ thuật để lấy áo khoác cho các anh em đứng trên sân. Hành động đó sau đấy được mọi người đánh giá cao. Nhưng hình ảnh mình thấy cảm động hơn cả là việc các cầu thủ dự bị đứng ngoài, cởi áo rồi nhường cho tụi mình. Đó thực sự là hành động thể hiện tinh thần đoàn kết vì một cái chung của tập thể. Mang áo vào xong nhưng mới mặc được một tí thì cũng cởi ra ăn mừng luôn.
Đó thực sự là ngày hạnh phúc nhất của bóng đá Việt Nam. Phải tới sau trận đấu đó, mình mới biết ở nước mình có cả vụ các trường cho học sinh nghỉ học, công ty cho nhân viên nghỉ làm chỉ để xem bóng đá. Thật sự rất bất ngờ. Lần đầu tiên có điều đó xảy ra. Lúc đó mình mới hiểu rằng cả nước đều đã hướng về U23 Việt Nam. Mình thấy vui, nổi da gà, giờ nghĩ lại khoảnh khắc đó vẫn lâng lâng. Khi ấy về mình còn đăng cái ảnh, để caption rằng: "Không một từ nào có thể diễn tả được cảm xúc này". Đó thực sự là những gì đã diễn ra trong đầu mình khi đó, đơn giản là không thể diễn tả được…
Vượt qua các đội mạnh, đến trận chung kết quy trình vẫn nguyên si như vậy. Cả đội chỉ tập trung tập luyện, nghiên cứu đối thủ, chứ không vì đó là trận chung kết nên phải làm khác đi một điều gì cả. Sự bình thản của thầy Park, thầy Lee đã thực sự giúp các anh em cầu thủ chỉ tập trung vào chuyên môn thuần túy, chứ không đeo thêm bất cứ gánh nặng hay áp lực nào. Điều này mình phải cảm ơn các thầy, đặc biệt là thầy Lee Young Jin. Thầy Lee cho mọi người thấy phong thái là dù đá với bất cứ đối thủ nào, chúng ta cũng sẽ chuẩn bị những quy trình đó thôi. Sẽ không có sự thay đổi gì cả. Không có sự hưng phấn quá mức, không có sự coi thường đối thủ. Mọi thứ vẫn phải như thế. Mình nghĩ nhờ đã được trải qua mùa World Cup 2002 thành công cùng đội tuyển Hàn Quốc nên các thầy biết phải tiết chế cảm xúc của mình như nào ngay cả khi mình giành được những chiến công vô cùng vang dội.
Đến ngày diễn ra trận chung kết, toàn đội mới biết sẽ thi đấu trên trời tuyết. Buổi sáng hôm ấy, mình có đi họp báo cùng thầy nên được xem mặt sân trước. Bình thường cả đội sẽ được tập làm quen sân trước một ngày, nhưng vì điều kiện thời tiết, ban tổ chức đã quyết định bảo vệ mặt cỏ để dành cho trận chung kết nên tụi mình đã không được làm quen. Và thực sự mình đã nghĩ không biết sẽ phải đá như nào với mặt sân phủ đầy tuyết trắng như thế này. Cả đội cũng không có ai chuẩn bị giày móng sắt để dành riêng cho những mặt sân trơn trượt như vậy cả. Ở Việt Nam thời điểm đó, không nhiều người thi đấu bằng giày móng sắt vì sân cỏ ở Việt Nam không phù hợp. Nên có nhiều người, trận đấu đó cũng là lần đầu tiên được thi đấu bằng giày móng sắt. Anh trưởng đoàn của đội đã phải đặt mua cấp tốc giày cho cả đội ngay tại Trung Quốc để chuẩn bị cho trận đấu này. Đối với cầu thủ, việc đi ngay một đôi giày mới để đá luôn là điều rất là khó khăn. Bọn mình luôn cần phải làm quen trước trận đấu ít nhất 2-3 ngày, tập 2-3 buổi với đôi giày đó. Tuy nhiên trong tình thế đó thì anh em không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải đi đôi giày mới để đá. Giày mới về cái, anh em mang ra khởi động rồi đá luôn trận chung kết. Có Dũng tư là không kịp thích nghi giày mới nên vẫn đi đôi cũ. Nếu không đi giày đinh sắt ấy thì sẽ rất dễ bị trơn trượt. Đây cũng là bài học, để sau này khi đá giải mình luôn phải chuẩn bị những đôi giày đinh sắt như thế, phòng trời mưa, tuyết rất dễ trơn trượt.
Ở trong hiệp 1 trận chung kết, cầu thủ U23 Uzbekistan mặc áo trắng. Nhiều tình huống cầu thủ họ chạy qua mặt mà mình không biết. Không nhìn thấy rõ lắm. Lúc đó mọi thứ diễn ra không giống một trận đấu bình thường. Thực sự trước đó chưa bao giờ được đá như thế cả. Nói chung rất bỡ ngỡ. Và đội mình sớm bị chọc thủng lưới như một điều tất yếu. Tụi mình đã thật sự lo lắng, với điều kiện thời tiết thế này thì làm sao để ghi bàn đây.
Gần cuối hiệp 1, U23 Việt Nam có cơ hội từ một quả đá phạt ngoài vòng cấm. Ở vị trí hơi chếch sang trái đó, bình thường mình sẽ là người dứt điểm. Nhưng vì Quang Hải đang đạt phong độ ghi bàn quá tốt, cộng thêm ánh mắt vô cùng tự tin lúc đó nên mình đã nhìn Hải và gật đầu. Cả hai cùng tự hiểu là: "Hải ơi, em sút đi". Và trong những tình thế khó khăn như vậy, cả đội đều hướng sự kỳ vọng về người hùng của đội - Nguyễn Quang Hải.
Bóng từ chân Hải bay thẳng vào lưới. Có lẽ, góc máy từ chính đôi mắt của mình là góc máy đẹp nhất. Mình đứng thẳng với đường bóng lúc bay vào lưới, tất nhiên là đẹp hơn nhiều so với trên TV rồi. Cầu vồng tuyết của Quang Hải vẫn luôn là khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Nhưng cuối cùng, chúng ta đã để thua ở những phút cuối. Việc để thua ở những giây cuối cùng đầy cay đắng như vậy, đương nhiên là buồn rồi. Không biết nếu Việt Nam vô địch thì sẽ như nào nhỉ. Về tổng thể cả giải U23 châu Á 2018 đó, chúng ta đã thành công trên cả mong đợi. Tất cả người Việt Nam khi đó giống như chung một gia đình. Tất cả đổ ra đường, những người không quen biết cũng có thể ôm nhau ăn mừng. Niềm tự hào dân tộc được đẩy lên ở mức cao hơn bao giờ hết. Đó thực sự là niềm vinh dự của những người trong cuộc như tụi mình.
Về mặt chuyên môn, thành tích vào tới chung kết của VCK U23 châu Á 2018 đã tạo một cú hích lớn cho nền bóng đá nước nhà. Người hâm mộ quan tâm, tới các sân bóng V.League đông hơn. Tinh thần anh em cầu thủ cũng lên rất cao. Vị trí của HLV Park Hang Seo trong lòng người dân Việt Nam được xây dựng vững chắc. Để rồi sau giải đấu, thầy Park và các cấp đội tuyển gặt hái được những thành công khác: hạng tư ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018, vào tới tứ kết Asian Cup 2019, tiến đến vòng loại cuối cùng của FIFA World Cup 2022 và chỉ dừng bước trước những đối thủ siêu mạnh như Nhật Bản, Úc, Ả-rập Xê-út. Đó là những đấu trường mà mình may mắn được góp mặt cùng Olympic Việt Nam và đội tuyển Quốc gia. Còn với thầy Park, ông còn giúp đội tuyển U23 Việt Nam 2 lần liên tiếp giành huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games, danh hiệu mà suốt 60 năm trước đó người dân Việt Nam luôn mong đợi.
Từ 2018 đến 2022, đó chính là quãng thời gian thành công và đáng nhớ nhất của bóng đá Việt Nam. Hành trình đó ghi đậm dấu ấn của HLV Park Hang Seo. Khởi nguồn của chuỗi năm tháng thành công đó chính là kỳ tích Thường Châu tuyết trắng vào đầu năm 2018. Một giải đấu mà mình sẽ không bao giờ quên. Sau này, khi con mình lớn, mình sẽ kể với con nghe về hành trình đó, với giọng điệu tự hào của người mang băng thủ quân trong hành trình lịch sử…