• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuất hiện Hợp đồng “khủng” hút cát vùng Cửa Đại

Thời sự 25/03/2017 17:31

(Tổ Quốc) - Bản hợp đồng hút cát vùng biển Cửa Đại rồi vận chuyển ra một khu đô thị ở Đà Nẵng đã được ký với số tiền "khủng" - khoảng 60 tỷ đồng.

Như Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa tin, trước thông tin nghi ngờ có tàu hút trộm cát ở biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đưa ra Đà Nẵng bán, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng xác minh, điều tra làm rõ.

Vấn đề này “rất nóng”, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương bởi bờ biển Cửa Đại bấy lâu nay là điểm sạt lở kinh hoàng khiến các nhà hàng, khách sạn, resort…có nguy cơ bị xóa sổ. Trong lúc chính quyền địa phương đang nỗ lực chống sạt lở bờ biển, tốn nhiều kinh phí thì rộ lên thông tin có tàu hút trộm cát ở vùng biển này đem đi bán.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên đã tiếp cận được một bản hợp đồng giữa hai công ty về việc hút cát ở vùng biển Cửa Đại rồi chở ra Đà Nẵng.

Theo đó, hợp đồng số 01/017/ĐP giữa Công ty CP Trung Nam (trụ sở tại Đà Nẵng - bên A) và Công ty TNHH Tuấn Sinh (trụ sở tại TP Nam Định - bên B) về “Vận chuyển và bơm cát san nền cho công trình khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước tại địa điểm xây dựng: phường Thanh Bình - Thuận Phước, quận Hải Châu và phường Tam Thuận - Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng”. Hợp đồng được ông Bùi Xuân Định - Tổng GĐ Công ty CP Trung Nam và bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Sinh cùng ký.

 
 
Hợp đồng giữa Công ty CP Trung Nam và Công ty TNHH Tuấn Sinh.

Điều 1 của bản hợp đồng này ghi: “Bên A đồng ý giao và bên B đồng ý nhận thực hiện công việc hút cát lên tàu, vận chuyển đến công trường và bơm xả cát để san nền dự án khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Địa điểm khu vực hút cát là vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Vị trí đặt ống bơm cát vào công trường cách mép nước biển 30m và bắt đầu từ đây sẽ bơm ra xa bờ. Đơn giá, khối lượng và giá trị hợp đồng ghi rõ 60.000 đồng/m3, với khối lượng 1.000.000 m3 thành tiền 60 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện hợp đồng bắt đầu từ ngày 02/01/2017 đến ngày 30/09/2017. Hợp đồng cũng ghi rõ số lượng tàu hút, thiết bị bơm (phao bơm) của bên B dự kiến phục vụ thi công là từ 5-10 tàu, khoang chứa mỗi tàu phải chở được 800m3 cát. Số lượng thiết bị bơm, ít nhất là 3 hệ thống thiết bị bơm hút, xả. Tùy thuộc khối lượng và thiết bị bơm cần thiết theo từng giai đoạn thi công của dự án.

Trách nhiệm của Công ty CP Trung Nam là: “Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của mỏ cát nơi bên B bố trí thiết bị bơm hút, vận chuyển…; Chịu trách nhiệm thả phao xác định khu vực hút cát…; Đảm bảo đủ trữ lượng để bên B khai thác…; Chịu các khoản thuế như thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường...”.

Nếu chậm trễ thực hiện theo tiến độ hợp đồng trên, bên B là Công ty Tuấn Sinh sẽ phải chịu phạt 2% giá trị của phần công việc chưa thực hiện theo hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm. Ngược lại Công ty CP Trung Nam phải đền bù thiệt hại cho bên hút cát nếu “không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến khai thác cát…”.

Các tàu hút cát đang thực hiện dự án tại vùng biển Cửa Đại (ảnh chụp trưa ngày 23/3). Ảnh: K.L

Sau nhiều lần liên lạc, phóng viên được phía Công ty CP Trung Nam giải thích về hợp đồng này bằng văn bản do Tổng GĐ Bùi Xuân Định ký. Theo đó, thời gian qua Công ty CP Trung Nam có nhận được một hợp đồng thi công công trình/dự án tại thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở đó, Công ty có ký Hợp đồng số 01/017/ĐP ngày 02/01/2017 về việc: “Vận chuyển và bơm cát san nền…” với Công ty TNHH Tuấn Sinh, trong đó phần khối lượng và giá trị chỉ mang tính chất tạm tính để có cơ sở thực hiện khi đủ điều kiện.

“Việc ký hợp đồng với các bên liên quan là hoạt động nằm trong chuỗi các công việc mang tính chuẩn bị đồng thời giúp Công ty chủ động trong quá trình thi công sau này nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu. Trong đó, việc thực hiện hợp đồng phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ pháp lý khi mỏ cát đã được cấp phép đầy đủ.

Công ty CP Trung Nam phải mua được nguồn cát hợp lệ và thuê các đơn vị này vận chuyển cát về công trường dự án của chúng tôi. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa mua được mỏ cát có giấy phép hợp lệ tại Hội An. Vì vậy chúng tôi chưa thể xúc tiến thực hiện hợp đồng thuê đơn vị vận chuyển như đã ký”, văn bản giải thích của Công ty CP Trung Nam ghi rõ.

Công ty này cũng cho biết ngày 25/2/2017 đã làm việc với đại diện đơn vị vận chuyển để dừng việc thực hiện hợp đồng và cam kết hỗ trợ các chi phí sinh hoạt cần thiết trong thời gian chờ triển khai. Nội dung làm việc cùng đại diện các đơn vị đã được lập thành biên bản khá chi tiết!?.

“Thông tin về việc công ty Tuấn Sinh chở cát về dự án của chúng tôi là chưa chính xác, theo chúng tôi được biết thì công ty Tuấn Sinh có tham gia thi công nạo hút cát tại Hội An với các đối tác khác. Việc thực hiện bơm hút cát này là thỏa thuận riêng không liên quan gì đến công ty CP Trung Nam chúng tôi.

Như vậy, về nguyên tắc, hợp đồng vận chuyển đã ký nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện và chúng tôi vẫn đang tìm nguồn cát mới đủ điều kiện hợp pháp để mua phục vụ cho dự án của chúng tôi”, nội dung do ông Bùi Xuân Định, Tổng GĐ Công ty CP Trung Nam ký trong văn bản trả lời báo chí.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn – Giám đốc đoạn quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT Quảng Nam thì cho rằng có một số tàu bị phát hiện hút cát sai vị trí và chở cát đi Đà Nẵng.

Điển hình ngày 12/3, lực lượng chức năng phát hiện có 2 tàu lớn gồm tàu HP 4055, ĐNa 0578 hút sai vị trí được cấp phép và chở cát đi Đà Nẵng. Sau đó một ngày, tiếp tục phát hiện thêm tàu HP 4288 hút sai vị trí và có ý định chạy đi Đà Nẵng nhưng khi bị phát hiện thì bị gọi điện quay lại. “Cả 3 tàu này do Công ty Thành Đô quản lý”, ông Sơn cho biết.

Hiện các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đang xác minh, điều tra làm rõ sự việc. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là nếu phát hiện ra đơn vị nào hút cát bán ra ngoài thì sẽ xử lý nặng. 

Khánh Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ